Hầu hết người nuôi không biết thú cưng của mình đến từ đâu. Điều này cho phép hoạt động buôn bán, nhân giống vô nhân đạo tại Trung Quốc phát triển mạnh mà không bị kiểm soát.
Khi quyết định mua một con mèo vào tháng 7, Yuanzi (26 tuổi, không phải tên thật) không dành nhiều thời gian để tìm hiểu mà chỉ đơn giản lên trang thương mại điện tử Taobao lựa chọn.
Sau một hồi xem xét, nữ sinh viên vừa tốt nghiệp chọn được chú mèo Ba Tư từ một trại nuôi mèo hàng đầu ở Thượng Hải nên khá tin tưởng và chi trả 8.500 nhân dân tệ (1.250 USD), theo Sixth Tone.
Tuy nhiên khi con vật được gửi tới vài ngày sau đó, Yuanzi nhanh chóng nhận ra có điều không ổn. Chú mèo có vẻ yếu ớt, bắt đầu nôn mửa và tiêu chảy. Trong vòng 3 ngày, cô phải cho nó nhập viện vì bệnh viêm ruột truyền nhiễm. 5 ngày sau, con mèo không qua khỏi.
Nỗi buồn mất mát nhanh chóng trở thành sự kinh hoàng khi Yuanzi bắt đầu tìm hiểu lý do đằng sau tình trạng của con mèo. Cô phát hiện nhiều đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy tình trạng vô nhân đạo bên trong ngành chăn nuôi thú ở Trung Quốc.
Trong một clip, hàng chục con mèo – gần như đều bị thương – bị dồn vào một căn phòng nhỏ, tồi tàn. Ở clip khác, hình ảnh một con mèo bị cho sinh mổ một cách tàn bạo, tiếng kêu của nó khiến cô ám ảnh nhiều ngày.
Yuanzi không chắc liệu con mèo của mình có trải qua điều kiện nuôi nhốt tương tự hay không. Khi cô liên lạc, trang trại từ chối cung cấp hình ảnh về môi trường sống của các con vật và đề nghị gửi cho một con mèo khác “100% sức khỏe tốt”.
“Linh tính mách bảo tôi rằng con mèo của tôi đến từ một ‘xưởng tạo mèo’ ngụy trang thành trang trại nuôi”, cô chia sẻ.
Nhiều người nuôi thú cưng ở Trung Quốc cũng từng có trải nghiệm tương tự. Các cơ sở chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn ở quốc gia này đang phát triển mạnh, thu lợi nhuận thông qua hoạt động nuôi nhốt trong điều kiện kinh hoàng do thiếu sự giám sát và quản lý.
Thị trường thú cưng ở Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây do mức sống người dân tăng và 3 năm đại dịch dành phần lớn thời gian ở nhà. Số lượng mèo nuôi ở nước này đã vượt 58 triệu con vào năm 2021, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi số lượng chó là 54 triệu con.
Theo nền tảng thông tin kinh doanh IT Juzi, một “con sen” thường chi 6.650 nhân dân tệ (960 USD) mỗi năm cho các sản phẩm dành cho thú cưng, nhiều hơn cả mức chi trung bình của người tiêu dùng Trung Quốc cho thực phẩm, thuốc lá hay rượu.
Nguồn hàng
Su, từng là chủ một “xưởng tạo mèo”, cho biết ông từng có 600 con mèo sinh sản 3-4 lần/năm. Một số con mèo cái dành cả đời trong lồng. Su đã sử dụng thuốc kích thích để tăng năng suất sinh sản cho mèo.
Theo ông, những xưởng như vậy là nguồn hàng cho 80% cửa hàng thú cưng ở Trung Quốc. Theo báo cáo năm 2019 từ công ty nghiên cứu Leadleo, cửa hàng thú cưng cũng là kênh bán lớn nhất của ngành công nghiệp thú cưng Trung Quốc, chiếm hơn 35% tổng doanh thu.
Nhiều cơ sở nhân giống không đảm bảo cũng xuất hiện để cung cấp hàng cho gần 5.000 cửa hàng trên Taobao. Một nhà cung cấp mèo hàng đầu trên nền tảng này, bán hơn 10.000 con mỗi tháng, cho biết có hàng nghìn con mèo trong kho song từ chối cho xem hình ảnh điều kiện nuôi nhốt vì “số lượng quá lớn”.
Nhiều video do những người ủng hộ quyền động vật bí mật ghi lại khi bất ngờ tới thăm các xưởng sản xuất mèo con cho thấy tình trạng tồi tệ, nhiều cá thể ở trạng thái kích động và bị thương.
Đối với Su, việc chăn nuôi thú cưng không khác gì các loại hình kinh doanh khác. Điểm thu hút là nó đem lại tỷ suất lợi nhuận cao: chi phí tạo ra một con mèo thường chỉ là 20-30 nhân dân tệ, trong khi chúng được bán với giá hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn nhân dân tệ.
Cai Chunhong, luật sư chuyên về các trường hợp bảo vệ động vật, cho biết nhiều người chăn nuôi tiêm huyết thanh miễn dịch cho vật nuôi bị bệnh để chúng trông hoạt bát và khỏe mạnh. Su xác nhận điều này và cho hay nhiều chủ trại nuôi thường sử dụng thuốc kháng sinh để mèo sống sót được cho đến khi giao tới cửa hàng thú cưng.
Theo các tổ chức cứu hộ, những người chăn nuôi sẽ vứt bỏ các con vật ngay khi chúng không còn sinh lợi. Tháng 8/2021, nhóm RHR Shanghai tìm thấy 33 con mèo Chartreux bị bỏ lại ở một công trường không còn hoạt động. Tất cả bị bệnh, những con mèo trưởng thành nặng chưa tới 3 kg. Các tình nguyện viên cũng tìm thấy xác 15 con mèo khác, dường như chết vì bị xe hơi đâm hoặc bệnh tật.
Theo RHR Shanghai, những con mèo này có khả năng thuộc sở hữu của một cơ sở nhân giống, bị bỏ rơi sau khi mắc bệnh do chủ sở hữu không muốn tốn tiền điều trị.
Số lượng mèo lớn bị các trại nhân giống vứt bỏ còn tạo ra một vấn đề khác: lượng mèo hoang tăng vọt. Theo The Paper, số mèo hoang ở Trung Quốc tăng trung bình khoảng 40 triệu con/năm.
Kiểm soát chưa hiệu quả
Hiện chưa có nhiều hoạt động kiểm soát, quản lý các xưởng tạo mèo ở Trung Quốc. Theo luật sư Cai, do không có hướng dẫn của ngành, điều kiện bên trong các cơ sở chăn nuôi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lương tâm của các chủ doanh nghiệp.
Trong nhiều năm, các nhóm bảo vệ quyền động vật đã vận động chính phủ Trung Quốc đưa ra các quy định pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ vật nuôi song tiến độ diễn ra rất chậm. Các quy định về phúc lợi động vật hiện tại chỉ áp dụng cho động vật thí nghiệm, trong khi lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã được ban hành trong thời kỳ đại dịch không bao gồm thú nuôi trong nhà.
Các nhóm bảo vệ động vật cũng đang cố gắng nâng cao nhận thức của cộng đồng về các điều kiện bên trong ngành chăn nuôi, hy vọng thuyết phục chủ vật nuôi không mua từ các cửa hàng hợp tác với xưởng tạo thú cưng.
Tuy nhiên, các nhóm thừa nhận tình hình không quá lạc quan khi ngành chăn nuôi ở Trung Quốc quá lớn và nhận thức của cộng đồng về hoạt động nhân giống vô nhân đạo còn thấp.
Bên cạnh đó, rất khó để các chủ trại nhân giống thay đổi hình thức hoạt động trừ khi bị buộc phải làm như vậy. Su nói ông không hiểu tại sao việc nhân giống thú cưng như ông lại gây ra sự tức giận như vậy.
“Lợn, gà, vịt, ngỗng… cũng đều được chăn nuôi rồi đem bán. Tại sao chúng ta phải đối xử khác với chó và mèo?”, ông nói.
Sau trải nghiệm của mình, Yuanzi đã tham gia một nhóm dành cho những người nuôi mèo trên ứng dụng WeChat. Nhiều thành viên cho biết họ cũng gặp phải vấn đề tương tự cô: thú cưng bị ốm ngay sau khi được nhận nuôi. Một số mèo con may mắn hồi phục, một số được trả lại cho trại nuôi, số khác đã chết.
Yuanzi quyết tâm sẽ không phạm sai lầm tương tự. Vài ngày trước, cô nhận nuôi một con mèo hoang nhặt được trên đường gần nhà. Cô tin rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo cô không tiếp tay cho hoạt động nhân giống vô nhân đạo.
“Ở đâu có người mua thì ở đó còn người bán, và cả những bi kịch”, cô bày tỏ.