Indonesia đã ký một thỏa thuận khí hậu mới với Na Uy, trong đó quốc gia Bắc Âu này sẽ trả tiền cho Indonesia để giữ rừng của mình. Thỏa thuận được ký một năm sau khi Indonesia chấm dứt một thỏa thuận gần như tương tự với Na Uy vì chậm tiền.
Thay đổi mục đích sử dụng đất, suy thoái rừng và phá rừng là nguyên nhân chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính của Indonesia. Ý tưởng đằng sau thỏa thuận mới (và cả thỏa thuận trước đó) đó là làm chậm lại hoặc ngăn chặn hoàn toàn việc mất rừng, từ đó Indonesia sẽ có thể bảo tồn diện tích rừng mưa nhiệt đới lớn thứ ba trên Trái đất (sau Amazon và lưu vực Congo). Tiến trình giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng – một cơ chế được gọi là REDD+, sẽ đủ điều kiện để thanh toán theo thỏa thuận với Na Uy.
Quan hệ đối tác mới được ghi tạc trong bản ghi nhớ được ký kết giữa Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, Siti Nurbaya Bakar, và Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy, Espen Barth Eide, vào ngày 12/9.
Siti cho biết ý định thành lập một quan hệ đối tác mới đã được Na Uy truyền đạt trong một bức thư ngày 5/8.
“Indonesia dưới sự lãnh đạo của [Tổng thống] Jokowi [Joko Widodo] đã đạt được những bước tiến lớn và tôi lấy làm vui mừng khi thông báo rằng, Indonesia là nước dẫn đầu thế giới về các vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang thảo luận,” Eide nói. “Điều này tốt cho Indonesia, tốt cho Na Uy, tốt cho hành tinh bởi vì tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm giảm lượng khí thải từ năng lượng, từ ngành công nghiệp, từ giao thông, đều sẽ trở nên vô ích nếu chúng ta không chăm sóc bể chứa carbon đang sẵn có tại Indonesia chúng tôi.”
Được thưởng khi giảm lượng khí thải
Trọng tâm chính sách của Indonesia về rừng đó là “Kế hoạch hoạt động của FOLU Net Sink 2030,” một nỗ lực đầy tham vọng nhằm biến các khu rừng của nước này thành một bể chứa carbon lớn vào năm 2030, hấp thụ nhiều hơn lượng CO2 thải vào khí quyển lên đến 140 triệu tấn.
Indonesia từ lâu đã nằm trong số những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới do phá rừng, cháy rừng và tàn phá các vùng đất than bùn, nhưng tỷ lệ phá rừng tại nước này đã giảm trong những năm gần đây. Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ phá rừng của Indonesia trong năm 2019 so với năm 2020 là 115.500 ha, giảm gần 90% so với tỷ lệ năm 2014/2015 là 1,09 triệu ha.
Tiến bộ này có được trong giai đoạn mà thỏa thuận trước đó giữa Indonesia và Na Uy, được ký kết vào năm 2010, vẫn còn hiệu lực.
Vào năm 2019, Na Uy đã đồng ý trả 530 triệu krone (56 triệu USD) cho Indonesia để ngăn chặn việc phát thải 11,23 triệu tấn CO2e dưới thỏa thuận REDD+ vào năm 2017. Nhưng đến năm 2021, Na Uy vẫn chưa thanh toán số tiền trên, khiến Indonesia phải chấm dứt thỏa thuận.
“Indonesia và Na Uy đã từng có những cái bắt tay hợp tác về môi trường, với thỏa thuận REDD+ vào năm 2010, và rất đáng tiếc [rằng] chúng tôi không thể tiếp tục việc hợp tác này”, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi, cho biết trong cuộc họp báo chung với các quan chức Na Uy tại Jakarta vào tháng 12/9. “Nhưng chúng tôi đã học được nhiều điều từ hợp tác REDD+ trên và tiếp tục đóng góp cho quá trình hợp tác của chúng tôi.”
Dựa trên quan hệ đối tác lâu dài về các vấn đề môi trường và kinh nghiệm trong quá khứ, Na Uy và Indonesia đã ký một thỏa thuận mới, Eide nói.
“[Chúng tôi] đang học hỏi từ kinh nghiệm chung trong quá khứ và hướng tới điều mà tôi nghĩ là thực sự đáng hứa hẹn,” Eide chia sẻ tại cuộc họp báo.
Bustar Maitar, Giám đốc điều hành của Tổ chức phi chính phủ môi trường Indonesia EcoNusa Foundation cho biết, ông lạc quan với tương lai trong đó quan hệ đối tác khí hậu mới sẽ giúp tăng cường hơn nữa các nỗ lực để đạt được mục tiêu FOLU Net Sink vào năm 2030 và các hành động liên quan đến khí hậu khác.
Có thể mong đợi những gì?
Các chi tiết của thỏa thuận mới sẽ được trình bày trong một hợp đồng góp vốn dự kiến sẽ được ký trong vòng 3 đến 4 tuần tới.
Eide nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là điều sắp xảy ra, và đây là điều rất hứa hẹn khi nhìn vào biên bản ghi nhớ mà chúng tôi cần phải ký nhằm hoàn thành hợp đồng góp vốn.”
Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Sáng kiến Rừng và Khí hậu Quốc tế của Na Uy (NICFI) sẽ chuyển các khoản thanh toán trực tiếp đến Quỹ Môi trường của Indonesia. Và 56 triệu đô la Na Uy còn nợ Indonesia và hứa sẽ trả hết vào năm 2019 sẽ được thanh toán trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới.
Eide cho biết, các khoản thanh toán của Na Uy cho những thành tựu REDD+ mà Indonesia đạt được từ năm 2016/2017 đến 2019/2020 sẽ dựa trên giao thức đo lường, báo cáo và xác minh (MRV) hiện có – hệ thống do Indonesia thiết lập để chứng minh cho những thành tựu, tiến bộ của nước này trong việc giảm phát thải.
Các khoản thanh toán cho các kết quả đạt được trong thời gian năm 2020/2021 trở đi sẽ dựa trên giao thức MRV mới được cập nhật được hai bên thống nhất.
Theo Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy “Khoản góp vốn dựa trên những kết quả đầu tiên sẽ lên tới 56 triệu USD cho việc giảm phát thải đã được xác minh” trong năm 2016/2017, hoặc từ tháng 8/2016 đến tháng 7/2017. “Các khoản góp bổ sung theo kết quả sẽ được [trả] hàng năm khi mức giảm phát thải được xác minh cho những năm tiếp theo.”
Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti cho biết, quan hệ đối tác mới có quy mô khác với thỏa thuận REDD+ giữa Indonesia và Na Uy trước đó.
Bộ trưởng Siti nói tại cuộc họp báo: “Thỏa thuận mới không chỉ là về việc góp vốn dựa trên kết quả đạt được, mà nó bao gồm hành động trải rộng hơn về các vấn đề khí hậu và rừng ở Indonesia. Biên bản ghi nhớ cũng nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại lợi ích hữu hình và trực tiếp cho cộng đồng cũng như cho sự tiến bộ của Indonesia.”
Theo Dida Migfar Ridha, người đứng đầu bộ phận đối tác nước ngoài tại Bộ môi trường Indonesia, để tránh thỏa thuận mới này bị kết thúc đột ngột như trước đó, thỏa thuận này sẽ dựa trên nguyên tắc tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, cùng với giao thức MRV được thống nhất bởi cả hai quốc gia.
“[Quan hệ đối tác] này được xây dựng phù hợp với đặc điểm của Indonesia. Ví dụ, chúng tôi thường nhờ vào cộng đồng địa phương và người bản địa, [và] chúng tôi có quy định nội bộ [về những vấn đề đó],” Dida Migfar Ridha chia sẻ bên lề cuộc họp báo. “Điều quan trọng nhất là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau bằng cách chú ý đến các quy định hiện hành, đặc biệt là khi [quan hệ đối tác mới] được thực hiện ở Indonesia.”
Trúc Mai (Theo Mongabay.com)