Lê Vân (25 tuổi) chi hơn 3 triệu đồng/tháng cho việc mua sắm. Đa phần trong số đó là các mẫu quần áo theo xu hướng hoặc theo mùa. Đến nay, tủ đồ của cô không còn đủ sức chứa.
Lê Vân (quận 3, TP.HCM) xây dựng trang cá nhân theo phong cách shopaholic (người cuồng mua sắm) với những bộ đồ thời trang thay đổi liên tục. Hàng chục bài đăng gần nhất, cô không mặc trùng nhau.
“Đồ nào đã lên ảnh, tôi hầu như không còn dùng tới”, cô trả lời.
Cô thừa nhận mình là một tín đồ của thời trang, có đam mê mua sắm quần áo, phụ kiện. Để đáp ứng sở thích, cô dành nhiều thời gian tìm hiểu trào lưu ăn mặc của người nổi tiếng, giới trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Sau đó, cô tìm đến các cửa hàng online hoặc sàn thương mại điện tử để đặt mua đồ, quyết không bỏ lỡ những xu hướng đang thịnh hành nhất.
“Đồ trên Shein, Taobao rất rẻ, cỡ nào cũng có. Tôi chỉ cần bỏ ra khoảng 3-4 triệu đồng là dư sức mua về hàng chục chiếc áo, quần jean, túi xách…”, cô tỏ ra tâm đắc.
Truy cập vào ứng dụng mua hàng của cô, ai cũng bất ngờ khi có những chiếc áo rất rẻ, giá chỉ khoảng 80.000 đồng.
Tuy nhiên, những món đồ Lê Vân sử dụng đều chỉ mang tính chất xu hướng, phom dáng méo lệch và chất lượng thấp nên khó có món nào sử dụng được lâu.
“Chúng cũng khá khó phối với sản phẩm khác, chỉ có thể mặc theo bộ như người mẫu trên mạng giới thiệu”, cô nói với Zing, chia sẻ thêm mình đang bối rối bởi không thể kết hợp chiếc áo croptop buộc dây mới mua cùng chiếc quần có sẵn.
Đuổi theo thời trang nhanh
Thời trang nhanh (fast fashion) là thuật ngữ chỉ những trang phục giá rẻ, hợp xu hướng và dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Mặt hàng này thường được sản xuất theo phương pháp gia công hàng loạt nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh và giá thành phải chăng.
Tuy nhiên, cũng chính vì thời trang nhanh rẻ tiền, người mua không có tâm lý bảo quản đúng cách, dễ bỏ đi sau vài lần sử dụng và gây tác động xấu đến môi trường. Dẫu vậy, nhiều người vẫn trung thành với loại trang phục này bởi mong muốn ăn mặc như người mẫu với chi phí chỉ bằng tô phở.
Tương tự Lê Vân, Khánh Thi (22 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng là một người thích mua sắm quần áo giá rẻ tại các cửa hàng nhỏ hoặc sàn thương mại điện tử.
“Tôi thích một chiếc váy giống như thần tượng, song chưa đủ điều kiện tài chính để mua tại hãng thời trang lớn. Nếu chờ đợi, món đồ sẽ nhanh chóng lỗi mốt. Thay vào đó, tôi mua tại những nơi rẻ hơn, phù hợp với túi tiền. Tôi nghĩ đầu tư cho bản thân không có gì là sai”, Khánh Thi nói.
Tuy nhiên, các sản phẩm quần áo, váy đầm của cô thường chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Nguyên nhân bởi đó là đồ theo xu hướng, không hoàn toàn phù hợp với dáng người, cá tính của cô. Sau 1-2 lần mặc, sản phẩm bị cất sâu vào tủ và ít khi nào sử dụng lại.
Đỉnh điểm khi Y2K làm mưa làm gió, Khánh Thi cũng nhanh chóng mua hàng loạt áo croptop, váy ngắn, quần jean được thiết kế theo phong cách này. Nhưng khi nhận hàng, cô thất vọng vì mặc kiểu gì cũng không giống hình ảnh được quảng cáo.
“Vậy nhưng mua thì cũng đã mua rồi, tôi định bụng lúc nào đó cũng sẽ cần đến”, cô tặc lưỡi cho qua chuyện.
Phương Hà (22 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng lắc đầu khi ai đó đề cập đến thời trang nhanh, kể cả các tên tuổi khá nổi tiếng thường xuất hiện trong các trung tâm thương mại.
Trước đây, cô thường mua sắm những sản phẩm như vậy, thậm chí canh đợt giảm giá và luôn ra về với vài túi đồ đầy ắp. Đối với cô, loại quần áo này có giá thành không hề rẻ, nhưng có chất lượng tốt hơn nhiều so với hàng mua từ cửa hàng online bình dân.
Tuy vậy, cô không ít lần thất vọng bởi món đồ nhanh chóng xù vải, phá phom sau 2-3 lần giặt, còn vải jean nhanh chóng bạc màu.
“Về sau, tôi mới biết những thương hiệu đó cũng là thời trang nhanh, sao chép lại mẫu mã từ những nhà mốt tên tuổi. Những món quần áo xuống cấp của họ, tôi bỏ luôn”, cô nói.
Mua, mặc và tìm cách bỏ đi
Khánh Thi nhiều lần bị cha mẹ la mắng khi thấy tủ quần áo của cô chật kín, trong khi những túi quần áo mới được ship đến còn bày la liệt trên giường, chưa kịp bóc.
“Tủ quần áo quá đầy, tôi chọn cách đi ký gửi ở các cửa hàng chuyên nhận đồ sang tay”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, cô cũng không kiếm lại được bao nhiêu từ việc này. Các sản phẩm áo thun, áo kiểu giá mua mới khoảng 250.000 đồng, song ký gửi chỉ thu được 30.000-50.000 đồng/áo. Đồ không thương hiệu, chất vải kém, đường may ẩu khiến nhiều người không hề mặn mà.
“Tại tiệm ký gửi, khi khách hàng tìm đến, đồ xu hướng đã lỗi thời từ lâu nên không còn ai thích thú. Thời gian ký gửi quá lâu, cửa hàng sẽ thông báo cho tôi rằng quần áo sẽ được đem đi quyên góp. Lúc này tôi cũng đành chịu”, cô nói.
Trong khi đó, Lê Vân lại lập cho mình một tài khoản bán lại đồ trên mạng xã hội. Đây là nơi cô tìm chủ mới cho những món đồ mình đã qua sử dụng. Tuy nhiên, việc này cũng chẳng giải quyết được “núi” quần áo đồ sộ chỉ chực rơi ra từ trong tủ của cô.
“Đồ tôi mua giá rẻ nên không biết bán lại giá bao nhiêu cho hợp lý. Mua đồ thanh lý, mọi người cũng thích những sản phẩm có thương hiệu, tên tuổi hơn là hàng Shein, Taobao. Tuy nhiên, tôi chỉ có cách này để tống khứ bớt quần áo ra khỏi nhà”, Vân bày tỏ sự đắn đo.
Càng nhanh, càng nguy hiểm
Theo The Drum, không thể phủ nhận thời trang nhanh vẫn đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu mua sắm của phần lớn người trẻ.
Tuy nhiên, nền công nghiệp giá rẻ này là ngành sản xuất gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới, chỉ sau dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển.
Theo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), năm 2018, 11,3 triệu tấn hàng dệt may được đưa vào các bãi chôn lấp và 3,2 triệu tấn bị đốt, thải ra một lượng lớn khí nhà kính.
Để tối ưu hóa chi phí cho sản phẩm, các thương hiệu may mặc sử dụng các chất liệu như polyester. Đây là vật liệu không bao giờ bị phân hủy hoàn toàn, hiếm khi có thể tái chế và gây hại tới động vật hoang dã.
Không riêng các vấn đề về môi trường, thời trang nhanh cũng đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của hàng triệu công nhân làm việc tại các xưởng may.
Thậm chí, những mặt hàng bị hoàn trả lại sẽ được đưa vào bãi rác vì nó rẻ hơn so với việc tái chế chúng.
Mua sắm rất dễ gây nghiện, đặc biệt là mua sắm quần áo, thời trang. Nó đem đến cảm giác được tiêu xài và thời thượng. Đó chính là 2 yếu tố khiến nhiều người trẻ khó lòng “dứt” khỏi thời trang nhanh.
Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu tác hại của những sản phẩm mặc vài lần này, bạn có thể thực hiện những cách sau:
– Lựa chọn thương hiệu thời trang bền vững.
– Ưu tiên chất lượng thay vì số lượng.
– Quyên góp hoặc bán quần áo đã qua sử dụng.
– Trao đổi quần áo với bạn bè, người thân để làm mới tủ đồ.
– Tái chế quần áo cũ thành các sản phẩm khác.