Anh Ngọc cẩn thận nghiêng chiếc giỏ chứa rùa con, những con rùa mới nở bắt đầu ngóc đầu dậy, hướng theo tiếng sóng mà tiến tới.
Ở Côn Đảo đúng thời điểm đảo đang hứng những trận mưa từ đợt hoàn lưu bão số 1, tôi may mắn được theo chân những người làm công tác cứu hộ rùa biển, hiểu được phần nào công việc thầm lặng của những người bảo vệ thiên nhiên ở nơi đảo xa.
Ngay từ lúc còn áp thấp nhiệt đới, các chuyến tàu du lịch ra biển đã bị tạm dừng. Nhưng rùa thì vẫn lên đẻ. Buổi chiều, hòn Bảy Cạnh vắng tanh, chỉ còn 3 nhân viên trạm kiểm lâm trực.
Anh Hùng, nhân viên trực tại trạm, nói chỉ một hôm trước, lượng khách du lịch lên vẫn đông, đảo còn đông vui một chút. Nhưng giờ thì đảo vắng và buồn rồi.
1 rưỡi đêm, nhân viên trạm kiểm lâm lục tục trở dậy, chuẩn bị đồ xuống bãi cát. Bãi Cát Lớn ở Hòn Bảy Cạnh là nơi ưa thích của lũ rùa mỗi khi đến mùa sinh sản. Hòn Bảy Cạnh còn có Bãi Sạn, Bãi Xi-măng, Bãi Dương là ba bãi cát nhỏ hơn, cũng là nơi tập kết của rùa đẻ mỗi đêm.
Cứ từ 1/4 đến 31/10 hàng năm, các hoạt động đi lại trên bãi và vùng nước biển phía trước các bãi đẻ của rùa biển (từ bờ ra khơi 1.000m) sẽ tạm ngừng kể từ 15 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Riêng vùng nước bãi Cát Lớn – Hòn Bảy Cạnh không cho phép các phương tiện đường thủy neo đậu, để lên Bảy Cạnh, người ta sẽ đi cano hướng tới bãi Bờ Đập.
Lũ rùa có vẻ nhạy cảm. Chúng ưa yên tĩnh. Thế nên Vườn Quốc gia Côn Đảo quy định số lượng người tối đa lên đảo mỗi đêm không quá 50 người. Nhưng đang mưa bão, nên giờ đảo chỉ có 3 người.
Đi “làm rùa”, tức là các nhân viên trạm kiểm lâm sẽ phải canh ở các bãi cát từ nửa đêm, chờ lũ rùa đẻ xong, rồi lấy trứng bỏ vào giỏ, mang về hố ấp trứng, chờ ngày trứng nở để thả rùa con ra biển. Xoay trần như vậy cả đêm, tới hết ngày, gần như không ngơi tay. Hòn đảo bé tẹo, nhưng mỗi ngày chạy đi chạy lại dễ cũng phải cả chục cây số.
“Làm rùa mà có 2 người là không làm nổi luôn”, Hòa, nhân viên trạm kiểm lâm bảo. Hòa mới vào trạm kiểm lâm vài tháng, Cậu kể cậu cũng đã nhiều lần đi tuần tra biển rồi, cũng gặp rùa đẻ nhiều, nhưng đây cũng là lần đầu cậu tham gia một chuyến “làm rùa” đúng nghĩa. Mùa mưa làm rùa cực hơn, vì mưa thì vẫn phải canh rùa.
3 giờ đêm lũ rùa bắt đầu lên bãi cát nhiều hơn. Anh Hùng nói như vậy chúng sẽ cứ lên như thế tới sáng. Rùa lên bờ theo con nước.
Buổi tối nước lên, lũ rùa mới bò lên bãi cát, chậm rãi, đào một hố cát sâu chừng 60 phân, đẻ trứng, lấp cát che trứng lại. Rồi chúng lại chậm rãi bò lên một đoạn, đào tiếp một hố ngụy trang. Xong xuôi, chúng mới bò trở lại biển. Mỗi lượt như thế cũng chừng vài ba tiếng.
Thời gian rùa lên, tất cả đều im lặng, ngồi trong bóng tối quan sát. Bởi nếu có ánh sáng hay tiếng động lạ, rùa mẹ bị đánh động sẽ quay lại biển không đẻ nữa. Hùng kể lúc mới ra đảo, anh chuẩn bị cho mình một cái đèn pin loại sáng nhất. Thế nhưng ra tới nơi, anh mới biết ánh sáng đèn pin là tối kỵ khi canh rùa. Nên anh đành tỉ mẩn lấy giấy bóng đỏ bọc đèn lại, để có ánh sáng màu đỏ, tránh ảnh hưởng tới rùa.
Những phía khác, những bóng rùa lặng lẽ bò lên bãi cát. Chậm rãi, nhẹ nhàng. Chúng đào cát bằng hai chiếc chân trước. Mỗi con rùa sẽ đẻ từ 50-150 trứng. Anh Hùng nói 4 tháng trên đảo, lần chứng kiến rùa đẻ nhiều nhất của anh là 165 trứng.
Mỗi con rùa biển lên bờ đẻ trứng sẽ được gắn số và ghi chép để tiện theo dõi. Hôm nay những con rùa đều là những con đã trở lại bãi đẻ nhiều lần trong mùa sinh sản năm nay.
5 giờ sáng vẫn có những con rùa bò lên bãi đẻ. Anh Ngọc và Hòa bắt đầu thả cano phao đi qua bãi Sạn và bãi Xi-măng để kiểm tra trứng rùa. Cần phải di chuyển những quả trứng vào hồ nuôi trong vòng 6 tiếng. Quá thời gian đó, việc di chuyển sẽ khiến trứng nhanh hỏng.
Biển nhìn thì êm ả, nhưng gió lớn. Chiếc cano chòng chành rời khỏi bãi trong ánh sáng mờ mờ. Hôm nay âm u, mặt trời không ló dạng. Mỗi chuyến như thế sẽ mất chừng hơn tiếng. Bãi Sạn và bãi Xi-măng nhỏ hơn bãi Cát Lớn. Hôm nay có hai con rùa lên đẻ, trong đó có một con cho 135 quả trứng.
Tỷ lệ trứng rùa nở hơn 90%, nhưng cứ 1.000 con rùa chỉ có nhiều lắm 1 con rùa sống được tới lúc trưởng thành. Đó là lý do loài rùa biển ngày một hiếm hoi.
Côn Đảo là thiên đường cho rùa biển. Trước kia, vùng biển này ngoài rùa xanh (vích) còn có đồi mồi, quản đồng. Bây giờ thì chỉ còn chủ yếu là vích. Nhiều năm trước, người Côn Đảo coi rùa như một nguồn cung cấp thức ăn. Trứng rùa, thịt rùa bị khai thác vô tội vạ. Năm 1991, Rừng cấm Côn Đảo đã hỗ trợ thả những con rùa đầu tiên. Năm 1993, Vườn Quốc gia Côn Đảo chính thức được thành lập. Thế nhưng, để thay đổi quan điểm về việc săn bắt rùa thì phải tới năm 2014, khi tội săn bắt rùa bị đưa vào tội hình sự.
“Còn bây giờ, hỏi có săn bắt không, thì có đấy. Mình phải thừa nhận điều đó. Nhưng mà cũng hạn chế rồi”, anh kiểm lâm bổ sung. Nhiều năm trước, anh nói đám cưới trên đảo này còn mời cỗ nhau bằng thịt vích. Bây giờ, anh đi bảo vệ lũ vích trông chậm chạp ấy: “Làm rùa cực, nhưng mà mình làm với nó nhiều năm, rồi mình ngấm dần, mình yêu rùa lúc nào không biết. Phải làm lâu năm mới hiểu được”.
8 giờ sáng, anh Ngọc bắt đầu thả lũ rùa con mới nở ra biển. Chúng sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, và bắt đầu sự sinh tồn của riêng chúng. Việc cứu hộ rùa biển bắt đầu được thực hiện từ 1993, tới nay là 29 năm. Loài rùa biển bắt đầu sinh sản từ năm 25-55 tuổi.
Ở hồ nuôi trứng, những con rùa con trong những hố chôn trước đã nở. Mỗi ổ trứng cần 45-65 ngày để nở thành rùa con. Việc thả rùa cần tiến hành lúc không nắng quá, thời tiết dễ chịu cho lũ rùa con. Nhưng cũng không phải buổi tối. Vì nếu ban đêm có ánh đèn, lũ rùa con sẽ theo hướng ánh đèn mà bơi ngược về bờ.
Những nhân viên kiểm lâm lại tiếp tục với những hố cát trong hồ ấp trứng. Họ đào sẵn hố chôn trứng để đêm nay lại đón những tổ trứng mới. Anh Ngọc nói mỗi năm Hòn Bảy Cạnh có chừng 1.300-1.500 tổ trứng. Một ngày của các nhân viên kiểm lâm đều ăn ngủ với rùa như thế.
Côn Đảo đang hứng những trận mưa từ đợt hoàn lưu bão số 1. Ngay từ lúc còn áp thấp nhiệt đới, các chuyến tàu du lịch ra biển đã bị tạm dừng. Nhưng rùa thì vẫn lên đẻ. Buổi chiều, hòn Bảy Cạnh vắng tanh, chỉ còn 3 nhân viên trạm kiểm lâm trực. Anh Hùng, nhân viên trực tại trạm, nói chỉ một hôm trước, lượng khách du lịch lên vẫn đông, đảo còn đông vui một chút. Nhưng giờ thì đảo vắng và buồn rồi.
Công việc với rùa tạm xong cũng là lúc đảo hứng cơn mưa dữ dội. Gió như muốn thổi tung mái nhà. Nhưng may mắn là đêm canh rùa mọi người đã không phải đối mặt với cơn mưa nào.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng lũ rùa thường quay trở về nơi chúng sinh ra để sinh đẻ. Những con rùa biển đầu tiên được thả từ bãi cát Vườn Quốc gia Côn Đảo từ những năm đầu thập niên 90, không rõ đã tới lúc quay lại bãi đẻ thực hiện nhiệm vụ sinh sản của mình hay chưa.
Công cuộc bảo tồn, vẫn luôn cần kiên nhẫn và gian nan như thế.