Thiếu không gian xanh nhưng Hà Nội đang thừa những công viên bỏ hoang dù vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, các kế hoạch cải tạo công viên chưa biết khi nào hoàn thành.
Vốn là biểu tượng của Hà Nội nhưng 3 công viên Thủ Lệ, Thống Nhất và Bách Thảo ngày càng mờ nhạt với người dân thủ đô khi nói đến một điểm vui chơi công cộng trong thành phố.
Trong khi đó, hàng loạt dự án công viên mọc lên tại các quận, huyện khác suốt một thập kỷ qua không giải được “cơn khát” không gian xanh của người dân. Nhiều dự án bị bỏ hoang một cách lãng phí, dù các hạng mục đã triển khai xây dựng.
Các chuyên gia cho rằng đi cùng với kế hoạch cải tạo và đầu tư xây dựng, Hà Nội cần có cơ chế quản trị công viên chặt chẽ để tránh tình trạng người dân thiếu không gian xanh, trong khi công viên bỏ hoang ngày càng nhiều.
Cắt xén diện tích xanh làm dịch vụ
Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thành phố đang chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của phần không gian xanh đối với đời sống của người dân đô thị.
Ông Ánh dẫn số liệu cho thấy chỉ tiêu không gian xanh của nhiều đô thị trên thế giới là 9-10 m2/người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhiều quận, huyện của Hà Nội chưa được 2 m2/người.
“Thành phố đang thiếu diện tích đất cây xanh, công cộng một cách trầm trọng”, vị KTS nhận định và cho biết nguyên nhân của việc này nằm ở năng lực quản trị của thành phố khi chưa tận dụng diện tích đất công để gia tăng chất lượng sống của người dân.
Theo chuyên gia, mỗi công viên ở Hà Nội đều có một số lượng nhân lực quản trị nhất định, có dự án lên tới hàng trăm người nhưng việc vận hành bộ máy kém hiệu quả, lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả lao động thấp.
Ông Ánh cho rằng Hà Nội đang đối xử với các khoảng không gian xanh một cách yếu kém với biểu hiện là nhiều công viên xây dựng sau đó bỏ hoang, công viên đang vận hành thì xuống cấp. Trong khi đó, người dân đô thị vẫn thiếu không gian để vui chơi, sinh hoạt.
“Không gian công cộng và diện tích cây xanh là khoản phúc lợi mà một người dân sống trong thành phố được hưởng một cách chính đáng. Nếu không thể đáp ứng được hạng mục này, bộ máy quản trị của Hà Nội cần nhìn lại”, chuyên gia thẳng thắn nêu quan điểm.
Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng với nhiều dự án công viên, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình thực hiện. Nhưng thực tế triển khai, các chủ đầu tư lại cơi nới, tăng diện tích để làm các công trình thương mại dịch vụ khác như nhà hàng, bãi đỗ xe.
Ông Nghiêm khuyến cáo cơ chế giám sát đầu tư các dự án công viên của Hà Nội cần chặt chẽ hơn, đảm bảo doanh nghiệp không vi phạm việc cắt xén không gian xanh để đầu tư hạng mục kinh doanh khác.
Cải tạo công viên thế nào?
Theo ghi nhận của Zing, hàng loạt công viên của Hà Nội đã hoàn thiện các hạng mục nhưng bỏ hoang, trở thành nơi chăn gà của người dân như công viên khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), công viên Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai), công viên Tuổi trẻ thủ đô (Hai Bà Trưng)…
Trong khi đó, nơi tập trung đông công viên nhất là khu vực nội đô lịch sử nhưng các công trình tại đây đều trong cảnh cũ kỹ, xuống cấp, không được đầu tư và cải tạo thường xuyên.
Hà Nội cũng đang tồn tại các dự án văn hóa chậm triển khai do vướng mắc với chủ đầu tư và khâu giải phóng mặt bằng như công viên Hello Kitty nằm trên khu “đất vàng” hồ Tây, dự án Công viên Kim Quy (huyện Đông Anh)…
Thống kê cho thấy thành phố hiện có gần 70 công viên và vườn hoa nhưng tồn tại gần 10 công viên bị bỏ hoang. Riêng ở quận Hoàn Kiếm và khu vực nội đô lịch sử, tổng diện tích đất cây xanh và làm không gian công cộng chỉ bằng gần 2% tổng diện tích đất sử dụng.
Với mật độ dân số gia tăng theo từng năm, Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ ngày càng hao hụt diện tích đất công cộng mà thay vào đó là công trình kinh doanh, thương mại và nhà ở.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, nhiều quận của thành phố có quỹ đất nhưng do số lượng công viên được xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch nên khả năng phục vụ cộng đồng còn hạn chế.
Ngoài ra, một số khu vực nội thành thiếu quỹ đất để bố trí thêm trong khi ngoại thành chủ yếu vẫn sử dụng đất nông nghiệp và sông hồ tự nhiên nên khó để tiếp cận sử dụng. Đây là những thách thức cho giải pháp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên của Hà Nội.
“Nguồn vốn đầu tư cho việc phát triển hệ thống công viên và cây xanh cũng chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nên rất hạn hẹp”, ông Trúc Anh đánh giá.
Trước mắt, UBND Hà Nội ban hành kế hoạch cải tạo công viên, vườn hoa trong nội đô với nội dung nâng cấp, cải tạo 3 công viên của thành phố là Bách Thảo, Thống Nhất và Thủ Lệ. Đồng thời, cải tạo mức độ 2 với 10 công viên và 22 vườn hoa khác, đốc thúc các dự án đang triển khai.
Nói về phương án thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết địa phương sẽ có lộ trình đảm bảo phù hợp với nguồn lực của quận. Đồng thời, quận khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên có trên địa bàn.
Hiện, quận Ba Đình có 3 công viên và 7 vườn hoa, trong đó công viên Indira Gandhi do quận trực tiếp quản lý. Do đó, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ phân công trách nhiệm cho các phòng ban và UBND các phường để thực hiện quản lý, vận hành theo phân cấp.
Đối với lộ trình bỏ hàng rào công viên Thống Nhất như kế hoạch của UBND Hà Nội, lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết đang xây dựng đề án về tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Thiền Quang để kết nối không gian công cộng với công viên Thống Nhất.
“Tuyến phố đi vào hoạt động thì việc sử dụng, vận hành công viên Thống Nhất theo hướng mở mới thực sự hiệu quả”, lãnh đạo quận thông tin và cho biết trước mắt, địa phương sẽ xử lý dứt điểm những sai phạm, tồn tại của công viên này cùng công viên Tuổi trẻ thủ đô cùng nằm trên địa bàn.
UBND Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc các sở, ngành và địa phương về việc thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa trên địa bàn.
Theo đó, 3 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất) sẽ ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt. 10 vườn hoa ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan gồm: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng. Đối với công viên, vườn hoa cải tạo, sửa chữa (mức độ 2) có 10 công viên và 22 vườn hoa. Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025, gồm: Công viên Chu Văn An, công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang và công viên Văn hóa – Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông. |