Hổ và báo gấm là hai trong số những loài mèo lớn bí ẩn nhất, và cũng đang bị đe dọa nhất Đông Nam Á. Số lượng của cả hai loài trên khu vực này đều đang giảm mạnh, các quần thể còn lại của chúng rất ít ỏi và bị chia cắt. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà khoa học chỉ biết rất ít về những thông tin cơ bản của chúng – chẳng hạn như thức ăn.
Nhưng giờ đây, một nghiên cứu mới đã phân tích các mẫu phân được thu thập tại một khu bảo tồn ở Bắc Lào và cung cấp thêm những thông tin mới về sở thích ăn uống của chúng. Đúng như dự đoán, lợn rừng là món nổi bật trong thực đơn của cả hổ và báo gấm. Tuy nhiên, theo phát hiện được công bố trên tạp chí Ecology and Evolution, cả hai loài dường như đều đang ưu tiên săn tìm một loài động vật móng guốc giống dê bí ẩn được gọi là sơn dương hơn là các con mồi khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nghiên cứu của họ có thể giúp các nhà bảo tồn có những chính sách hướng tới các con mồi phù hợp để thúc đẩy số lượng loài mèo lớn đang giảm sút trên toàn khu vực.
Giám đốc khoa học bảo tồn tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã, tác giả chính của bài nghiên cứu Akchousanh Rasphone cho biết: “Quản lý và tăng cường quần thể sơn dương cùng với các loài móng guốc khác, có lẽ là điều quan trọng trong việc đảm bảo sự tồn tại của báo gấm và phục hồi quần thể hổ ở một số khu vực Đông Nam Á.”
DNA cung cấp manh mối về loài mèo đã biến mất từ lâu
Từng xuất hiện rộng rãi khắp châu Á, thế nhưng quần thể hổ và báo gấm đã suy giảm nghiêm trọng trong thế kỷ qua do mất môi trường sống, bị giết để phục vụ cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, và do giăng bẫy bừa bãi – nguyên nhân giết chết những chú mèo lớn này cũng như con mồi của chúng.
Mặc dù quần thể hổ đang phục hồi ở các khu vực Nam Á, chúng vẫn đang vắng bóng trong phần lớn môi trường sống trên lục địa Đông Nam Á và đã tuyệt chủng về mặt chức năng tại Campuchia, Lào và Việt Nam. Trong khi đó, đánh giá mới nhất của IUCN về việc bảo tồn báo gấm đã ước tính rằng số lượng và mức độ phân bổ của quần thể này đã giảm hơn 30% chỉ trong vòng ba thế hệ qua.
Hổ ở Lào được xác nhận nhìn thấy lần cuối tại Khu bảo tồn quốc gia Nam Et-Phou Louey, một khu vực hẻo lánh và hiểm trở trải dài gần 6.000 km vuông ở phía bắc Lào. Các cuộc khảo sát thông qua bẫy ảnh của các nhà nghiên cứu Đại học Oxford vào năm 2013 cho thấy ít nhất hai cá thể vẫn còn tồn tại. Nhưng vào năm 2019, các nhà nghiên cứu tuyên bố loài này đã tuyệt chủng tại địa phương do không còn nhìn thấy chúng, cùng với sự gia tăng “theo cấp số nhân” của việc đặt bẫy trái phép trong vườn quốc gia.
Trước khi tuyên bố này được đưa ra, Rasphone và các đồng nghiệp của cô đã lấy được những túi phân động vật trên các con đường mòn xuyên suốt các khu rừng cao ở Nam Et-Phou Louey trong những cuộc khảo sát bẫy ảnh. Trong 4 năm từ 2008 đến 2012, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 361 mẫu phân từ nhiều loài khác nhau.
Phân tích DNA ty thể đã chỉ ra rằng trong lượng phân trên, có những mẫu thuộc về 14 con báo gấm và 21 con hổ. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích DNA sâu hơn để xác định các loài săn mồi từ những sợi lông được tìm thấy trong các mẫu phân, từ đó phân biệt được 7 loài trong mẫu của báo gấm và 8 loài trong mẫu của hổ. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa sự sẵn có của các con mồi khác nhau trong khu vực được bảo vệ để xác định liệu những kẻ săn mồi có ưa thích một số loài nhất định hơn các loài khác hay không.
Một con dê-lừa-linh dương bí ẩn
Trong khi nhiều loài động vật móng guốc, động vật gặm nhấm và động vật ăn thịt được tìm thấy trong các mẫu phân, mô hình của các nhà nghiên cứu cho thấy rằng cả hai loài mèo lớn đều có xu hướng săn sơn dương lục địa.
“Tôi không ngạc nhiên khi hổ săn sơn dương, nhưng tôi ngạc nhiên khi báo gấm, một loài nhỏ hơn nhiều (chỉ khoảng 10-20 kg) lại có thể hạ gục một loài móng guốc lớn hơn nó gấp mấy lần.” Sandro Lovari, giáo sư sinh thái học tại Đại học Siena ở Ý chia sẻ.
Theo Lovari, người đứng đầu Nhóm chuyên gia Caprinae của IUCN, sơn dương thường sống về đêm và trông giống như con lai giữa dê, lừa và linh dương. Sơn dương là loài thoắt ẩn thoắt hiện, do đó cũng là một bài toán nan giải cho các nhà nghiên cứu. Hơn nữa, vẻ ngoài kỳ quặc, thậm chí có thể gọi là “xấu xí” của chúng làm gia tăng khó khăn trong việc thuyết phục các nhà tài trợ hỗ trợ cho công tác nghiên cứu sơn dương.
Do đó, hiện nay không có nhiều thông tin cơ bản về sinh học và hành vi của chúng, dẫn đến lo ngại rằng loài này có thể biến mất khỏi nhiều khu rừng mà không ai nhận ra. Lovari nói rằng bằng cách nêu bật tầm quan trọng của sơn dương với vai trò là con mồi của những loài mèo lớn như hổ và báo gấm, nghiên cứu mới đã nhấn mạnh nhu cầu cần có thêm kiến thức về chúng.
Một loài hổ răng kiếm vẫn đang tồn tại
Phát hiện rằng báo gấm săn các loài động vật lớn như lợn rừng, sơn dương và lợn lửng đi ngược lại với quan niệm rằng loài mèo có kích thước trung bình này thường săn linh trưởng và hươu nhỏ. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của loài linh trưởng hay hươu nhỏ nào trong mẫu phân báo gấm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể do một số yếu tố gây ra. Đầu tiên, báo gấm có hộp sọ và răng giống với loài hổ răng kiếm đã tuyệt chủng. Trong số tất cả các loài mèo, chúng có răng nanh dài nhất và có thể mở hàm rộng nhất so với kích thước cơ thể của chúng. Điều này giúp chúng hạ gục được con mồi lớn hơn nhiều so với bản thân chúng bằng một cú cắn vào gáy chứ không dùng cách cắn vào cổ họng như hầu hết các loài mèo khác.
Thứ hai, macaca – loài linh trưởng với số lượng phong phú nhất ở Nam Et-Phou Louey, sử dụng các cách phòng thủ theo bầy đàn để xua đuổi những kẻ săn mồi trên cây. Đây cũng là chiến thuật được lợn rừng và hươu sambar sử dụng. Điều này có thể giải thích sở thích của mèo lớn đối với sơn dương – loài động vật không có ngà hay sừng lớn và sống đơn độc, phần nào khiến chúng dễ bị nhắm vào hơn và cũng an toàn hơn cho kẻ săn mồi. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng các cuộc khảo sát của họ được thực hiện chủ yếu trong mùa khô, điều này có thể khiến kết quả của họ có sự sai lệch.
Tăng số lượng con mồi, từ đó phục hồi nhiều loài mèo lớn
Trưởng nhóm cảnh quan và phục hồi hổ tại WWF Thomas Gray cho biết phát hiện rằng báo gấm có chế độ ăn phần lớn trên cạn, và phần nhiều là động vật móng guốc chứng tỏ với các nhà bảo tồn rằng việc tập trung vào phục hồi các loài móng guốc là biện pháp quan trọng để phục hồi những loài mèo lớn. Ông nói: “Chúng ta không thể khẳng định [báo gấm] có thể bám trụ ở những khu vực mà số lượng động vật móng guốc đang bị mất đi do việc giăng bẫy.”
Các sáng kiến phục hồi hổ, chẳng hạn như các sáng kiến giữa WWF, chính phủ Thái Lan và Malaysia, thường tìm cách đưa các con mồi của hổ như hươu sambar vào những nơi hổ sinh sống. Theo đó, Grey cho biết, họ cũng có thể được hưởng lợi khi xem xét thêm các loài như sơn dương. Tương tự như vậy, những thông tin mới về các con mồi được yêu thích nhất của các loài mèo lớn sẽ hỗ trợ việc lập kế hoạch sau này nhằm tái đưa hổ trở lại các quốc gia nơi chúng đã bị tuyệt chủng.
Grey nói: “Đang có những kế hoạch, ý tưởng và thảo luận xung quanh việc tái du nhập hổ ở Campuchia… và ở đó có những quần thể sơn dương khá khỏe mạnh. Vì vậy, nếu bây giờ các bằng chứng cho thấy sơn dương là con mồi quan trọng đối với hổ và báo gấm, thì việc lên kế hoạch du nhập hổ sẽ trở nên rất thú vị.”
Nhưng phục hồi quần thể con mồi không phải là ưu tiên duy nhất trong việc bảo tồn các loài mèo lớn. Chúng ta vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hạn chế nạn săn bắt trộm và để loại bỏ hoàn toàn các bẫy thú bằng cách tăng cường lực lượng thực thi pháp luật và tuần tra kiểm lâm để đảm bảo rằng các loài thú móng guốc được du nhập sẽ không bị săn hoặc giết. Grey nói: “Khi những con hổ ở Nam Et-Phou Louey bị mất đi, họ có một phần nhỏ lực lượng kiểm lâm mà họ thực sự cần để giảm bớt mối đe dọa từ bẫy thú và nạn săn bắn.”
Grey cho biết, những chiếc bẫy là nguyên nhân dẫn đến sự cạn kiệt con mồi và cái chết của những con mèo lớn ở lục địa Đông Nam Á. Vấn đề này sớm muộn gì cũng cần phải được giải quyết thông qua việc loại bỏ nhu cầu đối với các loài động vật hoang dã. “Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng ở tầng lớp trung lưu thành thị ở các thành phố Đông Nam Á phải là mục tiêu dài hạn”.
Trúc Mai (Theo Mongabay.com)