Chi phí, chính sách hay quyết tâm mới là rào cản chính cho các mục tiêu xanh của Việt Nam?
Phát thải carbon đang là nguyên nhân chính dẫn đến các thảm họa môi trường gần đây. Vì thế, mục tiêu trung hòa carbon đang là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại ở thời điểm hiện tại. Chỉ trong 300 năm từ cách mạng công nghiệp đến nay, mật độ CO2 trong khí quyển đã tăng gấp 1,6 lần, nhiệt độ trung bình trên Trái đất tăng 1,1oC và hiện tượng ấm lên toàn cầu đã và đang gây nên những tác động xấu đến khí quyển, đại dương, băng quyển và sinh quyển trên diện rộng.
Hậu quả nhãn tiền là một loạt hiện tượng thời tiết diễn ra ngày càng thường xuyên và trầm trọng trong những năm gần đây, làm biến đổi hệ sinh thái và đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật. Đối với con người, biến đổi khí hậu làm gián đoạn quá trình sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng. Nếu con người vẫn theo đuổi các mục tiêu phát triển hiện tại mà không có kế hoạch giảm phát thải, nhiều vấn đề nghiêm trọng khác sẽ nảy sinh, bao gồm mất an ninh lương thực, giảm thu nhập, tăng nguy cơ sụp đổ xã hội và bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập.
Tư duy phát triển ưu tiên tăng trưởng trước, sau đó mới “dọn dẹp” các hệ quả môi trường do tăng trưởng gây ra là suy nghĩ sai lầm và nguy hiểm, bởi đến một mức độ nào đó, các hệ quả môi trường sẽ trở nên trầm trọng đến mức không thể sửa chữa được, hoặc chỉ có thể sửa chữa với mức chi phí cực kỳ lớn. Vì vậy, cần định hướng tăng trưởng xanh ngay từ bây giờ để giảm nhẹ và phòng tránh các hệ quả tương lai.
Thực tế, các giải pháp công nghệ đã có sẵn, một số thậm chí đã trở nên rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch, nhất là đối với những nước có nguồn nắng và gió dư dả. Bên cạnh đó, các công cụ chính sách cũng đã được phát triển đa dạng, từ quy định, công cụ kinh tế cho đến sử dụng thông tin, giáo dục và tự quản trị. Mỗi quốc gia sẽ có cách sử dụng các công cụ khác nhau, nhưng tựu trung lại, tất cả công cụ đều cần được thiết kế và phối hợp phù hợp với hoàn cảnh sở tại mà vẫn mang đến hiệu quả hành vi cao nhất.
Một số nhóm lợi ích và chính trị gia cho rằng, chuyển đổi xanh đòi hỏi chi phí lớn, gây tổn hại đến GDP của nền kinh tế. Một số người cũng tin rằng việc hạn chế sử dụng tài nguyên có sẵn sẽ làm chậm tăng trưởng, bắt nguồn từ suy nghĩ sâu xa rằng phát triển kinh tế phải dựa trên một nguồn nguyên liệu giá rẻ và có sẵn.
Trên thực tế, một số nguồn năng lượng thay thế đã rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch, nhất là ở những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Trong 37 năm qua, giá năng lượng xanh đã giảm 24% khi tổng sản lượng tích lũy tăng gấp đôi, cho thấy trình độ sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng này đã tăng vượt bậc. Bên cạnh đó, các cải tiến trong công nghệ pin đã giúp việc dự trữ năng lượng xanh hiệu quả khi điều kiện thời tiết không thuận lợi cho sản xuất điện mặt trời hoặc điện gió.
Các tiến bộ công nghệ chứng minh rằng chi phí giảm phát thải ngày càng thấp hơn trước, vì vậy mục tiêu trung hòa carbon không tốn kém như lầm tưởng. Thậm chí, chi phí này có thể được nhìn nhận như một khoản đầu tư vào tăng trưởng kinh tế, bởi tiến trình chuyển đổi sẽ tạo ra việc làm mới cho những lao động mất việc ở những ngành năng lượng truyền thống. Việc ứng dụng năng lượng mới cũng nên được xem là một phần của tiến bộ kỹ thuật, chứ không phải một sự đứt gãy những quy trình cũ.
Cải thiện môi trường và giảm thiểu thiên tai cũng làm lợi cho các nhóm thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, tăng sức khỏe của cộng đồng nói chung. Trong hạn dài, trung hòa carbon và chuyển đổi sang năng lượng phi carbon mang lại nhiều lợi ích vượt xa khoản chi phí ban đầu. Vậy nếu chi phí đầu tư cho trung hòa carbon là thỏa đáng, với các giải pháp công nghệ và chính sách đã có sẵn, đâu mới là rào cản thực sự?
Vì vậy, quyết tâm mới thực sự là rào cản đến mục tiêu trung hòa carbon. Với chính phủ, lầm tưởng về chi phí khiến các nhà hoạch định chính sách e dè với kế hoạch chuyển đổi. Với nhà sản xuất, đó là việc thay đổi nhiều quy trình vận hành trong tổ chức. Với người dân, cần thay đổi nhiều thói quen tiện lợi trong hôm nay nhưng cũng gây hại cho mai sau.
Việc giảm thiểu khí thải carbon trước mắt có những điểm hạn chế như GDP giảm, tăng chi phí đầu tư cho việc giảm khí thải carbon… Tuy nhiên, về lâu dài lại đem đến nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế từ việc phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo. Để tiến tới lộ trình trung hòa carbon cần có sự tham gia từ chính phủ các quốc gia bằng những chính sách thúc đẩy phát triển bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu, từ đó giảm thiểu được chi phí tiềm ẩn.
(*): Tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Kinh tế Môi trường và Tài nguyên châu Á lần thứ 11 được tổ chức tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH), Giáo sư Paul Ekins đã có bài chia sẻ về các thách thức đối với mục tiêu trung hoà carbon của các nước châu Á.