Vào tháng 7 vừa qua, các trang báo trên thế giới đã gây xôn xao khi đồng loạt đưa tin về thông báo của các quan chức Nepal rằng số lượng hổ tại đây đã tăng gần gấp ba trong 12 năm qua. Cụ thể con số là 355 con, vượt qua mốc 250 con mà quốc gia này dự kiến sẽ đạt được trong nỗ lực toàn cầu nhằm tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã.
Đây là điều đáng hoan nghênh, nhưng nhiều lo ngại khác cũng nổi lên, đặc biệt là về số lượng hổ tối đa có thể sống trong Nepal và sự leo thang xung đột giữa hổ và con người. Vào ngày 11/9, một người đàn ông đã thiệt mạng do bị hổ tấn công gần Vườn quốc gia Bardiya, Nepal. Theo số liệu của chính phủ, trong năm qua, trung bình mỗi tháng có 3 người thiệt mạng khi chạm trán với hổ.
Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn Động vật hoang dã là cơ quan cố vấn cho chính phủ về công tác bảo tồn và thực hiện các chính sách, chương trình quốc gia. Do vậy, đây cũng là cơ quan đóng vai trò trung tâm trong cả thành công và thiếu sót của chính sách bảo tồn hổ tại Nepal.
Làm việc tại Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn Động vật hoang dã và các khu bảo tồn khác nhau ở Nepal là các nhà quản lý, các trinh sát thú săn phối hợp với quân đội. Cơ quan này đã được hoan nghênh bởi thành công của họ với chương trình bảo tồn hổ Nepal. Tuy nhiên, họ đôi khi cũng bị chỉ trích vì không có khả năng giải quyết các mối quan tâm của người dân bản địa và cộng đồng địa phương sống gần các khu bảo tồn.
Maheshwar Dhakal, Tiến sĩ về định giá lâm sản trong các khu rừng cộng đồng của Đại học Tsukuba, Nhật Bản, gần đây đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục Vườn quốc gia và Bảo tồn Động vật hoang dã. Trước đây, ông từng là thành viên thư ký của Hội đồng Phát triển Bảo tồn do Chủ tịch Chure-Terai Madhesh lãnh đạo, cơ quan chính phủ giám sát việc bảo tồn tại các chân núi Chure, Himalayas và các vùng đất thấp Terai trải dài về phía nam và là nơi sinh sống của phần lớn dân số Nepal.
Abhaya Raj Joshi, phóng viên của Mongabay gần đây đã gặp Dhakal tại văn phòng của ông ở Kathmandu để thảo luận về chương trình bảo tồn hổ của Nepal. Cuộc phỏng vấn, được tiến hành bằng tiếng Nepal, đã được dịch sang tiếng Anh và biên tập lại để dễ hiểu hơn với bạn đọc.
Mongabay: Nepal mới đây vừa tuyên bố đã tăng gần gấp ba số lượng hổ ở nước này kể từ năm 2010. Thành tích này đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Theo ngài, trong tương lai Nepal sẽ làm gì tiếp theo để bảo tồn hổ?
Maheshwar Dhakal: Khi đại diện của các quốc gia có hổ gặp nhau tại St.Petersburg vào năm 2010, mục tiêu đặt ra là tăng gấp đôi số lượng hổ vào năm 2022. Mặc khác, một cuộc họp khác đã được Nga tổ chức vào đầu tháng này để đánh giá những tiến triển đã đạt được cho đến nay. Tuy nhiên, kết quả của cuộc họp khá hạn chế vì tổ chức trong điều kiện thời gian hạn hẹp và không thể xác định rõ tương lai cho việc bảo tồn loài hổ.
Quay lại năm 2010, Kế hoạch phục hồi hổ toàn cầu đã kết hợp nhiều khía cạnh khác nhau của bảo tồn hổ như quản lý môi trường sống, sự tham gia của cộng đồng địa phương, quản lý xung đột giữa con người và hổ, giải quyết các vấn đề như săn bắt trộm, tạo cơ hội kinh tế cho người dân địa phương thông qua du lịch sinh thái, và phát triển tinh thần làm chủ trong cộng đồng quốc tế. Nhưng những vấn đề này đã không được giải quyết một cách hiệu quả trong cuộc họp năm nay.
Cá nhân tôi đồng ý rằng chúng ta nên có một kế hoạch toàn cầu để cứu những loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng. Nhưng tôi cũng tin rằng khu vực Nam Á cần có kế hoạch riêng để thực hiện chương trình bảo tồn. Hổ Bengal không giống với những loài hổ được tìm thấy ở các khu vực khác ở châu Á vì nó có nhiều cá thể sống sót nhất. Chương trình bảo tồn hổ Bengal là thành công vang dội nhất trong khu vực.
Ngoài ra, hổ còn đi qua biên giới giữa các quốc gia như Nepal, Bhutan và Ấn Độ. Nhưng các chính sách và chương trình bảo tồn của các nước này đang không đồng nhất. Ví dụ, nếu bạn giết một con hổ ở Nepal và một người khác làm điều tương tự ở bên kia biên giới ở Ấn Độ, hình phạt sẽ khác nhau đáng kể [ở Ấn Độ nghiêm khắc hơn ở Nepal]. Một chính sách hài hòa sẽ giúp hổ di chuyển qua biên giới và kiểm soát được các tội phạm như săn bắt trộm dễ dàng hơn.
Sau đó, chúng ta có thể có kế hoạch cho từng quốc gia riêng biệt.
Mongabay: Những kế hoạch như vậy sẽ bao gồm những gì?
Maheshwar Dhakal: Việc bảo tồn hổ hiện nay cần phải phù hợp với các hiệp định đa phương như Công ước Ramsar, UNFCCC [Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu], UNCBD [Công ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học] và thậm chí là các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Chúng ta không thể chỉ tập trung vào loài hổ và chỉ hy vọng rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta cần phát triển các hành lang sinh thái để hổ có thể di chuyển về phía bắc đến chân đồi Chure, nơi chúng có thể uống nước và tắm mát trong mùa hè và sau đó quay trở lại phía nam đến đồng cỏ Terai. Ngoài ra, các bờ sông bắt nguồn từ Chure cần được phục hồi bằng cách trồng các loại cây thích hợp để hổ có thể đi lại dễ dàng. Chúng tôi đã quan sát thấy một số dấu hiệu cho sự xuất hiện của hổ ở hầu hết các huyện của Terai, Nepal, bao gồm cả những khu vực đông dân cư.
Trong bối cảnh các hành lang quốc tế như hành lang Khata nối Nepal với Ấn Độ, chúng ta cũng cần phát triển nó thành hành lang kinh tế thông qua các hoạt động bền vững như kết hợp nông lâm nghiệp.
Thật không công bằng khi cho rằng Cục bảo tồn, nơi đã làm việc rất chăm chỉ để tăng số lượng hổ, nên được xem xét để thúc đẩy du lịch hoặc các hoạt động khác nhằm nâng cao mức sống kinh tế của người dân. Bây giờ số lượng hổ đã tăng lên, các cơ quan khác như Bộ Du lịch và Ủy ban Kế hoạch Quốc gia cũng cần tham gia bằng cách khuyến khích khu vực tư nhân đưa ra các kế hoạch và dự án để thu hút khách du lịch đến thăm hổ, từ đó phát triển kinh tế địa phương.
Mongabay: Ngài có nghĩ rằng chúng ta đã đạt đến giới hạn về số lượng hổ mà các khu bảo tồn của Nepal có thể chứa không?
Maheshwar Dhakal: Năm 2010, khi số lượng hổ còn thấp, ưu tiên của chúng ta là tăng số lượng hổ càng nhiều càng tốt. Nhưng hiện tại chúng ta đã tăng gần gấp ba số lượng hổ, nên trọng tâm mới là duy trì đàn hổ cũng như tạo cơ hội kinh tế cho cộng đồng địa phương thông qua phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như homestay và khách sạn.
Ngoài ra, cần phải nhanh chóng cứu trợ và bồi thường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các vụ xung đột giữa con người và động vật. Chúng ta cũng cần nâng cao năng lực của các nhân viên tuyến đầu ngày đêm làm việc tại các vườn quốc gia để kiểm soát tội phạm động vật hoang dã.
Mongabay: Theo ngài, tăng số lượng hổ đến bao nhiêu là đủ?
Maheshwar Dhakal: Ta cần xem xét chất lượng môi trường sống hiện đang có sẵn cho hổ. Mật độ hổ tại Vườn quốc gia Jim Corbett ở nước láng giềng Ấn Độ tương đối cao so với ở Nepal. Nhưng chúng ta cũng cần tính đến lượng mồi sẵn có và khả năng xảy ra xung đột giữa người và hổ.
Các nhà kinh tế thường đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm cho đất nước, nhưng về mặt sinh thái, chúng ta không thể đặt mục tiêu về số lượng hổ theo kiểu như vậy. Nếu trong kinh tế, chỉ có cung cầu quyết định giá cả của hàng hóa, thì với việc bảo tồn hổ, có rất nhiều yếu tố sinh thái khác nhau quyết định số lượng hổ bao nhiêu là đủ.
Trong bối cảnh của Nepal, với sự phát triển của cơ sở hạ tầng tuyến tính [đường bộ, đường sắt, đường dây điện, v.v.], và môi trường sống hạn chế, ta không thể tiếp tục tăng số lượng hổ. Một số người nói 400 là con số lý tưởng, những người khác đưa ra con số khác. Nhưng con số cụ thể bao nhiêu không quan trọng.
Chúng ta cần hiểu rằng con số chỉ là một biểu tượng. Đó là một thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế rằng Nepal luôn toàn tâm toàn ý thực hiện cam kết mà đất nước này đưa ra. Đó cũng là thông điệp rằng chỉ cần các chính phủ cam kết, việc giải cứu bất kỳ loài động vật nào khỏi bờ vực tuyệt chủng không phải là không thể.
Mongabay: Tuy vậy, các cộng đồng địa phương cũng chia sẻ, việc xin cứu trợ và bồi thường là một cơn “ác mộng” về các thủ tục quan liêu và vì thế họ không muốn nộp đơn xin. Ngài nghĩ sao về điều này?
Maheshwar Dhakal: Trong trường hợp ai đó bị động vật hoang dã giết chết, gia đình nạn nhân sẽ ngay lập tức nhận được 500.000 rúp để cử hành tang lễ, và thêm 1 triệu rúp sau khi các thủ tục hoàn thành. Tôi nghĩ vấn đề chính cần bàn đến ở đây là việc đánh giá thiệt hại động vật hoang dã gây ra cho mùa màng, bởi không dễ để chứng thực lời nói của các nạn nhân.
Hiện chúng tôi đang nghĩ đến việc thay đổi thủ tục để chính quyền các thành phố chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại và quyết định mức bồi thường. Tôi nghĩ rằng việc này sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề.
Mongabay: Chính phủ Ấn Độ gần đây đã thông qua một thỏa thuận với Nepal về bảo tồn động vật hoang dã. Ngài có thể cho chúng tôi biết thêm về thỏa thuận này không?
Maheshwar Dhakal: Thật trớ trêu là chính tôi đã soạn thảo đề án đó khi đang làm việc ở đây, tại cục bảo tồn, và bây giờ tôi đang ở vị trí thực hiện đề xuất này. Thỏa thuận bao gồm các điều khoản liên quan đến trao đổi các hoạt động, hợp tác trong việc kiểm soát tội phạm về động vật hoang dã, tham vấn và thăm thường xuyên hai bên.
Mongabay: Nhiều nghiên cứu đã cảnh báo rằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng tuyến tính ở Terai có thể có tác động tàn khốc đối với loài hổ.
Maheshwar Dhakal: Tôi cho rằng phát triển và bảo tồn cần phải song hành với nhau. Chúng ta cần tạo ra một văn hóa, trong đó việc xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với động vật hoang dã ăn sâu vào bản thân thiết kế dự án. Chúng tôi luôn nói rằng cơ sở hạ tầng cần tránh những khu vực quan trọng đối với động vật hoang dã là vì thế.
Gần đây, chúng tôi đã đưa ra các hướng dẫn mới về xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với động vật hoang dã và đang bắt đầu thực hiện. Đúng vậy, có thể có một số sai sót cần được cải thiện, nhưng chúng tôi chỉ có thể tìm hiểu về những lỗi sai đó khi chúng ta tuân theo các nguyên tắc do các chuyên gia trong lĩnh vực lập nên.
Trúc Mai (Theo Mongabay.com)