Nước ta đã tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994.
Thực thi công ước, Hải Dương đã có nhiều biện pháp nhằm quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm, thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng nuôi nhốt, săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, bao gồm các loài nguy cấp, quý, hiếm còn diễn ra phức tạp, nhất là trên địa bàn TP Chí Linh.
Năm 2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP Chí Linh thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết 1 vụ án liên quan đến vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Từ đầu năm đến hết tháng 8.2022, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết 3 vụ, 3 bị can về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đặc biệt, có vụ đối tượng buôn bán trái phép 3 cá thể rắn hổ chúa có tên khoa học là ophiophagus hannah, thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB.
Nguyên nhân chính phát sinh loại tội phạm này do ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người chưa nghiêm; nhận thức về các quy định của pháp luật còn hạn chế. Nhiều người vẫn coi việc săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm là việc bình thường, thú vui trong sinh hoạt; hình thức buôn bán này tạo khoản lợi nhuận lớn nên nhiều người cố tình vi phạm pháp luật. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng liên quan còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm đến người dân chưa thường xuyên…
Cuối tháng 8.2022, Viện Kiểm sát nhân dân TP Chí Linh đã ban hành kiến nghị Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh để phòng ngừa tội phạm, hạn chế thấp nhất việc vận chuyển, buôn bán… trái phép động vật thuộc mục loài nguy cấp, quý, hiếm, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công việc trên, lực lượng kiểm lâm địa phương cần tiếp tục thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở, nhà hàng dịch vụ ăn uống nắm bắt, hiểu rõ các quy định về bảo vệ động vật hoang dã; kịp thời thông tin, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm, không tiêu thụ động vật hoang dã…