Còn nhớ trong một phiên tòa xét xử vụ “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, khi tòa tuyên án 4 năm tù, người thân của bị cáo òa khóc: “Chỉ là 4 con tê tê thôi, sao lại quý hơn so với sự tự do của con người?”. Hẳn với suy nghĩ đó, nên khi đồng ý mua tê tê về thành phố bán kiếm lời, bị cáo – một phụ nữ với gánh nặng gia đình chồng chất – không nghĩ đến việc phải trả giá bằng bản án 4 năm tù giam. Không riêng gì bị cáo trong vụ án này mà không ít người dân ở vùng miền núi vẫn còn nặng thói quen: “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”…, dẫn đến hành vi săn bắt, buôn bán động vật nguy cấp, quý, hiếm thường xuyên xảy ra.
Hầu như trong tất cả các vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được đưa ra xét xử ở Quảng Trị, đối tượng phạm tội là những người trước đó chưa có tiền án, tiền sự. Do nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên khi ra trước tòa, các bị cáo mới biết mức hình phạt mình phải đối mặt. Tuy nhiên, việc nhà nước cấm săn bắt, buôn bán động vật hoang dã thì ai cũng biết nên việc mua bán này diễn ra lén lút.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử vụ án tương tự. Bị cáo là một thanh niên từ đồng bằng lên vùng miền núi Hướng Hóa mở quán cơm bình dân. Công việc mưu sinh gặp khó khăn vào thời điểm COVID-19 nhưng cũng không đến nỗi chật vật. Vậy nhưng, khi nghe một người đàn ông không rõ lai lịch đề nghị thu mua tê tê bán lại, người thanh niên này gật đầu không chút do dự. Bỏ công lặn lội dọc biên giới Việt – Lào để thu gom 4 cá thể tê tê với giá 22 triệu đồng rồi về cất giấu trong vườn nhà, sau đó bị cáo thỏa thuận với người mua, bán lại với giá 24 triệu đồng.
Chưa kịp thực hiện giao dịch mua bán thì hành vi của bị cáo bị lực lượng chức năng phát hiện. 2 triệu đồng tiền lời (nếu thực hiện giao dịch mua bán thành công) và bản án 5 năm tù là một cái giá phải trả quá đắt đối với thanh niên này. Vậy nhưng, như đã nói ở trên, đa phần các bị cáo đều khai chỉ biết việc mua bán động vật hoang dã bị cấm nhưng không biết được hình phạt nghiêm khắc đi kèm. Thực tế đó cho thấy nếu không nâng mức độ cảnh báo lên cao hơn, nhiều người sẽ lặp lại hành vi vi phạm này, nhất là những người dân sinh sống ở vùng rừng núi.
Vấn nạn săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã tại Việt Nam đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với hệ sinh thái tự nhiên và tác động tiêu cực lên mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Dù công tác tuyên truyền trong những năm qua được đẩy mạnh, hình phạt về việc mua bán động vật hoang dã cũng được quy định nghiêm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Đặc biệt, từ khi internet phát triển, nhiều đối tượng đã sử dụng để quảng cáo, rao bán công khai các sản phẩm động vật hoang dã. Thường khi các vụ việc vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và đưa ra xét xử, các đối tượng bị lên án là những người có hành vi trực tiếp như săn bắt, mua bán.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã cần lên án mạnh mẽ hơn. Một thực trạng dễ nhận thấy là thực đơn hút khách của không ít nhà hàng đều là món ăn được chế biến từ thịt thú rừng, trong đó có nhiều động vật quý, hiếm. Ngoài ra, một số sản phẩm động vật hoang dã được “đồn thổi” có tác dụng chữa bách bệnh như sừng tê giác (tuy đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học để chứng minh điều này) nhưng đã có một thời, những người có điều kiện kinh tế lùng mua cho bằng được.
Việt Nam hiện tại không còn tê giác nhưng vẫn bị coi là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất thế giới. Có cung ắt sẽ có cầu. Vòng luẩn quẩn này khiến cho các vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm chưa dừng lại. Và trên thực tế, mỗi khi động vật hoang dã vẫn còn được sử dụng trong các thực đơn đắt đỏ của nhà hàng, được nuôi hay dùng để làm thuốc, vật dụng trang trí … thì chừng đó, nạn săn bắt trái phép vẫn diễn ra.
Rừng tưởng như là nơi để thú hoang sinh tồn, vậy mà từng giờ, từng ngày, sự sống của các con vật đang bị đe dọa, tước đoạt bởi con người. Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng về hệ sinh thái, loài và nguồn gen, đặc biệt là các loài động vật hoang dã quý, hiếm và đặc hữu.
Tuy vậy, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nạn khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép đang là một vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng quần thể các loài động vật hoang dã, đẩy nhiều loài nguy cấp của Việt Nam đến bờ vực của sự tuyệt chủng.
Quy định pháp luật về việc buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã đã có, tuy nhiên để ngăn chặn hành vi vi phạm trên, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng chống, đấu tranh với vấn nạn này. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã như không ăn uống các món chế biến từ thịt chim, thú rừng (trong đó vai trò tiên phong thuộc về cán bộ, công chức nhà nước); không sử dụng sản phẩm mỹ nghệ, thời trang được chế biến từ động vật hoang dã.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, lâu dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân nâng cao nhận thức, giảm tình trạng săn bắn, mua bán trái phép. Nên mở những phiên tòa lưu động xét xử các vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” ở các xã miền núi để người dân thấy “người thật, việc thật”, từ đó ý thức rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ tài nguyên rừng.