8 con báo gêpa sẽ được đích thân Thủ tướng Narendra Modi chào đón vào ngày sinh nhật của ông, trong một dự án đầy tham vọng nhằm đưa loài mèo lớn này trở lại Ấn Độ.
Ấn Độ từng là quê hương của báo gêpa, nhưng loài này bị tuyên bố tuyệt chủng trong nước vào năm 1952.
Từ năm 2020, New Delhi đã nỗ lực để đưa loài động vật này trở lại Ấn Độ. Cuối cùng theo thông báo của tòa án tối cao Ấn Độ, loài báo châu Phi, một loài phụ khác của báo gêpa, có thể được cho định cư ở một “địa điểm được lựa chọn cẩn thận” trên cơ sở thử nghiệm.
Cụ thể, năm con báo đực và ba con báo cái được đưa từ Nam Phi đến Ấn Độ vào 17/9. Bước đầu, chúng sẽ được cách ly tại Vườn quốc gia Kuno ở bang miền Trung Ấn Độ, Madhya Pradesh.
Báo chí địa phương cho biết những con báo sẽ hạ cánh ở thành phố phía tây Jaipur sau hành trình kéo dài 10 giờ, và sau đó sẽ di chuyển bằng trực thăng đến công viên Kuno.
Ấn Độ cũng đang có kế hoạch đưa thêm báo gêpa từ Nam Phi tới vào một ngày sau đó. Quan chức bộ Môi trường nước này cho biết: “Chính thủ tướng sẽ thả những con vật vào trong khu vực cách ly”.
Đàn mèo lớn sau đó sẽ được chuyển đến những không gian rộng lớn hơn và sẽ được thả vào khu rừng thưa trong công viên sau khi chúng thích nghi.
Bộ trưởng Môi trường Bhupender Yadav cho biết dự án là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm bảo tồn loài động vật này. Sự hiện diện của ông Modi “sẽ mang lại sự nhiệt tình và năng lượng cho tất cả chúng tôi”, ông nói thêm.
Công viên Kuno được chọn làm nơi trú ngụ cho các con vật này vì có nhiều con mồi và đồng cỏ.
Nhưng các nhà phê bình cũng cảnh báo rằng loài báo có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống ở đây và có thể đụng độ với số lượng đáng kể báo hoa mai hiện có.
Ông Adrian Tordiffe, giáo sư về động vật hoang dã tại Đại học Pretoria, người tham gia dự án, cho biết Nam Phi đã muốn Ấn Độ sử dụng thêm các công viên để giúp tách biệt hai loài.
“Tôi không nghĩ đó sẽ là một vấn đề lớn đối với những con trưởng thành… chúng rất quen thuộc với việc chung sống với những kẻ săn mồi khác. Nhưng chúng ta có thể gặp phải tình huống khó khăn đối với việc sinh tồn của đàn con”.
Báo gêpa tuyệt chủng ở Ấn Độ chủ yếu vì mất môi trường sống và bị săn bắt.
Được coi là dễ bị tổn thương theo Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, chỉ còn lại ít hơn 7.000 báo đốm trên khắp thế giới – chủ yếu ở các thảo nguyên châu Phi.