GRIPE – sáng kiến nhằm tái chế rác thải nhựa tại Ghana – được cho là đang chối bỏ trách nhiệm hơn là thực hiện nhiệm vụ tái chế.
Vấn nạn ô nhiễm nhựa đang bao phủ khắp châu Phi. Trong số các nước tại châu lục này, Ghana từng được xếp hạng là quốc gia có tình hình nghiêm trọng nhất.
Nhờ Sáng kiến Tái chế Ghana của nhóm Các doanh nghiệp tư nhân (GRIPE), Ghana hiện được xem là câu chuyện thành công trong giải quyết ô nhiễm. Và cũng nhờ GRIPE – sáng kiến về môi trường do các tập đoàn quốc tế tài trợ, những doanh nghiệp tham gia đã nhận nhiều khen ngợi.
Tuy nhiên, Ghana trên thực tế là quốc gia có lượng rác thải ít. Chính các thành viên của sáng kiến GRIPE – bao gồm các công ty con của Coca-Cola, Unilever, Nestle, Danone và Dow Chemical – mới là nguồn thải của rất nhiều chai lọ và giấy bọc ngổn ngang tại các con sông và hồ nước mặn tại châu Phi, làm chết động vật hoang dã và gây ô nhiễm không khí.
Ghana ngập trong “biển” nhựa
Nhựa là vấn đề mang tính sống còn tại Ghana – quốc gia có dân số 32 triệu người, với 1/4 dân số sống trong cảnh nghèo đói.
Ở đây, nhiều người dân không thể nấu ăn bằng nước từ vòi vì nguồn nước này chứa nhiều rủi ro về các mầm bệnh nguy hiểm. Vì thế, nước đóng chai và nước đóng túi đã trở thành nguồn cung cấp nước sạch quan trọng cho người dân nơi đây.
Tuy nhiên, hệ thống xử lý rác thải tại Ghana còn hạn chế, khiến chính chai và bao nhựa trở thành những nguồn gây ô nhiễm gây hại cho con người.
Mỗi đợt mưa lớn, người dân thường gọi đó là “mùa nhựa” vì tất cả rác thải trôi ngổn ngang trên bãi biển.
Các kênh thoát nước tại Accra, thủ đô của Ghana, cũng bị tắc nghẽn vì rác thải, đặc biệt là chai nhựa, và gây ra ngập úng mỗi mùa mưa. Cơn lũ năm 2015 nghiêm trọng tới mức nó đã lấy mạng 200 người dân thành phố.
Đằng sau sáng kiến “vì môi trường”
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tại Ghana, những công ty tiêu thụ nhựa lớn nhất của khu vực đã đưa ra sáng kiến GRIPE vào năm 2017 với sứ mệnh “thực hiện các giải pháp tái chế nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đã qua sử dụng lên môi trường”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng GRIPE đã không thành công trong việc chống lại đói nghèo cũng như thúc đẩy công cuộc tái chế.
Ngay từ đầu, một trong những mục tiêu cốt lõi của GRIPE là xóa đói giảm nghèo bằng cách đảm bảo thu nhập cho những người lao động phi chính thức của Ghana.
Nhiều người nhặt rác là phụ nữ lớn tuổi, phải dành tám giờ hoặc hơn mỗi ngày để làm công việc thu gom rác thải nhựa. Tại các bãi rác đô thị, trẻ em sàng lọc các đống rác để bán phế liệu.
Trong một quảng cáo, GRIPE hứa hẹn sẽ trả “rất nhiều tiền” cho việc thu thập chai lọ. Thực tế, GRIPE không phải là bên mua lại số chai lọ đó, mà chính các bên đối tác tái chế đã trả tiền cho những người nhặt rác. Số tiền trả cho người lao động “rất ít ỏi” và họ không thể sống dựa vào khoản tiền đó.
Về hiệu quả tái chế, dù GRIPE thực hiện chiến lược marketing “hào nhoáng”, tỷ lệ đồ nhựa được tái chế tại Ghana vẫn rất thấp, chỉ 0,1% theo báo cáo của Ủy ban châu Âu năm 2020. Báo cáo cho biết GRIPE “hiện diện rất tích cực trên truyền thông” nhưng “không mang lại nhiều tác động lớn”.
Vào tháng 12/2021, các phóng viên Bloomberg đã đặt thiết bị theo dõi điện tử vào hai chai nhựa và bỏ chúng vào thùng rác của GRIPE. Hai chai nhựa đó không hề được di chuyển trong nhiều tuần.
Cuối tháng 1, một chiếc chai bắt đầu được di chuyển bằng đường bộ, sau đó biến mất. Chai còn lại vẫn ở nguyên chỗ cũ. Tới tháng 3, các phóng viên đã đến thăm và phát hiện điểm tái chế đã đầy đến mức tràn ra ngoài và bị chặn bởi các thùng phuy dầu. Chai nhựa chứa thiết bị theo dõi vẫn nằm nguyên bên trong, cho thấy nó chưa bao giờ được thu dọn.
Chia sẻ với Bloomberg, Prince Agbata, người điều hành công ty tái chế quản lý thùng rác tại Ghana, cho biết họ đã “gặp phải khó khăn ngân sách”.
Theo ông Agbata, GRIPE không hề có hỗ trợ tài chính để khuyến khích thu thập chai nhựa. Nguồn kinh phí thực tế được cung cấp bởi tập đoàn dầu khí Total, hãng nước đóng chai Voltic thuộc Coca-Cola, và bởi chính công ty của ông Agbata nhưng giờ số tiền ấy đã cạn kiệt.
Agbata cho biết Ghana hiện không có cơ sở có thể tái chế nhựa PET – loại nhựa được sử dụng trong sản xuất chai lọ – thành chai mới, vì vậy rất khó để có thể bán chúng. Vì thế, một phần rác thải nhựa sẽ được xuất khẩu sang châu Âu, phần còn lại sẽ bị “tái chế hạ cấp”.
Tái chế hạ cấp là quá trình phá sản phẩm cũ để lấy bộ phận và nguyên liệu dùng vào chế tạo các sản phẩm mới có giá trị thấp hơn.
Vòng lặp đổ lỗi luẩn quẩn
Dù gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, thế giới vẫn tiếp tục sản xuất ngày càng nhiều nhựa, với khoảng 500 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm. Các chuyên gia dự đoán con số sẽ gấp đôi vào năm 2040.
Lý do đầu tiên là nhựa có giá thành rất rẻ. Lý do còn lại là nhờ các chiến dịch dẫn đầu bởi ngành công nghiệp đang cố thuyết phục người dân cần sử dụng nhựa một cách bền vững.
Chia sẻ với Bloomberg, George Harding-Rolls, người quản lý chiến dịch tại Change Markets, một tổ chức phi chính phủ về môi trường, cho rằng việc đổ lỗi cho người tiêu dùng là thủ thuật đã tồn tại hàng thập kỷ.
“Đó là một chiến thuật đánh lạc hướng được đưa vào các bối cảnh khác nhau”, ông Harding-Rolls nói.
Ví dụ, mạng lưới Clean Europe, với phương châm “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”, được tạo ra bởi Pack2Go, một hiệp hội ngành nghề đại diện cho lĩnh vực đóng gói. Clean Europe đã bác bỏ cáo buộc rằng mạng lưới này là “bình phong cho ngành đóng gói”.
Theo ông Harding-Rolls, các tổ chức như Clean Europe thường phủ nhận quy mô của cuộc khủng hoảng về môi trường. “Nếu bạn coi đó là một vấn đề mang tính hệ thống, bạn cần những giải pháp mang tính hệ thống”, ông nói.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của GRIPE phủ nhận họ cố thoái thác trách nhiệm trong vấn đề rác thải nhựa tại Ghana.
“Nếu mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về hành động của mình trong việc quản lý nhựa, chúng ta có thể giải quyết mối đe dọa tốt hơn, thay vì thù ghét những người đang cố gắng cung cấp cho bạn nguồn nước tiện lợi”, Theophilus Arthur Mensah, một quan chức tại Hiệp hội các ngành công nghiệp Ghana, nói với Bloomberg.
Trả lời các câu hỏi về trung tâm mua lại bị bỏ hoang ở Jamestown và các thùng tái chế Total không được làm sạch, đại diện GRIPE cho biết cả hai dự án đang gặp phải những vấn đề về hợp đồng và hậu cần.
Khi được hỏi về tiến độ cụ thể của sáng kiến, ông Basil Ampofo, chủ tịch GRIPE, người quản lý các vấn đề pháp lý tại Unilever, suy nghĩ một lúc trước khi trả lời. “Tôi nghĩ việc nhựa không bị cấm ở Ghana đã là một trong những thành tựu lớn nhất của chúng tôi”.
Ông Ampofo cũng cho biết chính phủ Ghana đánh thuế 10% đối với nhập khẩu nhựa nhằm gây quỹ cho việc cải thiện việc thu gom và tái chế chất thải.
Nhưng các nhà lãnh đạo GRIPE nói họ không biết số tiền thu được đã đi đâu và cho rằng số tiền đó đáng ra phải được sử dụng để làm những công việc mà các thành viên GRIPE đang tình nguyện thực hiện.
“Nếu thuế được sử dụng một cách hợp pháp, sẽ chẳng cần đến GRIPE nữa”, ông Ampofo nói với Bloomberg. “Chúng tôi sẽ không tồn tại”.
Trong khi đó, Kwabena Biritwum, một quan chức của Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Ghana, có quan điểm riêng về vấn đề rác thải nhựa. Biritwum nói ông không biết nhiều về GRIPE và nhiệm vụ của nó, nhưng các công ty nên được đánh giá dựa trên những gì họ làm chứ không phải những gì họ nói.
“Và các công ty ấy đã làm được những gì? Không nhiều lắm”, ông nói.