Phá bỏ gần 200ha rừng thông 20 năm tuổi để trồng mắc ca nhưng sau gần 5 năm, đến nay, kết quả chỉ là những đồi trống, lơ phơ những cây mắc ca èo uột.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum phối hợp với các đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra, thị sát thực tế tình hình thực hiện dự án trồng mắc ca của Công ty TNHH Đăng Vinh (trụ sở tại Bình Định) ở huyện Kon Plông.
Đây là “siêu dự án” nông nghiệp được UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đăng Vinh sau khi thu hồi, chuyển mục đích sử dụng gần 200ha rừng thông tại Tiểu khu 481, xã Đăk Long, huyện Kon Plông.
Cụ thể, vào tháng 1/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định thu hồi diện tích hơn 198ha, trong đó đất rừng thông trồng đã khai thác hơn 187ha và đất trống do UBND xã Đăk Long quản lý hơn 11ha. Sau khi thu hồi, UBND tỉnh Kon Tum đã chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ diện tích trên sang đất trồng cây lâu năm và cho Công ty TNHH Đăng Vinh thuê để thực hiện dự án trồng mắc ca. Thời hạn cho thuê là 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm.
Chính việc thực hiện dự án trồng mắc ca đã khiến cho rất nhiều cây thông 20 năm tuổi bị đốn hạ để giao đất cho nhà đầu tư.
Theo như cam kết của nhà đầu tư, từ năm 2017 đến 2019, tiến độ thực hiện dự án phải trồng xong 177ha cây mắc ca và đến năm 2021 sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên sau hơn 5 năm vẽ ra dự án, hiện một phần diện tích đất đã bị người dân lấn chiếm, một phần để đất trống, phần còn lại trồng cây nhưng chết và sinh trưởng kém.
Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, đến nay, nhà đầu tư dự án đã trồng khoảng 150ha cây mắc ca, trong đó có khoảng 15ha đơn vị trồng thí điểm xen 4.000 cây ăn trái (mít, bưởi, hoa anh đào), còn lại một số vị trí chưa trồng cây do sườn dốc, sình lầy…
Hiện tại, các loại cây mít, bưởi, hoa anh đào trồng xen với cây mắc ca sinh trưởng kém, hầu hết đã bị chết do trâu, bò phá hoại. Đối với giống cây mắc ca (H2) trồng khoảng 20ha từ năm 2018, cây sinh trưởng chậm. Trong khi đó, giống cây mắc ca (OC, 508) trồng khoảng 130ha (trồng trong 3 năm 2018, 2019 và 2020) sinh trưởng đạt tỷ lệ sống đạt 72 – 80%. Hiện nay, khu vực dự án có 4,69ha chồng lấn lên diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân đã được UBND huyện Kon Plông cấp năm 2011. Bên cạnh đó, có 3,56ha đất bị các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm.
Cũng theo kết luận của Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, số lượng cây mắc ca thuộc dự án chưa bảo đảm quy mô, mật độ trên diện tích đất được cấp cho dự án. Cùng với đó, chất lượng cây giống và công tác chăm bón cây trồng chưa phù hợp với địa hình, khí hậu thuộc khu vực dự án nên cây sinh trưởng chậm, chết nhiều nhưng chưa được nhà đầu tư trồng bổ sung.
Ngoài ra, trong việc đầu tư các hạng mục xây dựng của dự án, nhà đầu tư chưa thực hiện trên thực tế, chậm tiến độ so với Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Kon Tum.
Điều đáng nói, dù dự án chậm tiến độ, không mang lại hiệu quả nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến 31/12/2023, hiện đang chờ UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đây là lần xin điều chỉnh thứ 3, trước đó UBND tỉnh Kon Tum đã cho điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 lần vào năm 2016 và 2020.
Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã ghi nhận thực tế tại “siêu dự án” trồng mắc ca của Công ty TNHH Đăng Vinh. Dự án gần 200ha nhưng phần lớn diện tích vẫn là đồi trọc. Tại một số quả đồi, cây thông đã bị chặt hạ để thay thế bằng cây mắc ca và các loại cây ăn trái nhưng không nhiều.
Được biết, trước đó việc phá bỏ gần 200ha rừng thông để trồng mắc ca đã khiến rất nhiều người dân nơi đây băn khoăn, lo lắng. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm trước việc vội vàng phá bỏ rừng thông sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sinh thái ở nơi vốn được xem như “Đà Lạt thứ 2”. Đây là nơi có những đồi thông tuyệt đẹp cùng những khu du lịch sinh thái nổi tiếng với khí hậu trong lành, mát lạnh, đã trở thành giai thoại được nhiều thế hệ biết đến.
Chưa kể, việc chặt bỏ rừng thông để trồng cây mắc ca cũng sẽ gặp những rủi ro vì đây không phải là cây dễ trồng, nếu không nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu, dễ dẫn đến thất bại. |