Ngày 22-9, sau hai ngày nhận tin báo về một cá thể gấu vừa được gia đình chủ nuôi đồng thuận và viết đơn đề nghị chuyển giao vì mục đích nhân đạo trong thời gian sớm nhất có thể, Tổ chức Động vật châu Á khẩn trương phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Nam Định lên kế hoạch cứu hộ.
Theo đơn tự nguyện của gia đình nuôi gấu ở huyện Trực Ninh, Nam Định, cá thể gấu ngựa nặng ước chừng 120kg đã được gia đình nuôi nhốt từ năm 2005, cho tới nay được khoảng 17 năm.
Đoàn cứu hộ gấu gồm các bác sĩ thú y, chuyên gia hành vi và cán bộ của Tổ chức Động vật châu Á đã gây mê để đưa gấu ra ngoài, khám sức khỏe tại hiện trường đánh giá tổng quát sức khỏe gấu. Bác sĩ thú y Phạm Thị Lan Hương cho biết sức khỏe của gấu tương đối ổn định, ngoài việc cơ thể bị mất nước, gấu có một cái răng bị gãy, siêu âm túi mật không thấy bất thường.
Tổ chức Động vật châu Á đặt tên cho gấu cứu hộ ở Trực Ninh, Nam Định là Paddington – theo tên chú gấu hoạt hình nổi tiếng được nữ hoàng Anh Elizabeth II yêu quý, để tưởng nhớ Nữ hoàng. Gấu Paddington là nhân vật có tính biểu tượng và sức ảnh hưởng trong văn hóa Anh. Paddington lịch sự, tốt bụng, luôn xưng hô kiểu cách với mọi người, đặc biệt yêu thích mứt cam. Chú xuất hiện trong hơn 20 đầu sách của Michael Bond, được dịch ra 30 thứ tiếng, bán hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới, và truyền tải thông điệp nhất quán về lòng tốt, sự tử tế và lịch sự.
Ts Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Động vật châu Á từng vinh dự nhận tước hiệu MBE của Hoàng gia Anh, vinh danh những đóng góp của bà trong sự nghiệp bảo tồn động vật hoang dã ở khắp châu Á.
Do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên), và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ở Việt Nam ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, chỉ còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật. Chúng bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.
Ngoài tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, chú gấu may mắn này có thể được sống phần đời còn lại trong an toàn và tự do. Tổ chức Động vật châu Á cam kết chăm sóc trọn đời cho gấu.
Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) đã bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2007 và đưa gấu cứu hộ về sống trong Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, tổ chức đã cứu hộ được 252 cá thể gấu (cả gấu chó và gấu ngựa), trong đó có 202 cá thể đang sống trong môi trường bán tự nhiên xanh mướt tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tại đây, gấu được chăm sóc phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, để dần khôi phục lại bản năng tự nhiên của chúng.
Về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành Kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Về phương diện tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu, tổ chức phối hợp cùng các thầy thuốc Đông y của Trung ương hội Đông y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Về phương diện giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, tổ chức thường xuyên có các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu và các loài động vật. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của tổ chức cũng chào đón học sinh và các khách tham quan tìm hiểu về thực trạng của loài gấu cũng như thăm các chú gấu vui đùa tại các khu bán tự nhiên.