Đa số kiểm lâm địa bàn phải phụ trách quản lý diện tích rừng rộng, cá biệt có kiểm lâm quản lý địa bàn rộng hơn 10.000 ha rừng.
Ngày 29.8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết vừa có báo cáo gửi Tổng Cục kiểm lâm về tình hình kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc trên địa bàn.
Kiểm lâm lương thấp, áp lực cao
Tính đến hết năm 2021, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Lâm Đồng là 978.120ha trong đó, tổng diện tích có rừng là 539.403ha, gồm 455.320ha rừng tự nhiên và 84.082,70ha rừng trồng…
Mặc dù có diện tích rừng lớn nhưng rừng ở Lâm Đồng phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong thực tế, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp thường xảy ra ở những địa bàn đặc thù rừng núi, vùng sâu, vùng xa… nên không kịp thời phát hiện hoặc không bắt được quả tang người vi phạm.
Đặc biệt hiện nay, nhu cầu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng và có giá trị cao, dẫn đến tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, tại 12 hạt kiểm lâm, phần lớn công chức kiểm lâm vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại văn phòng vừa kiêm nhiệm quản lý địa bàn.
Đa số kiểm lâm địa bàn phải phụ trách quản lý diện tích rừng rộng, cá biệt có kiểm lâm quản lý địa bàn rộng hơn 10.000ha rừng như khu vực rừng xã Lộc Bắc, Lộc Bảo huyện Bảo Lâm.
Báo động tình trạng nghỉ việc
Trước thực trạng khó khăn này, Lâm Đồng đã tổ chức thi tuyển công chức trong đó có công chức Kiểm lâm tuy nhiên, đến nay một số đơn vị, ban quản lý rừng vẫn chưa tuyển được đủ số công chức theo chỉ tiêu được phân bổ.
Một khó khăn đối với lực lượng kiểm lâm nữa là chế độ đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng nhà nước như tiền lương, chế độ thâm niên nghề, ưu đãi, thu hút… khi đi làm nhiệm vụ còn thấp và nhiều bất cập…
Thực tế này khiến không ít cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng ở Lâm Đồng đã gửi đơn xin về hưu trước tuổi, chuyển công tác, nghỉ thôi việc.
Từ năm 2020 đến nay, trong các đơn vị chủ rừng đã có 25 viên chức, người lao động xin nghỉ hưu trước tuổi; 33 viên chức, người lao động xin chuyển công tác; 100 viên chức, người lao động xin thôi việc do áp lực công việc.
Trước thực trạng nói trên, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cấp thẩm quyền hàng năm không cắt giảm biên chế trong lực lượng kiểm lâm; thực hiện việc tiếp nhận viên chức vào làm công chức từ đó giúp Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Bi Duop – Núi Bà đảm bảo đủ số lượng công chức theo chỉ tiêu được giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại Chi cục Kiểm lâm.
Ngoài ra, các bộ, ngành trung ương sớm thực hiện chi trả tiền lương theo đề án vị trí việc làm hoặc có chế độ ưu tiên về tiền lương dựa theo đặc thù ngành nghề, điều kiện làm việc để cải thiện thu nhập, đời sống cho công chức, viên chức nói chung và cho lực lượng kiểm lâm nói riêng…