Rừng Cù Lao Chàm đang bị phân mảnh, chia cắt do các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến tính liên kết hệ sinh thái từ rừng xuống biển, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, môi trường sống của các loài động vật hoang dã trên đảo; trong khi đó, việc quản lý vẫn còn bất cập. Thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được đánh giá là giải pháp hợp lý nhằm quản lý “chính danh”, chuyên nghiệp hơn; tạo điều kiện để rừng Cù Lao Chàm được nghiên cứu sâu hơn.
Hiện TP.Hội An đã xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, đang trình UBND tỉnh phê duyệt.
Rừng đặc dụng do xã quản lý
Theo UBND TP.Hội An, Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được ban hành vào năm 2005, với tổng diện tích 23.500ha, bao gồm 7 đảo và vùng biển mặt nước xung quanh. Mặc dù diện tích khu bảo tồn biển bao gồm cả phần diện tích trên đảo, tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý khu bảo tồn biển chỉ tập trung phần tài nguyên biển, chưa bao gồm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, nghiên cứu bảo tồn rừng Cù Lao Chàm.
Trong khi đó, rừng Cù Lao Chàm đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là rừng đặc dụng, được phân hạng là khu bảo vệ cảnh quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định thành lập khu rừng đặc dụng Cù Lao Chàm.
Rừng Cù Lao Chàm đang được UBND xã quản lý, bảo vệ nên đất rừng chưa được xác lập cụ thể. Các hoạt động nghiên cứu, phát triển rừng chưa được đầu tư. Quyền lợi của chủ rừng gần như chưa được quan tâm, cơ hội tiếp cận các dự án nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị, hệ thống cơ sở hạ tầng hầu như không có.
Đất rừng Cù Lao Chàm đang tồn tại song song các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đất rừng và quy hoạch đất quốc phòng, trong đó có 256ha đất quốc phòng/1.642,8ha đất tự nhiên trên đảo (theo quy hoạch sử dụng đất).
Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, đến nay rừng đặc dụng Cù Lao Chàm vẫn chưa có chủ thể quản lý chính thức, chưa xác định rõ ranh giới giữa các chủ thể giao quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ an ninh – quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt trong những năm gần đây, sự bất cập nêu trên đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái trên đảo, có nguy cơ phá vỡ liên kết sinh thái rừng – biển, làm suy giảm đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm. Vì vậy việc xây dựng, thành lập khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Cù Lao Chàm là rất cần thiết và cấp bách.
Tăng cường năng lực quản lý
Theo đề xuất của UBND TP.Hội An, khu BTTN Cù Lao Chàm nằm trên địa phận hành chính xã Tân Hiệp, với tổng diện tích 23.500ha, bao gồm toàn bộ hệ thống 7 đảo (Hòn Lao, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Tai, Hòn Mồ, Hòn Khô, Hòn Cụ) và phần mặt biển bao xung quanh; trong đó phần biển có tổng diện tích 21.857,2ha, phần đảo là 1.642,8ha.
Khu BTTN Cù Lao Chàm được thành lập bao gồm cả phần rừng và biển, trong đó phân định rõ về ranh giới trên đất liền, dưới biển, ranh giới phân khu chức năng làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn. Xác định và phân vùng bảo tồn theo hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng, biển; ranh giới phân khu chức năng được thể hiện rõ trên bản đồ và thực địa, đặc biệt là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế quản lý như quy chế quản lý khu bảo tồn; phương án quản lý rừng bền vững; đề án phát triển du lịch sinh thái; phương án quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quy chế phối hợp với các bên liên quan trong khu bảo tồn…
Mục tiêu của khu BTTN Cù Lao Chàm đến năm 2025 là bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng tự nhiên thường xanh trên đảo, triển khai các hoạt động nghiên cứu và khoanh nuôi tái sinh, nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng trên toàn bộ khu phục hồi sinh thái. Đặc biệt, phục hồi sinh cảnh rừng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng; cải tạo, trồng cây bản địa cảnh quan tại một số khu vực đất trống có tiềm năng.
Nghiên cứu, hoàn thiện dữ liệu cơ sở đa dạng sinh học rừng và biển. Phát triển sinh kế cộng đồng bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và hướng tới việc đồng quản lý tài nguyên. Ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, tạo thu nhập thay thế cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công tác phân vùng bảo tồn. Xây dựng các mô hình sinh kế nhằm phát triển cân đối kinh tế các ngành nghề nông, lâm ngư nghiệp và dịch vụ.
“Để quản lý rừng một cách chính danh thì chúng tôi đề xuất Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm làm chủ rừng khi thành lập khu BTTN Cù Lao Chàm. Trước đây thì đơn vị này chủ yếu quản lý dưới biển, bây giờ thì giao luôn cả phần rừng trên đảo, như vậy mới thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân trên đảo.
Đặc biệt, khi quản lý theo mô hình khu BTTN thì đội ngũ quản lý rừng sẽ chuyên nghiệp hơn, chuyên dụng hơn, không những bảo vệ rừng tốt hơn mà còn triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát huy giá trị của rừng Cù Lao Chàm” – ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Theo dự án thành lập khu BTTN Cù Lao Chàm, khu bảo tồn này được chia thành các phân khu chức năng.
Cụ thể, phần trên cạn gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (hơn 376,4ha), tính từ đường đồng mức 200m lên đến đỉnh Hòn Biển, bao gồm toàn bộ diện tích rừng tự nhiên thường xanh; phân khu phục hồi sinh thái (hơn 1.139,2ha), gồm toàn bộ diện tích đất có rừng (bao gồm cả diện tích 256ha được quy hoạch là đất quốc phòng); phân khu dịch vụ hành chính (hơn 6,4ha); vùng đệm trong (hơn 120,7ha, bao gồm toàn bộ diện tích hành chính, đất ở khu vực Bãi Làng, Bãi Ông, Bãi Hương và khu vực đất của Công ty CP Thương mại dịch vụ Cù Lao Chàm). Phần mặt nước, kế thừa nguyên hiện trạng các phân khu và các chức năng theo Quyết định 09 ngày 17.7.2020 của UBND tỉnh về quy chế quản lý khu bảo tồn biển; trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (205ha), phân khu phục hồi sinh thái (192ha)… |