Trung Quốc ra mắt con sói Bắc cực hoang dã được nhân bản đầu tiên trên thế giới, trở thành nước tiên phong về bảo tồn động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng bằng công nghệ nhân bản.
Ngày 19.9, Công ty Công nghệ sinh học Sinogene có trụ sở tại Bắc Kinh công bố sói Bắc cực hoang dã được nhân bản đầu tiên trên thế giới, 100 ngày sau khi nó ra đời trong một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh.
“Để cứu loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, chúng tôi đã bắt đầu hợp tác nghiên cứu với Thủy cung Bắc cực (Harbin Polarland) về nhân bản loài sói Bắc cực vào năm 2020. Sau hai năm nỗ lực miệt mài, con sói Bắc cực đã được nhân bản thành công. Đây là trường hợp đầu tiên thuộc loại này trên thế giới” – Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Mi Jidong, tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Sinogene phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Các chuyên gia cho rằng sự ra đời của loài sói Bắc cực hoang dã được nhân bản đầu tiên trên thế giới là một cột mốc quan trọng cho việc ứng dụng công nghệ nhân bản vô tính, có ý nghĩa to lớn đối với việc bảo tồn các loài động vật quý hiếm và đa dạng sinh học.
Chào đời vào ngày 10.6, con sói Maya hiện có sức khỏe rất tốt. Tế bào hiến tặng của nó được lấy từ mẫu da của một con sói Bắc cực cái hoang dã, đưa từ Canada đến Thủy cung Bắc cực ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc. Theo Zhao Jianping, phó tổng giám đốc của công ty, tế bào trứng của nó là từ một con chó cái và mẹ mang thai hộ là một con chó săn thỏ Beagle.
Quá trình nhân bản của sói Bắc cực được thực hiện bằng cách tạo ra 137 phôi mới từ các tế bào trứng và tế bào xôma đã được loại bỏ nhân, sau đó chuyển 85 phôi vào tử cung của 7 con chó săn thỏ, trong đó một con được sinh ra là con sói khỏe mạnh.
Các chuyên gia cho biết, lý do lựa chọn một con chó săn thỏ để mang thai hộ là vì chó có chung nguồn gốc di truyền với loài sói cổ đại và do đó có nhiều khả năng thành công hơn nhờ công nghệ nhân bản.
He Zhengming, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tài nguyên Động vật Thực nghiệm về Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc, nói rằng những động vật nhân bản vẫn có khả năng sinh sản nếu chúng có trứng thụ tinh còn nguyên vẹn. Công nghệ nhân bản có thể sao chép tất cả thông tin di truyền để tạo giống có chọn lọc, và bằng cách này, giúp đa dạng hóa quần thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong bước đi cụ thể hơn nhằm thúc đẩy việc nhân giống nhiều loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng bằng công nghệ nhân bản vô tính, Công ty Công nghệ sinh học Sinogene và Công viên Động vật Hoang dã Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng mối quan hệ đối tác về ứng dụng công nghệ nhân bản vô tính bảo quản tinh dịch đối với các loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Các nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống của chúng là một phần trong kế hoạch phát triển quốc gia của Trung Quốc cho giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).
Tuy nhiên, đã có tranh cãi liên quan đến loài sói Bắc cực nhân bản. Sun Quanhui, nhà khoa học thuộc tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, cho rằng công nghệ nhân bản đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi ra đời, nhưng vẫn đang được hoàn thiện và đang trong giai đoạn nghiên cứu, do đó có nhiều vấn đề về kỹ thuật và đạo đức cần phải được xem xét một cách thận trọng.
Ông Sun nêu các vấn đề: Liệu có những rủi ro sức khỏe liên quan đến động vật nhân bản không? Được phép nhân bản động vật trong những trường hợp nào? Nhân bản ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ra sao? Ông tin rằng việc nhân bản vô tính chỉ cần được xem xét đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp hoặc các quần thể hoang dã sắp tuyệt chủng và số lượng nuôi nhốt rất hạn chế.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN xếp sói Bắc cực vào nhóm có nguy cơ bị đe dọa trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa. Ở Trung Quốc, sói Bắc cực được du nhập từ nước ngoài và được nuôi trong các vườn thú.