Hàng chục triệu lốp ôtô đã qua sử dụng sẽ được tái chế, trong khi nơi từng biết đến là nghĩa địa lốp xe lớn nhất hành tinh sẽ sớm trở thành một khu dân cư sầm uất.
Sulaibiya, thị trấn thuộc quốc gia vùng vịnh Kuwait, được biết đến như là nghĩa địa lốp xe lớn nhất thế giới.
Cứ đều đặn mỗi năm, giới chức Kuwait lại tiến hành đào vài hố khổng lồ để chứa các lốp xe đã qua sử dụng. Hậu quả là thị trấn nhỏ bé gần vịnh Kuwait đã biến thành một nghĩa địa lốp xe khổng lồ với khoảng 42 triệu lốp ôtô cũ đang “yên nghỉ”.
Thậm chí khu tập trung khổng lồ của những chiếc lốp xe đã qua sử dụng tại Kuwait còn được nhìn thấy dễ dàng từ bên ngoài không gian
Hồi tháng 8/2021, một đám cháy đã bùng phát tại nghĩa địa lốp xe này, với cột khói bốc lên cao đến nỗi có thể quan sát được từ vệ tinh.
Mới đây, chính phủ Kuwait quyết định biến nghĩa địa lốp xe này trở thành khu dân cư có quy mô 25.000 hộ dân.
Tuy nhiên thay vì xử lý lốp xe bằng phương pháp đốt truyền thống, vốn tạo ra đến 2 gallon dầu trên mỗi lốp xe và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, chính phủ quốc gia vùng vịnh quyết định mời một đơn vị chuyên biệt có tên EPSCO Global General Trading để xử lý.
Công ty này sẽ tiến hành phân loại, cắt nhỏ và biến lượng lốp xe phế liệu ở Sulaibiya thành những tấm lót sàn.
Hàng ngày, những chiếc lốp xe tại nghĩa địa Sulaibiya sẽ được vận chuyển đến trung tâm tái chế ở al-Salmi với đội xe tải lên đến 500 chiếc. Được biết, sẽ có khoảng 3 triệu lốp xe được tái chế mỗi năm.
“Nhà máy đang giúp ích cho xã hội bằng cách làm sạch những chiếc lốp xe cũ bị vứt bỏ và biến chúng thành các sản phẩm tiêu dùng”, bà Alaa Hassan, CEO của EPSCO, cho biết.
Các phụ phẩm trong quá trình tái chế này cũng được xuất khẩu sang các nước láng giềng.
EPSCO cho hay họ cũng đang lên kế hoạch mở một nhà máy có thể tiêu hủy lốp xe bằng phương pháp nhiệt phân. Dầu phế phẩm từ quy trình này có thể được sử dụng trong các lò công nghiệp như tại các nhà máy xi măng.