Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất cùng với các giá trị di sản khác đã trở thành một xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên.
Công viên địa chất là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế – xã hội bền vững; đã phát huy được những ưu thế về các giá trị tự nhiên và xã hội, được UNESCO công nhận và được các quốc gia hưởng ứng, tích cực triển khai.
Công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân thiện với môi trường Việt Nam. Công viên địa chất thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, Hà Giang – tỉnh đầu tiên của Công viên địa chất toàn cầu đã khá thành công trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản địa chất này.
Ngoài ra, công viên địa chất còn là một mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong Công viên địa chất, góp phần làm tăng giá trị của Công viên địa chất hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng…)”.
Nằm ở miền đất địa đầu phía Bắc nước ta, cao nguyên đá Ðồng Văn (tỉnh Hà Giang) và vùng non nước Cao Bằng với núi non trùng điệp trải dài trên diện tích hơn 5.700 km2, chứa đựng những giá trị to lớn về địa chất, địa mạo, văn hóa, đa dạng sinh học, đã được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất, tỉnh Hà Giang đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ba quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn (giai đoạn 2012 đến 2020, tầm nhìn đến 2030); quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Ðồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Công viên địa chất ra đời là hình thức bảo tồn tổng thể các giá trị di sản văn hóa, bảo tồn các giá trị di sản địa chất. Đặc biệt, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tự nhiên mang dáng vẻ hoang sơ và bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng cao, Cao nguyên đá Đồng Văn đã và đang là điểm đến của các du khách trong và ngoài nước. Nơi đây có thể coi là điểm duy nhất của nước ta còn dáng vẻ hoang sơ, nguyên thủy, với đặc điểm địa tầng được phân chia thành 11 hệ tầng và về cố sinh với 17 nhóm hóa thạch… Với tính đa dạng về địa chất, khả năng bảo tồn tốt các đá trầm tích trên Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ mang lại những giá trị thăm quan, nghiên cứu văn hóa của nước ta.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành công viên địa chất Quốc gia thế giới thì phải bắt đầu công việc bằng việc xây dựng phương pháp tiếp cận tổng thể nghiên cứu, bảo tồn đối với vùng cao nguyên đá. Trong đó chú ý kết hợp những di sản thiên nhiên với di sản văn hóa, di sản phi vật thể vốn là lợi thế của Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, văn hóa được bảo tồn, an ninh trật tự được bảo đảm đã đưa Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn, Công viên địa chất non nước Cao Bằng trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng du lịch của Hà Giang đạt 16% đối với khách quốc tế và 17,6% đối với khách trong nước. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Giang vẫn đón hơn 908 nghìn lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch hơn 1.630 tỷ đồng. Du lịch Cao Bằng cũng có sự khởi sắc sau khi tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho non nước Cao Bằng vào năm 2018. Năm 2016, Cao Bằng đón 650 nghìn lượt du khách, năm 2018, lượng du khách đạt 1,2 triệu lượt và năm 2019 cán mốc hơn 1,5 triệu lượt người. Ngoài ba tuyến du lịch đã có, tỉnh đang chuẩn bị khai thác thêm hai tuyến du lịch mới, trong đó có tuyến kết nối hai công viên địa chất toàn cầu ở Cao Bằng và Hà Giang.
Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam còn có Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đã nộp hồ sơ lên UNESCO xin công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (hồ sơ đã qua vòng sơ loại và đang chờ thẩm định). Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng đang có các bước chuẩn bị để thành lập Công viên địa chất Phú Yên làm cơ sở trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, và là một trong số ít 38 Di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Ngoài ra, còn có 2 Di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới gồm: Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và Vịnh Hạ Long. Cả 3 di sản trên đều có các giá trị về địa chất địa mạo.
Ngoài ra, nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam do Bảo tàng Địa chất thực hiện đã thống kê được 335 biểu hiện di sản địa chất, phân bố ở 8 Khu di sản địa chất: Đông Bắc Bộ, Sông Hồng, Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Cao nguyên Nam Trung Bộ, Tây Ninh và Đông Nam Bộ, Ven biển Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Vịnh Thái Lan.