Tháng 1/2022, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất của các dự án điện mặt trời đã vận hành trên địa bàn Ninh Thuận nhưng chưa có giá điện. Tuy nhiên, đến nay các dự án này không những chưa được thanh toán cho phần công suất đã vận hành mà còn bị buộc dừng khai thác.
Nhiều dự án đã vận hành nhưng chưa được thanh toán
Mới đây, Công ty Mua bán điện (EVN) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam thông báo dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá (172MW/450MW) của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam công suất 450MW (Ninh Thuận).
Theo chủ đầu tư điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam, khi dừng huy động 40% công suất của dự án theo văn bản của Công ty mua bán điện đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của Nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải do Trung Nam đầu tư.
Theo công ty này, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam.
Ngày 5/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, có ý kiến với các cơ quan chức năng và các Bộ, ngành xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW.
Phía tỉnh Ninh Thuận và Trungnam Group cho rằng, việc dừng huy động phần công suất chưa có giá của Nhà máy điện Trung Nam – Thuận Nam 450 MW là chưa công bằng với nhà đầu tư, bởi đây là dự án đầu tư có điều kiện khi xây dựng đường dây 500 kV để truyền tải điện cho cả một số dự án khác. Phía nhà đầu tư đã hoàn thành đúng cam kết là trong năm 2020, thậm chí sớm 3 tháng, nên nhà đầu tư không có lỗi.
Đáng nói, không phải chỉ có Trungnam Group, mà các nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 của Tập đoàn T&T cũng nhận được thông báo tương tự.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên các nhà máy điện mặt trời được hoàn thành trong năm 2020 nhưng nằm ngoài phạm vi 2.000 MW được hưởng mức giá 9,35 UScents/kWh tại tỉnh Ninh Thuận nhận được thông báo dừng huy động. Nhưng trên thực tế, việc huy động vẫn tiếp tục dù việc thanh toán tiền điện chưa diễn ra trong thời gian dài bởi không có giá.
Chưa có giá, chưa được phép huy động
Trước ý kiến của Công ty Trung Nam về việc EVN chưa huy động hết nguồn điện gió và mặt trời, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN giải thích rằng: EVN luôn tạo điều kiện để tận dụng tối đa có thể nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.
Tuy nhiên, việc huy động phát điện trước tiên phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính công bằng, minh bạch và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ điện của hệ thống. Do vậy, phần công suất chưa được các cấp có thẩm quyền quy định về giá mua điện thì chưa được phép huy động.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Tài Anh cho biết, trước đây, cũng đã có một số công trình lưới điện do các chủ đầu tư nguồn điện bên ngoài EVN xây dựng để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Sau khi hoàn thành xây dựng, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý vận hành các đường dây và trạm này hoặc thuê đơn vị truyền tải điện (thuộc EVNNPT) vận hành.
“Các công trình đường dây và trạm 500kV do công ty Trung Nam thực hiện đầu tư vừa qua cũng có tính chất tương tự. Tuy nhiên, đối với đề nghị của công ty Trung Nam về việc xem xét bàn giao các công trình đường dây và trạm 500kV do Công ty đã đầu tư cho phía EVN cần được sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật”, ông Nguyễn Tài Anh trả lời.
Cần cơ chế với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp
Liên quan đến nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam, ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 17/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có liên quan đến câu chuyện này.
Theo đó, về giá điện với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai minh bạch.
Đối với việc vận hành phần phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.
Được biết, Bộ Công Thương đã có Văn bản 128/BC-BCT ngày 21/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp.
Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ ban hành.
Có thể thấy, ở thời điểm khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, nhiều dự án nhiệt điện dùng than nhập khẩu tại Việt Nam có giá lên tới xấp xỉ 4.000 đồng/kWh thì dù điện mặt trời và điện gió không thể chạy với thời gian ổn định và dài như điện than, nhưng mức giá khoảng 2.500 – 2.800 đồng/kWh hiện nay của điện mặt trời vẫn rẻ hơn và góp phần tiếp sức cho hệ thống điện đang phải đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định mà tiếp tục không được tăng giá bán lẻ bình quân đã có từ năm 2019. Thiết nghĩ, Bộ Công Thương cần chỉ đạo EVN tiến hành đàm phán và cân nhắc để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, nhất là trong thời điểm này, chúng ta đang thực hiện mạnh mẽ cam kết COP 26 về tăng cường năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Tiền doanh nghiệp bỏ ra đầu tư cũng là tiền của nhân dân, điểm mấu chốt bây giờ là hài hòa lợi ích để các bên cùng có lợi. Đừng để lãng phí tiền của nhân dân trong khi chúng ta đang phải đi mua điện từ nước ngoài. Chúng ta cần đối xử công bằng trong phát triển kinh tế để khuyến khích mọi nguồn lực xã hội vào phát triển nguồn năng lượng phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.