Giới chuyên gia nghiên cứu nghề cá và nhân quyền ở Indonesia đang kêu gọi cải tổ chương trình đào tạo ngư dân của nước này trước khi đánh giá các biện pháp bảo vệ người lao động trên biển trong và ngoài nước.
Indonesia là một trong những quốc gia đánh cá lớn nhất thế giới, cũng là nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người là ngư dân và thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không được đào tạo bài bản về các biện pháp đảm bảo an toàn và hoạt động đánh bắt cá. Các chuyên gia cho rằng, điều này khiến ngư dân dễ bị bóc lột lao động và gây nguy hiểm đến cuộc sống của họ.
Một cuộc khảo sát của Tổ chức Giám sát đánh cá phá hoại (Destructive Fishing Watch – DFW) Indonesia từ tháng 2 đến tháng 4 cho thấy chỉ 6% trong số 45 thủy thủ làm việc tại cảng cá lớn nhất của đất nước, cảng Nizam Zachman ở Jakarta, được chính phủ cấp chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản. Theo DFW, một số lý do khiến ngư dân không đăng ký tham gia chương trình này là do chi phí cho việc đào tạo và cấp chứng chỉ tương đối cao, cùng với nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của chương trình cũng như việc kiểm tra tại các bến cảng.
Điều phối viên quốc gia của DFW, Mohamad Abdi Suhufan chia sẻ: “Chứng chỉ này rất quan trọng để họ được chứng nhận đủ tư cách thủy thủ đoàn trên tàu cá.”
Năm 2019, Indonesia đã phê chuẩn Công ước 1995 về Tiêu chuẩn Đào tạo, Chứng nhận và Giám sát cho Nhân viên Tàu Đánh cá (STCW-F), bao gồm các hướng dẫn quốc tế về bảo vệ các thuyền viên làm việc trên các tàu cá trong và ngoài nước. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) dự kiến sẽ đánh giá những nỗ lực của Indonesia trong việc thực hiện thỏa thuận vào năm 2024.
Trong những năm gần đây, chính phủ Indonesia đã khuyến khích ngư dân và thủy thủ nước này tham gia các khóa học chính thức tại các trung tâm hoặc học viện đào tạo. Indonesia cũng đã triển khai đào tạo miễn phí cho ngư dân đang hoạt động với quy mô nhỏ trên khắp cả nước, cũng như chuyển sang các cơ sở đào tạo toàn diện và cấp chứng chỉ, cập nhật giáo trình đào tạo ngư dân để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể triển khai nhiều biện pháp hơn nữa để tạo điều kiện cho những người mong muốn làm việc trong ngành hàng hải đăng ký tham gia chương trình, thúc đẩy chính quyền địa phương tham gia nhiều hơn vào việc phân bổ kinh phí cho việc cấp chứng chỉ.
“Luật bảo vệ việc làm cho người di cư quy định rõ ràng rằng chính quyền cấp tỉnh phải phân bổ một nguồn kinh phí nhất định cho đào tạo và giáo dục, nhưng tại Indonesia mới chỉ có ba tỉnh thực hiện điều này: Đông Java, Tây Java và Bắc Sulawesi,” Fadilla Octaviani, giám đốc hỗ trợ tư pháp và tiếp cận công lý tại Tổ chức Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia (IOJI), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Jakarta, cho biết trong một cuộc thảo luận trực tuyến gần đây.
Đồng thời, chính phủ Indonesia đang đàm phán các thỏa thuận song phương “trên biển” để bảo vệ quyền của công dân Indonesia làm việc trên tàu đánh cá của các quốc gia khác như một nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng lao động và chế độ nô lệ hiện đại. Theo Greenpeace, các đội thuyền đi từ Indonesia và Philippines chiếm phần lớn trong đội tàu xa bờ của Đài Loan, một trong năm đội hàng đầu thế giới và chịu phần lớn trách nhiệm cho ngành công nghiệp trị giá 2 tỷ USD mỗi năm này. Theo số liệu của Cơ quan Nghề cá Đài Loan, Greenpeace cho biết tính đến tháng 6 năm 2019, có 21.994 ngư dân Indonesia đã làm việc trên các tàu đánh cá ven biển và xa bờ của Đài Loan.
“Nhưng ngoại giao bắt đầu từ trong nước, bằng việc trao quyền, tăng năng lực của người lao động trên biển và điều đó bắt đầu từ việc họ biết quyền của mình tại Indonesia là gì trước khi ký hợp đồng và nhận thức được cơ chế báo cáo nếu thấy bất kỳ vi phạm nào,” ông Judha Nugraha, Giám đốc chương trình bảo hộ công dân tại Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trong một cuộc thảo luận trực tuyến gần đây.
Ở trong nước, Indonesia gần đây đã ban hành một sắc lệnh nhằm tăng cường bảo vệ các thủy thủ Indonesia đang làm việc trên các tàu cá và tàu thương mại nước ngoài. Quy định mới cũng bao gồm các tiêu chuẩn và chương trình làm việc dựa trên công ước toàn cầu về công việc trong ngành ngư nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế, Liên hợp quốc, được gọi là ILO C188; việc đưa ra các thương lượng tập thể cho người lao động nhập cư; và thiết lập cơ sở dữ liệu tích hợp về lao động nhập cư giữa các cơ quan chính phủ liên quan.
Những cựu thủy thủ di cư từ Indonesia đã mô tả điều kiện làm việc tồi tệ và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trên các tàu nước ngoài, bao gồm làm việc quá sức, bị khấu trừ lương, nợ nần, bạo lực thể chất và tình dục. Nhiều người buộc phải chấm dứt hợp đồng làm việc và mất các khoản đặt cọc mà họ thường phải nộp trước để đi làm chính thức. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng lao động cưỡng bức trên tàu cá thường đi đôi với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
Abdi của DFW nói: “Cho đến nay, chúng ta đã chú ý rất nhiều đến việc phục hồi nguồn và chất lượng cá, nhưng chỉ chú trọng một chút đến khía cạnh xã hội và phúc lợi của ngư dân và đội tàu đánh cá. Vì vậy, cần phải có sự cân bằng giữa năng suất lao động và phúc lợi xã hội trong nghề cá.”
Trúc Mai (Theo Mongabay)