Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động động vật hoang dã (ĐVHD) đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Hiện có nhiều ý kiến lo ngại về cơ chế quản lý còn lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp.
Ngày 13/9, Tọa đàm “Giải pháp quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam” do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức hoạt động bảo tồn thiên nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý…
Việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã, đồng thời đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật được nêu tại Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121 trên tổng số 184 quốc gia thành viên.
Để thực thi CITES, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động ĐVHD đã được cấp phép và ước tính còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép.
Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại về cơ chế quản lý còn lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Như vậy hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đã và đang ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của đất nước.
Nhiều đề xuất về quản lý gây nuôi thương mại ĐVHD
Tại Tọa đàm, ENV cho rằng, một trong những giải pháp mang tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam là việc ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.
Theo nhận định của ENV, danh mục sẽ giúp xử lý các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam. Quy trình cấp phép đơn giản, nhanh chóng; cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu loài được đăng ký với danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại và cấp phép nếu cơ sở đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mà không cần thực hiện thêm các thủ tục xác nhận với cơ quan khoa học.
Chủ cơ sở nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi. Danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi.
Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại được cập nhật hằng năm từ đề xuất của người nuôi, cơ quan quản lý sau khi tham vấn ý kiến của cơ quan khoa học, đảm bảo tạo điều kiện cho người nuôi.
Ông Nguyễn Quảng Trường, chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Để phát triển bền vững nghề gây nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại cần đảm bảo các yếu tố. Thứ nhất, có quy hoạch hợp lý về vùng nuôi, đối tượng nuôi và quy mô nhân nuôi. Thứ hai có đánh giá và dự báo thị trường. Thứ ba có hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đánh giá rủi ro. Thứ tư là quản lý và giám sát hiệu quả. Những loài nên đưa vào nuôi thương mại bao gồm các loài sinh sản tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có hiệu quả kinh tế và không bị đe dọa tuyệt chủng trong tự nhiên”.
Cần có nhân sự chuyên nghiệp về ĐVHD
Nói sâu hơn về việc thương mại hóa các ĐVHD, GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng cần tiếp cận việc gây nuôi thương mại ĐVHD theo hướng quy định điều kiện nuôi ĐVHD như thế nào.
Công ước CITES không cấm nuôi ĐVHD thuộc các phụ lục CITES. Để thực thi CITES, Việt Nam đã nội luật hóa bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia, trong đó có Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017), Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP… về thực hiện một số điều của Luật Thủy sản và nhiều quy định khác.
Có nhiều cách tiếp cận quy định về “loài nuôi”. Nếu tiếp cận theo hướng ban hành danh mục, sẽ có một danh sách dài và không ổn định, vì phụ lục CITES gồm khoảng 29.000 loài ĐVHD, thành phần loài cũng không ổn định (có loài được đưa mới vào phụ lục, có loài bị đưa ra khỏi phụ lục theo định kỳ, thường là 3 năm). Ngoài ra, không phải loài nào thuộc phụ lục CITES cũng đem nuôi vì có thể không đạt điều kiện khác có liên quan đến nuôi ĐVHD. Việc cập nhật, công bố danh sách loài không kịp thời có thể gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nếu tiếp cận theo hướng quy định các điều kiện nuôi ĐVHD và hậu kiểm sẽ linh hoạt hơn. Điều kiện để được nuôi sẽ tương đối ổn định trong thời gian dài, nơi nào, loài nào, mục đích nuôi nào đáp ứng được điều kiện thì sẽ được nuôi. Điều kiện nuôi không chỉ gồm yếu tố loài, mà còn gồm nhiều yếu tố khác.
Theo tiếp cận trên, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng quản lý chặt chẽ ĐVHD trong khi vẫn tạo thuận lợi cho các cơ sở nuôi; đồng thời ban hành các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng (tiêu chuẩn riêng hoặc tiêu chuẩn chung cho nhiều loài theo kinh nghiệm quốc tế).
Đặc biệt, theo quan điểm của GS.TS Phạm Văn Điển, nhu cầu về nhân lực của ngành ĐVHD trong tương lai là rất lớn. Ngành ĐVHD có phạm vi khá rộng, từ khía cạnh chính sách, quản lý, sinh học, bảo tồn đến gây nuôi, chế biến, thương mại, quản lý thị trường và tuân thủ công ước.
“Điều chúng ta mong đợi là giải quyết hài hòa mục tiêu bảo tồn với phát triển. Một trường đại học nào đó có thể đào tạo về một hoặc nhiều khía cạnh của ĐVHD. Chẳng hạn, bảo tồn và nuôi, thương mại ĐVHD có triển vọng rất lớn đối với khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học và hệ sinh thái, là lựa chọn lập nghiệp của nhiều người. Một hướng khác là cứu hộ, bảo tồn nội vi gắn với bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và môi trường sống cũng là hướng lựa chọn có trách nhiệm với tương lai”, ông Phạm Văn Điển nhấn mạnh.