Gần một thập kỷ trước, những kẻ săn trộm đã sử dụng xyanua giết chết và lấy ngà của hơn 135 con voi tại khu vực Công viên Quốc gia Hwange, Zimbabwe. Trước tình trạng trên, Zimbabwe đã thắt chặt luật pháp nhằm ngăn chặn các vụ tấn công tương tự nhằm vào động vật hoang dã trên đất nước này.
Một nghiên cứu mới cho thấy sự điều chỉnh trong Đạo luật Quản lý Môi trường của Zimbabwe năm 2018, kết hợp việc tận dụng thông tin viên để ngăn chặn nguy cơ săn trộm diễn ra đang giúp khắc phục vấn đề săn trộm voi trong nước, ngay cả khi thị trường buôn bán trái phép ngà voi trên thế giới đang trở nên sôi động – động cơ cho nhiều cuộc săn trộm hơn tại quốc gia Nam Phi này.
Theo luật sửa đổi, các công tố viên không cần phải xác định chính xác nồng độ xyanua đã được dùng để đầu độc động vật hoang dã nữa. Richard Hoare, nhà tư vấn bảo tồn, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Động vật Hoang dã Châu Phi cho biết: “Giờ đây, nếu một người có ý định sử dụng chất độc trái phép, họ cũng có thể bị truy tố.”
Hoare nói: “Trước đây, nếu các công tố viên không thể đưa ra bằng chứng về cái chết của một con vật, các thẩm phán sẽ chỉ kết tội sở hữu hóa chất bất hợp pháp, không có giấy phép mà thôi.” Đây là lỗ hổng cho những kẻ tình nghi lọt lưới, và chúng chỉ phải trả một khoản tiền phạt hoặc làm dịch vụ cộng đồng.
Một loại “vũ khí” dễ tiếp cận
Xyanua được sử dụng trong ngành khai mỏ tại Zimbabwe, và việc phân phối loại hóa chất này vốn cần được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng thực tế, những người có kế hoạch săn trộm thường có thể lấy được những viên xyanua nhỏ một cách dễ dàng.
Nghiên cứu trên ghi rõ: “Một lượng nhỏ bột xyanua có thể dễ dàng biến mất khỏi các kho dự trữ lớn tại một số khu mỏ và được tuồn vào chuỗi cung ứng bất hợp pháp để đầu độc động vật hoang dã. Ngay cả khi giá của chúng được đẩy lên mức lạm phát, lợi nhuận thu được từ việc săn trộm ngà voi có thể bù đắp được khoản tiền này.”
Hóa chất là một loại vũ khí hiệu quả cao khi rơi vào tay kẻ săn trộm – những kẻ không cần súng, không cần kỹ năng sử dụng súng, hay thậm chí không cần sự hậu thuẫn của một tổ chức săn trộm hùng mạnh. Bả độc chẳng hạn như muối trộn với xyanua, có thể được đặt tại các hồ nước nơi đàn voi tụ tập hoặc dọc theo các tuyến đường mà chúng thường đi qua. Những con voi ăn phải bả sẽ nhanh chóng tử vong chỉ cách cái bẫy vài mét.
Các loài động vật hoang dã khác, bao gồm cả kền kền, loài cực kỳ nguy cấp, cũng trở thành nạn nhân của ngộ độc xyanua. Vì vậy việc thắt chặt luật pháp được cũng có lợi cho chúng. Vụ ngộ độc tại Hwange năm 2013 đã dẫn đến cái chết của 219 con kền kền. Trong khi tại Hwange, bầy kền kền là bên thứ ba chịu thiệt hại, thì ở những nơi khác, chúng trở thành mục tiêu chính cho những cuộc bẫy độc này.
Người đưa tin bí mật
Tại Zimbabwe, việc triển khai ngay từ sớm các biện pháp ngăn chặn việc đầu độc đang ngày góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tội phạm về động vật hoang dã. Các biện pháp bao gồm bí mật trả tiền cho người đưa tin để họ làm nhiệm vụ.
“Việc này phải được tiến hành một cách kín đáo, bởi vì những người cung cấp thông tin đang phải chịu rủi ro lớn,” Hoare chia sẻ. “Tôi rất ấn tượng với việc tăng cường sử dụng cơ quan tình báo, ngăn chặn nạn săn trộm một cách hiệu quả.”
Điều này được chứng thực bởi Trevor Lane, một trong những đồng sáng lập của Bhejane Trust, một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn. Nhóm đã hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Quản lý Công viên và Động vật hoang dã Zimbabwe (ZimParks) và Cảnh sát Cộng hòa Zimbabwe (ZRP) để bảo tồn động vật hoang dã, chống săn trộm ở Công viên Quốc gia Thác Victoria và khu vực Sinamatella của Công viên Quốc gia Hwange.
Lane cho biết, “Cơ quan tình báo tốt là rất quan trọng.” Ông cũng cho biết Đơn vị Tình báo Công viên Quốc gia tại Hwange đã rất thành công trong những năm gần đây nhờ cải thiện thông tin tình báo. Điều này đã dẫn đến việc nạn săn bắt trộm giảm đáng kể.
“Tôi trả tiền cho người cung cấp thông tin và vì thế, tôi được cập nhật liên tục về những gì đang xảy ra, và Đơn vị Tình báo Công viên và Đơn vị Động vật và Thực vật Khoáng sản của ZRP vẫn đang đạt được những kết quả tuyệt vời,” Lane nói. “Nạn săn trộm vì mục đích thương mại ở Zimbabwe đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.”
Tinashe Farawo, phát ngôn viên của ZimParks cho biết, năm nay là năm thứ ba liên tiếp không ghi nhận trường hợp săn bắt trộm voi nào quanh Vườn quốc gia Hwange. Ông cho rằng kết quả này là do các luật được điều chỉnh cứng rắn hơn, ví dụ như đạo luật quản lý môi trường sửa đổi, cũng như các án tù 9 năm bắt buộc đối với tội săn trộm ngà voi, tất cả đều đóng vai trò răn đe.
Ông nói, các cộng đồng sống gần động vật hoang dã là “tuyến phòng thủ đầu tiên” trong công tác chống săn trộm. “Họ hiện đang hỗ trợ chúng ta rất nhiều.” Mặc dù không có vụ săn trộm voi nào được ghi nhận kể từ năm 2020, các nhà chức trách vẫn tiếp tục bắt giữ những kẻ săn trộm bên ngoài công viên, cụ thể là 19 vụ bắt giữ vào năm 2020 và 16 vụ vào năm 2021, theo số liệu của Mongabay.
Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng trong việc thực thi các điều luật toàn diện chống giết hại động vật hoang dã của Zimbabwe.
Ever Chinoda, người từng là công tố viên nhà nước, đồng thời là nhân viên pháp lý cho cơ quan quản lý động vật hoang dã hiểu rất rõ điều này. Chinoda cũng là người sáng lập và là giám đốc của Speak Out for Animals (SOFA), một tổ chức phi chính phủ tại Zimbabwe.
Vào năm 2019, SOFA đã nhận được tài trợ từ Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh để làm việc với cảnh sát, các công viên quốc gia, các công tố viên và thẩm phán Zimbabwe để kết án các vụ việc một cách chặt chẽ nhất và sử dụng các bản án răn đe đối với tội phạm động vật hoang dã.
“Trước khi chúng tôi bắt đầu theo dõi các vụ việc và đào tạo về luật động vật hoang dã, các thẩm phán và công tố viên không quá mặn mà với các vụ án động vật hoang dã,” Chinoda nói. “Họ thà xét xử việc ăn cắp kẹo mút trong siêu thị hơn là xử lý vụ án sở hữu động vật [bất hợp pháp].”
Tuy nhiên, trong ba năm qua, Chinoda và các cộng sự đã chứng kiến nhiều sự tiến bộ mà họ cho rằng, nhờ vào luật pháp khắt khe hơn cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của động vật hoang dã. Trước khi có sự can thiệp của SOFA, phải mất tới một năm tòa án mới có thể kết luận một vụ án đơn giản, ví dụ như việc săn trộm một con nhím. Hiện thời gian giải quyết các vụ việc như trên đã được giảm xuống chỉ còn ba tháng.
Các thẩm phán cũng thường xuyên đưa ra các án tù 9 năm bắt buộc đối với những kẻ săn trộm giết bất kỳ động vật nào trong số 9 loài động vật được bảo vệ đặc biệt của Zimbabwe, bao gồm tê giác đen và trắng, báo săn và chó hoang. Đây rõ ràng cũng là kết quả của các quy định chặt chẽ hơn đối với việc đầu độc động vật hoang dã.
Chinonda cho biết, các vụ đầu độc từng phổ biến trong quá khứ, nay dường như đã giảm đáng kể từ khi luật được thay đổi vào năm 2018. Cả Chinonda và Divine Chakombera, đồng tác giả nghiên cứu, đều không ghi nhận các vụ truy tố theo luật mới, điều mà theo Chinonda, có thể được coi là một dấu hiệu rằng luật mới này đang hoạt động hiệu quả.
“Khi mọi người biết rằng tội phạm này sẽ bị kết án nặng, điều đó chắc chắn sẽ ngăn cản những tên tội phạm có ý đồ hành động,” Chinonda khẳng định.