Một khu bảo tồn linh trưởng ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã bị kẻ lạ đột nhập và bắt cóc 3 con tinh tinh. Franck Chantereau, người sáng lập Trung tâm Phục hồi Linh trưởng J.A.C.K cho biết, những kẻ bắt cóc đã đột nhập vào khoảng 3 giờ sáng ngày 9/9 và đưa những con tinh tinh đi. Hiện 3 con tinh tinh đang bị chúng giữ để đòi tiền chuộc.
Kể từ ngày 9/9 đó, những kẻ bắt cóc đã liên tục gửi đến trung tâm các tin nhắn đòi tiền chuộc. Chantereau cho biết họ đã đe dọa giết những con vượn từ 2 đến 5 tuổi và gửi đầu của chúng đến khu bảo tồn nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng. J.A.C.K đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật và các đối tác khác để tìm ra những kẻ bắt cóc và giải cứu những con tinh tinh non; các cơ quan đã yêu cầu giữ lại một số chi tiết của vụ việc.
“Đó là một cơn ác mộng… đó thực sự là một thảm họa,” Chantereau chia sẻ. “Chúng tôi đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong 18 năm nay. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ trải qua trường hợp nào như thế này: một vụ bắt cóc vượn. Những kẻ bắt cóc còn đe dọa sẽ bắt vợ con của tôi.”
J.A.C.K là một trong ba khu bảo tồn vượn ở Congo và hiện là nơi ở của khoảng 40 con tinh tinh và nhiều loài linh trưởng, bao gồm cả loài cercocebus chrysogaster, lesula và Cercopithecus wolfi đang có nguy cơ tuyệt chủng. Kể từ khi được thành lập vào năm 2006, trung tâm này đã phục hồi tinh tinh và các loài linh trưởng khác được giải cứu khỏi những kẻ buôn bán động vật hoang dã, cung cấp nơi ở, thức ăn và thuốc men cho chúng, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Adams Cassinga, giám đốc của ConservCongo, một tổ chức phi chính phủ của Congo chuyên điều tra và giúp truy tố tội phạm về động vật hoang dã, cho rằng vụ việc trên là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy những kẻ buôn bán động vật hoang dã đang trở nên táo tợn hơn khi không có cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả.
“Rất hiếm khi, và thực tế đây là lần đầu tiên, không chỉ ở châu Phi mà trên thế giới, tôi nghe được chuyện này. Chúng tôi đã nghe nói [về] những người sử dụng động vật hoang dã như một lá chắn hoặc một dự án chính trị hoặc xã hội. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về việc người ta bắt cóc động vật để đòi tiền chuộc theo đúng nghĩa đen,” Adams chia sẻ. “Những tên tội phạm này đã đưa tội phạm về động vật hoang dã lên một tầm cao mới. Điều này đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật cũng phải đẩy mạnh các cơ chế của mình.”
Vụ bắt cóc tinh tinh từ khu bảo tồn Lubumbashi xảy ra chỉ vài tuần sau một vụ phóng hỏa văn phòng của APPACOL-PRN, một tổ chức phi chính phủ chuyên tịch thu các bộ phận động vật bảo tồn và động vật hoang dã từ những kẻ buôn bán trái phép và thường xuyên hợp tác với các khu bảo tồn động vật như J.A.C.K.
Trận hỏa hoạn ngày 8 tháng 8 ở Lodja, một thành phố ở tỉnh Sankuru, miền Trung Congo, đã phá hủy tất cả hồ sơ, tài liệu chiến dịch và trang thiết bị của tổ chức này.
Giám đốc APPACOL-PRN Heritier Mpo cho biết, “Chúng tôi chắc chắn rằng vụ hỏa hoạn này được gây ra bởi những người có liên quan đến buôn bán động vật. Bởi vì 2 tháng trước, chúng tôi đã nhận được nhiều lời đe dọa sau khi tịch thu vảy tê tê, tinh tinh lùn, da của hươu đùi vằn, vẹt, và bắt giữ những kẻ buôn động vật cùng với số vũ khí mà chúng sử dụng để thực hiện tội ác.”
Mpo nói rằng việc này sẽ cản trở công việc của nhóm, nhưng APPACOL-PRN vẫn có kế hoạch xây dựng lại và tiếp tục hoạt động.
BLANTYRE – Trước khi công bố đánh giá mới về các mối đe dọa đối với tê giác trên toàn thế giới, Olivia Swaak-Goldman, giám đốc điều hành của Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã cho biết, chúng ta cần hợp tác quốc tế nhiều hơn để xác định và điều tra các mạng lưới tội phạm đằng sau các vụ việc săn trộm, mua và buôn bán sừng tê giác.
Swaak-Goldman nói rằng, kết quả phân tích các vụ thu giữ sừng tê giác trong 10 năm qua cho thấy tội phạm có tổ chức thúc đẩy nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác.
“Việc săn trộm và buôn bán sừng tê giác đang tiếp tục đe dọa sự tồn tại của loài này và đang có dấu hiệu của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Trong mười năm qua, mặc dù nạn săn trộm đã giảm, các vụ thu giữ sừng tê giác vẫn tăng lên đáng kể về trọng lượng, chủ yếu trên sáu quốc gia và vùng lãnh thổ.”
Vào tháng 8, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và tổ chức buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC đã công bố một báo cáo cho thấy nạn săn trộm tê giác ở cả châu Phi và châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018. Theo báo cáo, từ năm 2018 đến năm 2021, đã có 2.707 con tê giác bị săn trộm trên khắp lãnh thổ châu Phi. Nhưng tỷ lệ săn trộm tê giác trên lục địa này đã giảm từ mức cao nhất là 5,3% tổng số lượng tê giác vào năm 2015 xuống còn 2,3% vào năm 2021.
90% các trường hợp săn trộm tê giác được ghi nhận diễn ra ở Nam Phi, chủ yếu là các vụ giết hại tê giác trắng sắp bị đe dọa ở Vườn quốc gia Kruger. Nhìn chung, số lượng tê giác trắng giảm gần 10% trong ba năm tính đến năm 2021, trong khi quần thể tê giác đen cực kỳ nguy cấp tăng khoảng 12%.
Swaak-Goldman nói: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy tội phạm có tổ chức đang thúc đẩy nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác. Thực tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ chạy dọc theo chuỗi cung ứng sừng tê giác có thể hưởng lợi khi nhìn nhận vấn đề này qua lăng kính tư pháp hình sự chứ không chỉ lăng kính bảo tồn […] Cần phải sử dụng rộng rãi và nhất quán các cơ chế thực thi pháp luật tiến bộ thường được áp dụng với các loại tội phạm có tổ chức khác. Điều này nhằm đảm bảo một cách giải quyết có sự phối hợp toàn cầu nhằm giải quyết nạn buôn bán sừng tê giác.”
KAMPALA – Cơ quan Bảo vệ Động vật Hoang dã Uganda đã hoan nghênh vụ truy tố thành công mới nhất của một tòa án đặc biệt tập trung vào các tội phạm về động vật hoang dã. Al-Maamari Mutahar Ali và Abubakari Mustafa là những người đã bị bắt tại sân bay Entebbe vào ngày 29/5 cùng với 26 miếng sừng tê giác nặng tổng cộng 15 kg (33 pound). Họ đã bị kết án vào ngày 14/9 và bị phạt số tiền tương đương 42.000 đô la bởi Tòa án tại Kampala.
Giám đốc truyền thông của UWA Bashir Hangi cho biết, tòa án chuyên biệt trên được thành lập vào năm 2017 và đã giúp tăng cường truy tố các tội danh như săn trộm và buôn bán động vật hoang dã. Hangi cũng chia sẻ, trước khi Tòa án được thành lập, các thẩm phán thường xuyên trả tự do cho bị cáo mặc dù có bằng chứng rõ ràng về tội ác của họ. Ông cho rằng điều này là do sự kém hiểu biết của các thành viên trong cơ quan tư pháp về giá trị của động vật hoang dã.
“Có những người ở một số nơi sẽ không xem trọng vấn đề này,” Hangi nói, “nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đang nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan này vì họ nhận ra rằng động vật hoang dã không chỉ dành cho UWA mà dành cho Uganda và người Uganda, và bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ lợi ích của họ.”
Đầu tháng này, vào ngày 1/9, cùng một tòa án đã tuyên phạt Vincent Tumuhirwa và Robert Ariho 10 năm tù vì sở hữu bất hợp pháp một loài động vật hoang dã cần được bảo vệ. Họ đã săn giết sư tử và kền kền lưng trắng trong khu vực Ishasha thuộc Công viên Quốc gia Nữ hoàng Elizabeth.
Gần đây, các tòa án chuyên biệt về tội phạm động vật hoang dã cũng đã được thành lập tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Vào tháng 7, một phiên tòa lưu động kéo dài 10 ngày đã được thành lập để xét xử các vụ án tồn đọng về chống buôn bán động vật hoang dã, đánh bắt cá trái phép và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Vườn quốc gia Virunga bao gồm buôn bán ngà voi, răng hà mã, và da sư tử.
Cùng với việc xét xử các vụ án buôn bán động vật hoang dã, tòa án lưu động còn tổ chức các phiên cung cấp thông tin về luật bảo vệ động vật hoang dã với sự tham dự của khoảng 600 người dân địa phương.
LAGOS – Các nhân viên Cơ quan Hải quan Nigeria đã bắt giữ khoảng 7.000 dương vật lừa tại sân bay quốc tế của Lagos. Lô hàng đã được khai báo là dương vật bò và được chuyển đến Hồng Kông.
Trong khi cơ quan thực thi pháp luật tại Nigeria không lưu giữ số liệu thống kê, các nhân viên hải quan đã chặn được một số lô hàng lớn da lừa trong 2 năm qua, chủ yếu được chuyển đến Trung Quốc để sử dụng trong y học cổ truyền. Vào năm 2021, các nhân viên hải quan đã chặn được vụ vận chuyển 2.820 miếng da lừa.
Olajide Oladipo, giám đốc điều hành của Tổ chức Môi trường Netlink, một tổ chức vận động và bảo tồn phi lợi nhuận cho biết: “Quy mô này thực sự gây sốc. Nó cho thấy đã có các cartel tham gia vào các vụ việc này. Chúng ta thực sự cần phải hành động một cách nghiêm túc. Thực tế này phản ánh nhận thức về động vật hoang dã vẫn còn rất thấp ”.
Vào năm 2020, một thượng nghị sĩ Nigeria đề xuất lệnh cấm giết lừa hoặc buôn bán da và các bộ phận khác của nó.
2 năm trước, Hiệp hội các nhà buôn lừa Nigeria đã phản đối vì dự luật quá hạn chế. Nhưng gần đây, hiệp hội đã kêu gọi các hình phạt mạnh hơn đối với những kẻ buôn lậu các bộ phận cơ thể lừa.
Tanzania, Botswana, Uganda, Burkina Faso, Niger và Senegal nằm trong số các quốc gia châu Phi gần đây đã cấm xuất khẩu da lừa và các sản phẩm thứ cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Theo một tổ chức từ thiện phúc lợi và cứu hộ động vật có trụ sở tại Anh The Donkey Sanctuary, có khoảng 4,8 triệu con lừa bị giết thịt mỗi năm để lấy da giàu collagen, một thành phần quan trọng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Tổ chức này cho biết nguồn cung trong nước đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu da lừa của Trung Quốc.
Trúc Mai (Theo Mongabay.com)