Với hơn 164.600ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 95.400ha có rừng, Cà Mau từ lâu đã trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong bản đồ “lá phổi xanh” của cả nước.
Từ những đổi mới trong cơ chế, rừng được “cởi trói”, giá trị kinh tế rừng được phát huy tối đa, cộng thêm khát vọng đổi đời khơi dậy đúng lúc đã giúp Cà Mau thực hiện thắng lợi giấc mơ “rừng vàng”.
Khi đất rừng sinh lợi
“Túi nghèo”, “vùng trũng”… là những từ mà mọi người từng nói về rừng U Minh Hạ (Cà Mau). Tuy nhiên, tất cả khó khăn ấy giờ chỉ còn là ký ức. Có dịp trở lại U Minh Hạ, bên cạnh những câu chuyện liên quan đến công tác phòng, chống cháy rừng thì kinh tế rừng, sự đổi thay diện mạo nông thôn dưới tán rừng cũng là chủ đề được nhắc đến sôi nổi. Tự hào vì đã chinh phục được vùng đất khó, vui mừng khi những khó khăn gặp phải luôn nhận được sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ chính quyền địa phương trong hành trình bám đất, bám rừng để mưu sinh, ông Vũ Văn Đỉnh, Tiểu khu 026, thuộc ấp 13, xã Khánh Thuận, huyện U Minh- người có hơn 30 năm gắn bó với đất rừng phấn khởi cho biết: “Sự vươn lên của hàng trăm hộ dân dưới tán rừng U Minh Hạ là nhờ trồng tràm thâm canh và keo lai đã rút ngắn chu kỳ khai thác, giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cây rừng và cách trồng quảng canh truyền thống, đặc biệt là góp phần bảo vệ rừng. Những quyết sách mới của Nhà nước đã “cởi trói” cho người dân sống dưới tán rừng U Minh Hạ, giúp những hộ dân nơi đây đẩy lùi cái nghèo, vươn lên khá, giàu”.
Sự kỳ diệu trong hành trình vươn lên theo lời kể của người dân vùng U Minh Hạ được thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ giảm nghèo của huyện trong hơn 5 năm qua. Nếu năm 2015, huyện U Minh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 21,69% thì nay giảm chỉ còn 2,84%. Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: “Nhờ xác định ngành hàng gỗ là một trong 4 ngành hàng chủ lực, từ đó rà soát, phân loại rừng, phân chia khu vực, bố trí sản xuất phù hợp từng vùng; đa dạng hóa đối tượng rừng trồng nhằm mở rộng diện tích trồng rừng thâm canh để người dân phát triển kinh tế, giúp địa phương từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Trên nền tảng đã đạt được thời gian qua, U Minh đặt ra mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025, với thu nhập bình quân đầu người 68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) còn dưới 2%”.
Không “đơn điệu” trồng rừng để khai thác gỗ, các huyện: Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Năm Căn… còn đẩy mạnh phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm-rừng. Tham gia sản xuất chuỗi tôm-rừng, người dân được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hưởng lợi từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm tôm được bán giá cao hơn từ 5 đến 10% so với các loại hình nuôi tôm khác. Ông Ðặng Khánh Lâm, Bí thư Chi bộ ấp Bảo Vĩ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết, toàn ấp có 137 hộ thì có tới 80% hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản. Doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng và hỗ trợ về con giống chất lượng cao để thả nuôi. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm-rừng còn có thu nhập thêm từ cua, cá, sò huyết… Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hóa chất, không phát sinh chi phí sản xuất. Người dân Cà Mau hiện nay có biểu tượng “con tôm ôm cây đước” chính là muốn nói con tôm sạch, tôm sinh thái lớn một cách tự nhiên trong rừng đước.
Theo thống kê, hiện tổng diện tích nuôi tôm-rừng trên địa bàn Cà Mau đạt hơn 80.000ha; trong đó, các tổ chức chứng nhận quốc tế đã chứng nhận hơn 19.000ha tôm-rừng theo những tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Khi kinh tế rừng đã phát triển hơn hẳn thì số vụ cháy rừng vào mùa khô cũng giảm xuống rất thấp, đặc biệt cháy lớn gần như không còn xảy ra. Minh chứng rõ nhất là mùa khô 2019-2020, cao điểm có đến 43.000ha diện tích rừng ở mức báo động cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), nhưng chỉ có 6 vụ cháy với diện tích 1,53ha và mức độ thiệt hại không lớn. Riêng mùa khô 2020-2021 được xem là năm thành công lớn khi không xảy ra vụ cháy rừng nào; số vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng năm sau giảm hơn so với năm trước 15-20%.
Ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cho biết, nếu trước đây, người dân nhận khoán đất rừng trên lâm phần U Minh Hạ tìm mọi cách phá rừng để mở rộng diện tích đất sản xuất thì nay họ lại chủ động trồng rừng trên đất được sản xuất kết hợp. Sự thay đổi này chủ yếu do kinh tế rừng những năm gần đây đã dần lấy lại vị trí dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế. “Thực tế hơn 5 năm qua, trên lâm phần của công ty chưa xảy ra vụ cháy nào. Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng giảm 70-80% so với trước”, ông Hiếu thông tin.
Để kinh tế rừng phát triển nhanh và mạnh
Theo nhận định từ các ngành chức năng, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế khu vực rừng theo hướng sản xuất hàng hóa, với chất lượng ngày càng cao và phát triển bền vững hơn. Nói về giải pháp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững kinh tế rừng trong thời gian tới, ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Cà Mau hoàn thiện việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp; xây dựng nhà máy chế biến sâu, đáp ứng vùng nguyên liệu của tỉnh Cà Mau.
“Đối với khu vực rừng ngập mặn gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ (nơi có sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình trồng rừng và nuôi tôm bền vững, theo hướng chứng nhận tôm sinh thái tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích khoảng 38.000ha; nghiên cứu các giải pháp chế biến gỗ đước, chế biến than chất lượng cao. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020”, ông Thức thông tin.
Để kinh tế rừng phát triển nhanh và bền vững, trong Ðề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025” cũng đưa ra mục tiêu trên lĩnh vực lâm nghiệp rất rõ ràng. Mục tiêu trọng tâm mà đề án đặt ra là phát triển trồng rừng thâm canh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và thị trường lâm sản trong và ngoài nước, sản lượng nguyên liệu lâm sản gỗ khai thác đạt hơn 400.000m3 vào năm 2025. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Ban chỉ đạo do ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự án trong lĩnh vực lâm nghiệp; phương án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng…
Kinh tế lâm nghiệp ngày một phát triển, đời sống người dân được cải thiện đi lên không chỉ góp phần đưa diện mạo nông thôn mỗi ngày thêm đổi mới mà ý thức của họ trong công tác bảo vệ rừng cũng ngày một nâng cao. Ðó là thành quả từ hàng loạt chính sách của Ðảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế rừng, sự mạnh dạn trong áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đối với mặt hàng gỗ. Nằm trong danh sách những mặt hàng chủ lực của tỉnh, mặt hàng gỗ nói riêng và kinh tế lâm nghiệp nói chung tiếp tục tạo đột phá trong tương lai gần, tất cả vì mục tiêu đưa đời sống và diện mạo nông thôn trong lâm phần ngày một khởi sắc hơn.