Tại một địa điểm khảo cổ ở Trung Quốc, nhóm các nhà nghiên cứu Học viện Khoa học Trung Quốc và một đồng nghiệp Hà Lan đã phát hiện ra ví dụ sớm nhất được biết đến về việc chăm sóc con non ở côn trùng. Đây là loài bọ nước đã tuyệt chủng và tập tính chăm con này được xác định nhờ kết quả nghiên cứu sâu về cấu tạo chân của chúng.
Trước phát hiện này, ví dụ sớm nhất được biết đến về việc chăm sóc con non ở côn trùng là từ các mẫu có niên đại khoảng 122 triệu năm. Những con bọ nước được nhóm nghiên cứu Trung Quốc tìm thấy có niên đại 160 triệu năm và được đặt tên là Karataviella popovi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra chúng khi đang khai quật một mỏ đá tại một địa điểm gần Daohugou ở đông bắc Trung Quốc. Tổng cộng, các nhà khoa học tìm thấy 30 mẫu vật hóa thạch, tất cả đều là con cái và tất cả đều có đặc điểm cấu tạo chân độc đáo. Mỗi mẫu vật sở hữu một “bọc trứng” nằm dọc theo ống chân giữa bên trái, có chức năng chứa trứng cho đến khi trứng nở.
Các nhà nghiên cứu đã phân biệt đầu, bụng và chân của bọ nước cổ đại trong đá. Những quả trứng xếp thành hàng sáu hoặc bảy quả ở chân trái. Sự sắp xếp này cho phép con cái đẻ trứng trực tiếp lên chân sau khi tiết ra dịch nhầy, giúp trứng bám dính lấy cơ thể chúng. Nhóm nghiên cứu cho rằng chân phải không chứa bọc trứng được sử dụng để giữ thăng bằng khi bọ nước di chuyển trên mặt nước. Các nghiên cứu về côn trùng hiện đại cho thấy những quả trứng sẽ chuyển động khi bọ nước di chuyển bằng chân dưới nước, giúp đưa oxy trong nước vào trong trứng.
Những quả trứng có chiều ngang khoảng 12 mm và việc mang các cụm trứng trên một chi chưa từng được nhìn thấy ở côn trùng trước đây, mặc dù điều này thường thấy ở động vật giáp xác. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng bọ nước có một bộ lọc có thể là tiền thân của sự thích nghi trước của cơ chế bẫy được tìm thấy ở những sinh vật sau này như tôm tiên.