Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là mục tiêu được các cơ quan chức năng đặt ra đã lâu, nhưng đến nay vẫn loay hoay như “gà mắc tóc” – đặc biệt với Hà Nội, địa phương có số lượng cá thể gấu bị nuôi nhốt lớn nhất cả nước. Thực tiễn cho thấy, để trả gấu về với các cơ sở bảo tồn, nếu chỉ dựa vào tuyên truyền, e là chưa đủ…
Nhiều nỗi chờ trông…
“Thủ phủ nuôi gấu” – xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, nơi có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước với 120 cá thể, bình yên như bao làng quê khác. Khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở những tấm pano, áp phích tuyên truyền về quy định pháp luật liên quan đến việc nuôi nhốt, khai thác các sản phẩm từ gấu…
Nói về những khẩu hiệu này, ông Khuất Văn Hải (thôn Đông, xã Phụng Thượng), đại diện một hộ nuôi gấu khẳng định: “Từ lâu, chúng tôi đã thuộc làu tất cả những quy định này!”. Trại nuôi gấu của gia đình ông Khuất Văn Hải nằm ở khu vực trang trại chăn nuôi của địa phương. Giữa trưa nắng hầm hập, đàn gấu vừa được tắm mát nên rất ngoan hiền. Kể về đàn gấu 15 con, ông Hải tâm sự, từ những năm 1990, nuôi gấu lấy mật là nghề giúp nhiều hộ dân nơi đây làm giàu nhanh chóng. Hàng chục hộ đổ tiền của đầu tư nuôi gấu, khai thác mật. Thậm chí, những cá thể gấu trưởng thành, khi mua còn đắt hơn cả một suất đất mặt đường quốc lộ 32.
Cũng như nhiều hộ kinh doanh khác, đầu những năm 2000, gia đình ông Hải cầm cố sổ đỏ, vay mượn nhiều nơi để mua 15 cá thể gấu. Nhưng thật không may, việc khai thác mật gấu đến năm 2006 đã phải dừng lại bởi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, đưa gấu chó và gấu ngựa vào danh mục được bảo vệ, cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại. Vốn liếng chưa được thu hồi, việc đầu tư vào đàn gấu bết bát, nhưng gia đình vẫn nghiêm túc chấp hành. Đàn gấu được gắn chíp và chịu sự quản lý của Hạt Kiểm lâm Đan Phượng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội).
Không bắt đàn gấu “đẻ ra tiền” như kế hoạch đầu tư, song ông Hải cũng không thể bỏ mặc chúng. Ông chạy vạy khắp nơi để kiếm nguồn thức ăn rẻ nhất có thể, từ những trang trại nuôi gà vịt, các lò ấp trứng lộn và các nhà máy sữa… Hễ ở đâu có nguồn thức ăn tận dụng được, ông lại lặn lội tìm đến. “Chưa kể công chăm, tiền điện phục vụ chúng tắm táp và quạt mát, tính sơ sơ cũng mất khoảng 400.000 đến 500.000 đồng tiền thức ăn mỗi ngày. Tốn kém, nhưng đã đâm lao thì phải theo lao…” – ông Hải xót xa.
Cũng như gia đình ông Hải, nhiều hộ nuôi gấu ở Phụng Thượng “dở khóc, dở cười” bởi “của một đống tiền” nhưng hơn chục năm qua không những không mang lại một đồng lợi nhuận nào, ngược lại, còn tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền của… Đáng nói, dù đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn chưa có mấy người tự nguyện bàn giao gấu cho Nhà nước. Gần đây nhất, đầu tháng 7-2022, hộ ông Nguyễn Văn Thao ở cụm 9, xã Phụng Thượng, tự nguyện bàn giao 7 cá thể gấu cho Nhà nước quản lý, nhưng vẫn trăn trở: “Do gia đình neo người, không có điều kiện chăm sóc nên đành phải bàn giao. Nhưng trong lòng rất xót xa, tiếc nuối”.
Trải lòng mình, ông Thao hồi tưởng, theo nhu cầu thị trường mật gấu đầu những năm 2000, gia đình đã đầu tư mua 7 cá thể. Khi mua, mỗi con chỉ nặng hơn 1kg, “ngoài chợ, thương lái bán gấu như bán chó con”. Lúc đó, đàn gấu là tài sản quý, giá trị rất lớn. Sau khi Nhà nước cấm khai thác gấu lấy mật, các hộ dân đều phải chấp hành và khấp khởi mừng khi được vận động bàn giao cho Nhà nước nuôi. Nhưng người dân đã hụt hẫng, vì cơ quan chức năng chỉ chấp nhận người dân bàn giao tự nguyện, không có khoản hỗ trợ nào…
Chưa thấy lối ra
Vì sao nuôi gấu tốn kém, nhưng người nuôi không bàn giao cho các trung tâm cứu hộ? Giải thích về mâu thuẫn này, ông Khuất Văn Hải chia sẻ: “Của đau, con xót”! Đây là khối tài sản mà người dân chắt chiu, phải đánh đổi nhiều thứ khác mới có được. Người dân sẵn sàng bàn giao gấu, chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác, để có công ăn việc làm ổn định. Cùng cách nghĩ này, ông Nguyễn Văn Thao tâm sự: “Dù đã tự nguyện bàn giao hết số gấu nuôi song tôi mong các cấp chính quyền xem xét, tạo điều kiện cho các hộ đang nuôi gấu ở địa phương được hỗ trợ phần nào… Bởi có hỗ trợ bao nhiêu thì các hộ vẫn chịu thiệt thòi”.
Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), tính đến cuối tháng 5-2022, cả nước còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, trong đó tại Hà Nội có đến 51% tổng số gấu. Còn theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, tính đến quý I năm 2022, toàn thành phố có 150 cá thể gấu đang được nuôi nhốt, có gắn chíp tại hộ dân ở các huyện, quận, thị xã: Mê Linh, Long Biên, Sơn Tây và Phúc Thọ. Trong đó, Phúc Thọ là nơi tập trung nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu nhất. Tính đến ngày 8-8-2022, huyện này còn 20 cơ sở nuôi nhốt 126 cá thể (thị trấn Phúc Thọ có 2 cơ sở với 6 cá thể, xã Phụng Thượng có 18 cơ sở với 120 cá thể).
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã bền bỉ phối hợp với các tổ chức như ENV, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội… tổ chức tuyên truyền các quy định liên quan đến việc gây nuôi, nuôi nhốt gấu cũng như vận động các cơ sở nuôi nhốt gấu tự nguyện giao gấu cho Nhà nước… Tuy nhiên, số người chuyển giao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 2 cơ sở tự nguyện bàn giao 8 cá thể; đưa tổng số gấu được bàn giao từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ chỉ là 12 cá thể.
Là đơn vị trực tiếp quản lý nhà nước về số gấu nuôi trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đan Phượng Nguyễn Việt Hà nhận định, việc nuôi nhốt gấu ở xã Phụng Thượng tồn tại từ khi Nhà nước chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về việc nuôi và khai thác gấu cho mục đích thương mại. Hiện tại, việc quản lý gấu nuôi đã vào nền nếp, các hộ đều sẵn sàng bàn giao gấu cho cơ quan chức năng, nhưng mong được xem xét hỗ trợ. Nguyện vọng này đã nhiều lần được đề đạt với cấp có thẩm quyền, nhưng chưa có câu trả lời…
Gấu được liệt kê trong Nhóm 1B, loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”. Mọi hoạt động khai thác, buôn bán và tiêu thụ gấu đều bị pháp luật nghiêm cấm. Như vậy, theo cái lý đã rõ, còn theo cái tình, người nuôi gấu thiệt hại là có thật…
Trước thực trạng ấy, nếu không có tiếng nói chung giữa người nuôi và các cơ quan chức năng, đàn gấu cả trăm con sẽ vẫn ngày ngày chịu cảnh sống tù túng trong những chiếc lồng sắt lạnh lùng, trong khi tuổi thọ càng ngày càng ngắn đi.