4 tháng qua, giá gỗ rừng trồng đạt đỉnh lịch sử. Với giá này, rừng non bị đốn sạch, chiến lược phát triển rừng trồng gỗ lớn của Bình Định có nguy cơ phá sản.
Tranh nhau từng xe gỗ nguyên liệu
Nguyên nhân gỗ rừng trồng đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay là do nhu cầu về chất đốt của các nước trên thế giới đang ở mức cao. Theo đó, viên nén và dăm gỗ được thị trường “ăn” mạnh. Giá gỗ rừng trồng trong nước đang tăng từng ngày, các nhà máy chế biến viên nén, dăm gỗ và chế biến đồ gỗ xuất khẩu tranh mua từng xe gỗ nguyên liệu.
Những năm qua, giá gỗ rừng trồng biến động liên tục, mức giá tùy thuộc chủ yếu vào 2 mặt hàng viên nén và dăm gỗ. Còn nhớ, vào năm 2017 – 2018, khi ấy, đầu ra của mặt hàng dăm gỗ bị tắc tại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy, giá gỗ rừng trồng ở Bình Định tuột dốc chỉ còn 800 – 900 ngàn đồng/tấn. Đó là giá của rừng trồng nằm ở địa điểm thuận lợi khai thác và vận chuyển, rừng trồng ở những vùng cao, vùng sâu có giá còn thấp hơn. Không nói đâu xa, mới năm 2021, giá gỗ rừng trồng ở Bình Định chỉ 1,3 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên từ tháng 4/2022 đến nay, do ảnh hưởng chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến thế giới bị thiếu hụt nhiên liệu, trong khi nhu cầu về chất đốt tăng cao khi châu Âu sắp bước vào mùa đông nên đầu ra của viên nén và dăm gỗ dễ dàng hơn bao giờ hết. Giá gỗ rừng trồng ở Bình Định đạt đỉnh với hơn 1,7 triệu đồng/tấn, mỗi tấn tăng hơn 400 ngàn đồng.
Cạnh tranh gỗ nguyên liệu đang diễn ra rất khốc liệt. Gỗ rừng trồng ở Bình Định hiện đang được các nhà máy chế biến dăm gỗ, sản xuất viên nén và chế biến đồ gỗ xuất khẩu “xâu xé” từng xe. Doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ thì nhiều, trong khi diện tích rừng trồng khai thác hàng năm chỉ có hạn mức, nên không thể tránh khỏi việc cạnh tranh khốc liệt trong việc mua nguyên liệu. Nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ hiện đang rất chật vật trong việc tìm kiếm gỗ nguyên liệu.
Đơn cử, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn (Bình Định), đơn vị đang sở hữu 3 nhà máy chế biến dăm, trong đó có 2 nhà máy sử dụng công nghệ cao, 1 nhà máy sản xuất thủ công. Ba nhà máy này mỗi ngày sản xuất bình quân 700 tấn dăm tươi. Kế hoạch hàng năm, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn xuất ra thị trường 80.000 tấn dăm khô, tương đương 160.000 tấn tươi. Thế nhưng thời gian qua, sản lượng gỗ nguyên liệu mua vào chỉ đạt chưa bằng một nửa so với trước đây do nguồn cung gỗ nguyên liệu đang rất khan hiếm.
Tại Công ty TNHH Sông Kôn, đơn vị chuyên sản xuất dăm gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), vấn đề gỗ nguyên liệu để đáp ứng sản xuất đang là mối lo lớn hàng ngày.
“Gỗ nguyên liệu bây giờ khan hiếm lắm, nếu như trước đây mỗi ngày công ty thu mua khoảng 700 tấn thì giờ chỉ còn mua được khoảng 400 tấn. Từ đầu năm đến nay, công ty xuất khẩu sang Trung Quốc được khoảng hơn 60.000 tấn dăm gỗ khô. Cùng kỳ này năm 2020 giá bán 1 tấn dăm gỗ khô tại Cảng Quy Nhơn chỉ có 126 USD thì hiện đã tăng đến 160 – 165 USD/tấn, nhưng do giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nên công ty chỉ còn lãi được khoảng 3 – 4USD/tấn”, ông Võ Vạn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn cho biết.
Thu mua gỗ nguyên liệu phá quy cách
Hiện nay, nguồn gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến dăm gỗ và viên nén ở Bình Định hầu như phụ thuộc cả vào những “cò gỗ”, các doanh nghiệp không có lực lượng chuyên trách đi thu mua. Những doanh nghiệp chế biến hầu hết đều trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng nguồn nguyên liệu tự chủ này không thấm tháp gì so với công suất chế biến.
Ví như Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn, từ năm 2003 đã trồng 1.400ha keo ở xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân, Bình Định), thế nhưng mỗi năm chỉ khai thác, trồng lại khoảng 30 – 50ha thì chẳng bõ bèn gì so với năng lực sản xuất, thế nên cứ phải trông cậy vào các “cò gỗ”. Những “cò gỗ” thì có bạn hàng là các hộ trồng rừng ở khắp nơi, không chỉ ở Bình Định mà cả ở Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum; thậm chí gỗ rừng trồng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng “chạy” về Bình Định.
Do “khát” gỗ nguyên liệu, các nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén ở Bình Định hiện không còn thu mua gỗ nguyên liệu theo quy cách chặt chẽ như trước đây, mà rất thoải mái. Nếu như trước đây, gỗ rừng trồng chở đến nhà máy phải hội đủ các tiêu chuẩn như lóng gỗ phải dài 2m, cưa bằng đầu và phải được lột sạch vỏ, độ ẩm phải đúng quy cách, gỗ già tuổi mới mua chứ không mua gỗ non, lóng gỗ phải có đường kính bình quân từ 5cm trở lên, gỗ có đường kính dưới 5cm nhà máy không nhận…
Nay thì những tiêu chuẩn kể trên không còn được áp dụng. Lóng gỗ chưa được lột vỏ nhà máy cũng nhận tất, thậm chí cả đọt cây keo nhỏ tí vẫn “lùa” hết, mua xong nhà máy loại bỏ sau, chấp nhận hao hụt để mua cho được xe gỗ.
“Bây giờ thu mua gỗ rừng trồng mà khắt khe như trước đây thì nhà máy không có nguyên liệu để sản xuất. Hiện nay chúng tôi phải bố trí trực ngày trực đêm, có xe gỗ về là phải giải phóng cho chủ gỗ ngay, nếu không họ đánh xe bán cho nhà máy khác. Thu mua dễ dãi với giá cao như vậy mà sản lượng gỗ nguyên liệu mua vào mỗi ngày không bằng một nửa so với trước đây.
Trước đây, gỗ rừng trồng khi thu hoạch được cưa còn chừa cách mặt đất 1 gang tay, nhưng nay chủ rừng cho cưa sát mặt đất, bởi mỗi ký gỗ có giá đến 1.700 đồng”, một cán bộ thu mua nguyên liệu của một nhà máy chế biến dăm ở Bình Định cho hay. |
Trên địa bàn Bình Định hiện nay có 128.510ha rừng trồng sản xuất, mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng gần 10.000ha, sản lượng đạt từ 1 – 1,2 triệu tấn gỗ nguyên liệu/năm. Trước bối cảnh gỗ rừng trồng đang có giá cao ngất, các nhà máy thu mua dễ dãi, nên hiện những hộ trồng rừng ở Bình Định có diện tích rừng mới hơn 3 năm tuổi cũng khai thác tất để bán, chứ không đợi cây đủ độ già như trước đây. Thế nhưng, họ đâu biết việc khai thác rừng non dù bán giá cao cũng chẳng lời lãi gì mấy.
“Nhiều người ham giá cao khai thác rừng non bán nhưng tính ra không lời lãi gì đâu. Bởi, rừng non cân không có ký, cây keo già cân mới nặng. Đó là chưa kể cây rừng từ năm thứ 4 trở đi dù không cần chăm sóc phân bón như những năm đầu, nhưng chúng phát triển rất nhanh, đến khi rừng được 8 – 10 năm tuổi, cây gỗ đạt tiêu chuẩn bán cho các nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu giá mới cao, lại đạt trọng lượng, lợi nhiều bề.
Do đó, gần 100ha rừng của tôi ở Vân Canh, tôi quyết nuôi thành rừng gỗ lớn mới khai thác, trồng rừng theo kiểu “ăn xổi ở thì” thì uổng phí tài nguyên lắm”, ông Đỗ Duy Thụy, người đang sở hữu gần 100ha rừng rồng ở xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, Bình Định) chia sẻ.
Bình Định phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn có 30.000ha rừng gỗ lớn, năng suất rừng trồng đạt bình quân từ 25 – 30m3/ha/năm đối với cây gỗ lớn; nâng cao chất lượng, tăng năng suất rừng trồng để đạt trữ lượng gỗ lớn từ 190 – 240m3/ha đối với rừng trồng 12 năm và 100 – 120m3/ha đối với rừng trồng 7 năm; sản lượng gỗ lớn bình quân đạt tỷ lệ 50 – 60%.
Tuy nhiên trước tình hình rừng trồng bị khai thác non để bán tới kiệt quệ như hiện nay, ngành chức năng tỉnh lo lắng chiến lược phát triển gỗ rừng trồng trên địa bàn khó thực hiện được. |