Mạng lưới đường sắt của Brazil rất phát triển, kéo dài đến khoảng 30.000 km, trong khi tác động của nó đối với động vật hoang dã vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nhưng rõ ràng, tác động đáng chú ý nhất mà loại hình giao thông này gây ra là cái chết của động vật hoang dã.
“Những tuyến đường sắt thường nằm ở những vùng xa xôi. Vì vậy, ta khó có thể nhìn ra những tác động của chúng,” nhà sinh vật học, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sinh thái Đường bộ và Đường sắt tại Đại học Liên bang Rio Grande do Sul (NERF-UFRGS) Bibiana Terra Dasoler chia sẻ.
Dữ liệu về tác động của các hoạt động đường sắt lên động vật hoang dã vẫn còn rất ít ỏi. Tuy vậy, phương thức di chuyển này lại đang được mở rộng trên khắp Brazil. Các tuyến đường sắt mới đang được xây dựng, và sau khi sắc lệnh năm 2021 triển khai việc cấp phép theo ủy quyền của chính phủ liên bang, đã có 76 đơn đăng ký xây dựng và vận hành 19.000 km đường sắt tư nhân được gửi lên chính phủ Brazil.
Ngành đường sắt Brazil đang nở rộ bất chấp việc thiếu các nghiên cứu về tác động làm suy giảm thảm thực vật, phân mảnh môi trường sống, hiệu ứng rào cản – khi các đường ray và nạn phá rừng cản trở sự di chuyển của động vật hoang dã – cũng như gây ồn và ô nhiễm đất.
Các vụ tai nạn động vật hoang dã trên đường sắt ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn, và vấn đề này đang bắt đầu được các nhà nghiên cứu, điều hành và quản lý mạng lưới đường sắt của Brazil xem xét. Tuy nhiên, số liệu về động vật hoang dã bị giết bởi tàu hỏa ở nước này vẫn chưa được làm rõ, không giống như khi nghiên cứu đường bộ, họ đã ước tính được cụ thể khoảng 475 triệu động vật có xương sống bị giết hàng năm, theo Trung tâm Sinh thái Đường bộ Brazil.
Rubem Dornas, nhà sinh vật học từ Đại học Liên bang Minas Gerais, đã chỉ thẳng vào sự ngộ nhận thường thấy đó là, trên đường sắt có ít động vật bị giết hơn trên đường bộ. Sự hiểu nhầm này không chỉ đến từ việc thiếu nghiên cứu, mà còn từ thực tế là lưu lượng xe lửa thấp hơn lưu lượng ô tô.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng tác động của đường sắt sẽ thấp hơn so với đường bộ, nhưng các theo dõi gần đây đã cho thấy một số lượng lớn thương vong của động vật hoang dã trên đường sắt,” Dornas cho hay. Ông cũng là người đã tập trung nghiên cứu về số lượng cóc mía bị giết trên một tuyến đường sắt ở Amazon của Brazil, và con số được kết luận là 10.000 con cóc mía bị chết mỗi năm.
10.000 con cóc bị giết chết mỗi năm
Dornas đã nghiên cứu dữ liệu theo một phương pháp mới để theo dõi động vật hoang dã trên các đoạn đường sắt dài. Nhóm nghiên cứu đã đi bộ dọc theo 871 km tuyến đường sắt Carajás ở bang Pará và Maranhão. Hành trình này không bao gồm đoạn đường cắt qua Rừng Quốc gia Carajás vì họ không được cho phép.
Bằng cách đi bộ, các nhà nghiên cứu có thể xác định vị trí của các loài động vật nhỏ – những loài sẽ không thể nhìn thấy từ các phương tiện cơ giới. Họ dò quét khu vực quanh các đường ray và một vùng dài 3-5 mét ở hai bên đường ray. Họ ước tính số lượng cóc mía tử vong dựa trên tổng số động vật được tìm thấy (9.091 xác chết) và thời gian xác cóc nằm trên đường ray (trung bình là 38 ngày), cuối cùng đưa ra con số 10.233 con cóc bị giết chết mỗi năm.
Nhưng không phải tất cả những con cóc chết đều do tàu hỏa đâm. Nghiên cứu cũng tìm ra một số trường hợp tử vong do mất nước và chấn thương (do sự thay đổi áp suất đột ngột khi tàu hỏa chạy qua với tốc độ cao). Đối với những con chết vì mất nước, người ta tin rằng đường ray đã tạo ra một rào cản ngăn chúng băng qua để đến những vùng nước ở phía bên kia đường ray, khiến chúng phải tiếp xúc với nhiệt độ lên tới 51°C.
Dornas nói: “Tác động của hiệu ứng rào cản dường như là sự khác biệt lớn nhất giữa đường sắt và đường bộ. Đường bộ thường không có chướng ngại vật ngăn cản động vật hoang dã đi từ bên này sang bên kia. Ngược lại, đường ray là một cấu trúc thẳng đứng ngăn cản việc qua đường của chúng, đặc biệt đối với những động vật nhỏ không thể nhảy qua các thanh sắt một cách dễ dàng.”
Vale, một công ty khai thác đang điều hành tuyến đường sắt Carajás cho biết, họ có một dự án cụ thể để theo dõi và đánh giá động vật hoang dã dọc tuyến đường sắt và đưa ra các biện pháp nhằm giảm những vụ tai nạn và các tác động xấu khác của đường sắt lên động vật.
“Hiện tại đang có 61 cầu vượt dành cho động vật hoang dã ở các địa điểm cụ thể dọc theo tuyến đường sắt. Đây là biện pháp kiểm soát giảm thiểu và được thiết lập dựa trên việc giám sát được thực hiện theo thời gian,” Vale tuyên bố.
Hai cây cầu vượt thực vật đầu tiên dành cho động vật hoang dã ở Brazil đã được xây dựng trên tuyến nhánh dài 101 km nối một trong những mỏ quặng sắt của Vale ở khu tự trị Canaã dos Carajás với đường sắt Carajás ở Parauapebas. Trước đó, Mongabay đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các công trình này trong việc duy trì kết nối giữa các mảnh thảm thực vật được bảo tồn và giảm hiệu ứng rào cản, từ đó cũng giảm số lượng động vật bị tàu hỏa đâm phải.
Những con tatu, heo vòi và nhiều hơn thế nữa
Vào năm 2020, nhà nghiên cứu sinh thái học đường sắt Dasoler đã kết luận nghiên cứu của mình về động vật có vú bị tàu hỏa đâm trên tuyến nhánh bắc dài 750 km của tuyến đường sắt Carajás, đi qua 79 khu bảo tồn quan trọng và được sử dụng chủ yếu để vận chuyển ngũ cốc. Nghiên cứu ước tính rằng 4.286 động vật nặng 1-260 kg đã bị tàu hỏa giết trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 11 năm 2016.
Dasoler đã nghiên cứu dữ liệu từ công ty nhận nhượng quyền vận hành tuyến đường sắt Rumo Logística. Và cũng giống như Dornas, Dasoler tiến hành đếm số lượng động vật chết trong quá trình theo dõi bằng cách đi bộ và lái xe.
Phần lớn các loài động vật mà cô tìm thấy, 1.459 con trong tổng số 1.950 con là tê tê Euphractus sexcinctus. Trong số 20 loài khác mà cô ghi nhận được, có 217 con lợn vòi Nam Mỹ, 45 con thú ăn kiến khổng lồ, 22 con sói bờm và một con báo sư tử.
Theo Dasoler, những con số mà cô và Dornas kết luận được từ các nghiên cứu sau đó của họ cũng chỉ ra rằng số lượng động vật hoang dã bị tàu hỏa đâm là khá lớn.
“Mạng lưới đường bộ tại Brazil lớn hơn nhiều so với mạng lưới đường sắt, vì vậy chúng ta thường nghĩ rằng đường bộ sẽ có tác động lớn hơn. Nhưng chúng ta cần phải đo lường theo tỷ lệ trước khi đưa ra kết luận chính xác,” Dasoler nói.
Hướng đến một tuyến đường sắt bền vững hơn
Tại bang Mato Grosso, tuyến đường sắt đầu tiên của Brazil được thiết kế để giảm tác động đến động vật hoang dã đang bắt đầu được thi công. Đường sắt liên bang nối Cuiabá – thủ phủ của bang – với các thành phố tự trị Rondonópolis và Lucas do Rio Verde. Công trình này cũng do Rumo Logística điều hành và sẽ trải dài 743 km đi qua 16 thành phố. Nhà sinh vật học Paula Prist cho rằng điểm đột phá của dự án nằm ở việc đã có nghiên cứu dự đoán về các vụ tai nạn của động vật hoang dã trên tuyến đường sắt này.
Prist là nhà nghiên cứu và là giám đốc đối tác tại ViaFauna Estudos Ambientais – công ty do Rumo Logística ủy thác nghiên cứu nhằm giúp ngăn chặn việc đâm phải động vật hoang dã trên tuyến đường sắt mới.
Prist chia sẻ: “Chúng tôi đã đề xuất việc sử dụng các mô hình dự đoán và công cụ thống kê đang được áp dụng rộng rãi trong giới học thuật cả ở Brazil và nước ngoài, và có thể giúp ích cho tình hình.”
Các nghiên cứu phân tích dự đoán sử dụng các bộ dữ liệu khổng lồ để xác định xu hướng trong tương lai.
Prist nói: “Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu về các vụ tai nạn của động vật hoang dã được thu thập từ năm 2013 đến năm 2017 trên một tuyến đường sắt nằm trong cùng một quần xã sinh vật và có các loài động vật hoang dã cũng như cảnh quan tương đồng.” Đây cũng là điều mà Dasoler tập trung vào khi nghiên cứu về các loài động vật có vú bị tàu hỏa đâm phải.
Mô hình dự báo xác định các khu vực nguy hiểm có thể gây ra thương vong cho động vật hoang dã nói chung, đặc biệt đối với lợn vòi và lợn peccary môi trắng nói riêng cùng những loài nguy cấp thường bị tấn công trong những khu vực này. Ngoài việc xác định các địa điểm có khả năng cao nhất xảy ra va chạm của động vật với tàu hỏa, công trình của ViaFauna đã khuyến nghị việc lắp đặt các đường hầm và cầu vượt, cũng như làm hàng rào dọc theo các đoạn đường có nguy cơ cao.
Theo Rumo Logística, tuyến đường sắt mới sẽ có 155 công trình cho động vật hoang dã, bao gồm đường hầm, cầu vượt treo dành cho động vật sống trên cây và một cây cầu vượt trồng cây rừng – loại cầu vượt dành cho động vật đầu tiên được xây dựng ở bang Mato Grosso. Công ty cũng cho biết họ sẽ lắp đặt 126 km hàng rào để ngăn động vật hoang dã đến các địa điểm này. Trong quá trình xây dựng và vận hành tuyến đường sắt, một hệ thống giám sát cũng sẽ được sử dụng để định vị các trường hợp va chạm với động vật hoang dã và chăm sóc động vật bị thương.
Prist nói: “Mô hình cũng chỉ là mô hình mà thôi. Chúng ta không thể kỳ vọng mô hình có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng xảy ra tai nạn động vật trong các dự án sắp được xây dựng, vì điều này hầu như là không thể. Nhưng nếu chúng ta cố gắng và ngăn chặn tối đa các vụ va chạm, chúng ta sẽ thành công.”
Giấy phép môi trường – một mớ bòng bong
Việc cấp giấy phép môi trường đường sắt không yêu cầu sử dụng các mô hình dự báo để giảm thiểu các vụ va chạm với động vật hoang dã. Nhưng theo Dornas, các thủ tục này đã được cải thiện trong những năm gần đây.
Ông nói: “Vấn đề này không dễ giải quyết vì bản thân quá trình cấp phép vốn rất phức tạp và phải chịu sự can thiệp về mặt chính trị”.
Theo Dasoler, việc kiểm kê động vật hoang dã được tiến hành theo khuôn khổ các nghiên cứu tác động môi trường là điều kiện cần khi xin cấp phép. Yêu cầu này giúp xác định các loài xuất hiện trong khu vực của các dự án công trình, nhưng không thể đo lường được tác động của dự án đó đối với động vật hoang dã.
Nhà sinh vật học và quản lý kỹ thuật của Công ty tư vấn môi trường Cruzeiro do Sul, Reginaldo Cruz, cũng là người làm việc cho các dự án đường sắt, nói rằng các thủ tục cấp phép môi trường cho các dự án này vẫn còn rất nhiều thiếu sót.
Ông nói: “Nhìn chung, các đánh giá không cung cấp thông tin về mức độ nhạy cảm và điểm yếu của các môi trường liên quan đến dự án và do đó không cần thiết, thậm chí không thể áp dụng được.”
Nhưng bất chấp những nghi ngờ về hiệu quả của các quy trình cấp phép môi trường, Cruz cũng cho biết các cơ quan về môi trường rất quan tâm đến việc thúc đẩy các nghiên cứu và cải thiện quy trình cấp phép.
Cruz chia sẻ: “Đối với tôi, dường như tất cả chúng ta đều là những công dân có chung lợi ích trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước theo cách bền vững nhất có thể, bảo vệ môi trường và thực hiện đúng các trách nhiệm về môi trường của mình.”