Hiện nay, tình trạng các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã (ĐVHD) lợi dụng hoạt động thương mại hợp pháp để buôn bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép vẫn xảy ra. Các cơ sở này bằng nhiều hình thức “biến” ĐVHD nhập lậu từ nước ngoài thành ĐVHD được sinh sản thành công hợp pháp. Vì vậy, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây nuôi thương mại này.
Quản lý chặt các cơ sở gây nuôi thương mại
Ông Thomas Lyons, Đại diện Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Trên thế giới, ước tính tội phạm xuyên quốc gia về môi trường gây thiệt hại từ 70 đến 200 tỷ USD/năm với mạng lưới tội phạm trải dài khắp châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Ngoài tác động tàn phá đối với hệ sinh thái và động vật, tội phạm về ĐVHD còn là mối đe dọa trực tiếp đối với nền pháp quyền và trật tự quốc gia. Tội phạm này tạo tiền đề cho các loại tội phạm khác, như: Tham nhũng, rửa tiền, buôn lậu quốc tế và thương mại bất hợp pháp. Trong nhiều hành vi buôn bán ĐVHD trái phép, có một khía cạnh thường không được chú ý nhiều là hoạt động “rửa” ĐVHD. Tương tự như hoạt động “rửa” tiền, “rửa” ĐVHD là việc các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại hợp pháp để buôn bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Điều này thường được thấy tại các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD, những nơi biến ĐVHD nhập lậu từ nước ngoài thành ĐVHD được sinh sản thành công và từ đó hợp pháp hóa các loài ĐVHD này.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thông tin: Việt Nam hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép, ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Theo một nghiên cứu tiến hành trong giai đoạn 2014-2015 của ENV, toàn bộ 26 cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD được khảo sát (đa phần là các trại nuôi có quy mô lớn) đều có dấu hiệu nhập lậu ĐVHD.
Theo các chuyên gia, nhiều cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD ít chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sinh sản, kiến thức để bảo đảm tránh giao phối cận huyết, lai tạp nguồn gen, những điều kiện cơ bản để tái thả ĐVHD về tự nhiên. Mặt khác, việc cho phép gây nuôi thương mại ĐVHD nhưng thiếu kiểm soát và quản lý chặt chẽ còn có thể gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe con người và ĐVHD trong tự nhiên. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm lây sang người đều có nguồn gốc từ ĐVHD, như: HIV, Ebola, H5N1, SARS… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang hoành hành cũng được truy xét là có khả năng nguồn gốc lây nhiễm từ ĐVHD.
Cần ban hành danh mục động vật hoang dã được phép gây nuôi thương mại
Để quản lý hiệu quả các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD, bà Bùi Thị Hà đề xuất, cần ban hành danh mục ĐVHD được phép gây nuôi thương mại. Danh mục nên được cập nhật hằng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, tạo điều kiện cho người nuôi. Có danh mục này sẽ giúp đơn giản hóa quy trình quản lý, cơ quan chức năng chỉ cần bảo đảm các cơ sở không gây nuôi những loài nằm trong danh sách không được phép nuôi. Chủ cơ sở dựa vào danh mục cũng nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại, từ đó đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi.
Ông Nguyễn Quảng Trường, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng: Để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi; có đánh giá và dự báo thị trường; có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro; quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp kiểm soát, hạn chế tác động, nguy cơ, rủi ro lây nhiễm bệnh từ ĐVHD sang người; nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về các khía cạnh như bảo tồn, sức khỏe cộng đồng để có chính sách phù hợp. Đồng thời, cần hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến ĐVHD. Xây dựng cơ sở dữ liệu nuôi ĐVHD trên cả nước, minh bạch hóa thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở gây nuôi thương mại để hạn chế việc lưu thông ĐVHD bị săn bắt ngoài tự nhiên.