Các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang kêu gọi đổi tên dịch đậu mùa khỉ. Họ cho rằng tên này gây hiểu nhầm, kỳ thị.
Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng khỉ không lây bệnh cho người. Tuy nhiên, theo các quan chức Brazil, nỗi sợ vô căn cứ về việc khỉ truyền virus cho người dẫn đến tình trạng bạo lực bùng phát đối với loài khỉ Marmoset và khỉ Capuchin, khiến ít nhất 7 con khỉ chết.
Vụ ném đá và đầu độc loài linh trưởng hoang dã ở Brazil là ví dụ cho ảnh hưởng tiêu cực từ việc đặt tên căn bệnh không phù hợp.
Cũng như cúm Tây Ban Nha năm 1918 không hề bắt nguồn từ bán đảo Iberia, sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ không liên quan nhiều đến khỉ. Các nhà khoa học nói rằng động vật gặm nhấm mới có khả năng chứa loại virus này.
Nhưng năm 1958, khi các nhà khoa học Đan Mạch lần đầu tiên xác định được virus trong một đàn khỉ ở phòng thí nghiệm, họ quyết định đặt tên căn bệnh là đậu mùa khỉ.
Nỗ lực kêu gọi đổi tên căn bệnh
Trong 3 tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được báo cáo ở châu Âu và Mỹ, chuyên gia y tế cộng đồng đã thúc giục Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tên mới nhằm xóa bỏ mọi sự nhầm lẫn cũng như giảm bớt sự kỳ thị đối với căn bệnh đã và đang lây lan phần lớn ở những người nam có quan hệ tình dục đồng giới.
Tulio de Oliveira, nhà nghiên cứu sinh học tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết: “Tên gọi rất quan trọng và độ chính xác về mặt khoa học cũng vậy, đặc biệt đối với mầm bệnh và dịch bệnh mà chúng ta đang cố gắng kiểm soát”.
Vào tháng 6, Tiến sĩ de Oliveira và hơn 24 nhà khoa học khác từ khắp châu Phi đưa ra thư ngỏ kêu gọi tổ chức nhanh chóng tiến hành đổi tên bệnh đậu mùa khỉ. Họ cảnh báo việc không đổi tên sẽ kìm hãm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Bức thư cũng lên án phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch về đợt bùng phát. Một số tổ chức phương Tây sử dụng ảnh của người châu Phi bị tổn thương để minh họa căn bệnh mà gần như chỉ ảnh hưởng đến đàn ông da trắng.
Nhiều bài báo mô tả virus đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu của châu Phi. Trên thực tế, trước khi bùng phát dịch toàn cầu, việc lây truyền từ người sang người ở châu Phi không phổ biến. Hầu hết trường hợp lây nhiễm xảy ra tại nông thôn, ở những người tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã.
Các tác giả viết: “Trong bối cảnh bùng phát dịch toàn cầu hiện nay, việc tiếp tục nhắc đến loại virus này là của châu Phi không chỉ không chính xác mà còn mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử”.
WHO đã thừa nhận sai sót của vấn đề. Vào tháng 6, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức sẽ làm việc với chuyên gia để tìm ra tên mới. Tuần trước, WHO công khai kêu gọi mọi người đề xuất tên thay thế.
Nhưng nhiều chuyên gia trở nên mất kiên nhẫn, nói rằng quá trình rất chậm chạp trước sự phát triển nhanh chóng của căn bệnh này. Theo WHO, hiện bệnh đậu mùa khỉ lan tới 92 quốc gia.
Trong cuộc họp báo tuần trước, các quan chức cho biết số ca mắc bệnh tăng 20% với 35.000 ca. Phần lớn các ca nhiễm tập trung ở châu Mỹ.
Nhiều nhà khoa học đã tự giải quyết vấn đề và bắt đầu sử dụng từ viết tắt như “hMPXV” và “MPV” khi viết hoặc nói về căn bệnh này. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia do WHO triệu tập đã đồng ý đổi tên 2 biến thể của virus đậu mùa khỉ. Họ thay thế tên gọi liên quan đến địa lý (khu vực lưu vực Congo và khu vực Tây Phi) bằng chữ số La Mã (khu vực I và khu vực II).
Hậu quả của cái tên không phù hợp
Tên gọi bệnh đậu mùa khỉ không chỉ gây nhầm lẫn. Nhiều chuyên gia nói từ này làm dấy lên định kiến phân biệt chủng tộc, cổ vũ lời xúc phạm về châu Phi như một lục địa đầy hiểm họa, dịch bệnh và xúi giục cho sự kỳ thị đối với căn bệnh. Những điều này có thể khiến bệnh nhân không dám tìm kiếm hỗ trợ y tế.
Tiến sĩ Ifeanyi Nsofor, chuyên gia y tế công cộng ở Nigeria, Phó chủ tịch cấp cao đại diện cho châu Phi ở Tổ chức Nghiên cứu và Giáo dục Sức khỏe Con người, cho biết động thái của bệnh đậu mùa khỉ gợi nhớ đến những ngày đầu cuộc khủng hoảng AIDS, khi châu Phi bị liên đới một cách bất công trong việc lây lan dịch bệnh toàn cầu.
Điều này khiến nhiều người giấu bệnh và không tìm kiếm trợ giúp y tế. Ông chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ những người đã chết một cách oan uổng”.
Sự thật, phần lớn người lây nhiễm gần đây là nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Điều này làm tăng nỗi sợ hãi và xấu hổ, đặc biệt là ở các quốc gia mà đồng tính luyến ái vẫn là điều cấm kỵ hoặc bất hợp pháp.
Sự kỳ thị với căn bệnh có thể gây ra hậu quả kinh khủng khác. Khi các chính phủ lo lắng về ảnh hưởng của dịch bệnh đến du lịch hoặc đầu tư nước ngoài, họ có thể che giấu sự bùng phát dịch trong nước. Sinh viên châu Phi sống ở nước ngoài sẽ bị xa lánh hoặc chế giễu.
Việc đặt tên cho các căn bệnh đã gây tranh cãi từ lâu và không chỉ ở châu Phi. Những tháng đầu tiên sau khi Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc, căn bệnh này đã bị gán cái tên “virus Vũ Hán”. Sau đó, bạo lực đối với người châu Á gia tăng ở Mỹ và các quốc gia khác. Cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần gọi căn bệnh này là “virus Trung Quốc”, dù trước đó WHO đã đặt cho căn bệnh này cái tên rất bình thường.
Quy trình đặt tên virus được thành lập vào năm 2015, nhằm mục đích “giảm thiểu tác động tiêu cực không cần thiết của tên bệnh đối với thương mại, du lịch hoặc phúc lợi động vật và tránh gây xúc phạm cho bất kỳ nhóm văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, nghề nghiệp hoặc dân tộc nào” (WHO).
Elliot J. Lefkowitz, giáo sư Vi sinh vật học và Sinh học di truyền tại Đại học Alabama ở Birmingham, Thư ký dữ liệu của tổ chức, cho biết có thể sẽ mất một năm trước khi các thành viên xem xét tên mới cho các phân loại của virus đậu mùa khỉ.
Ông nói: “Bất kỳ tên loài mới nào cũng sẽ chứa các yếu tố của tên hiện có để duy trì mối liên hệ với quá khứ. Tôi không biết bất kỳ tên virus nào đã thực sự thay đổi sau khi được sử dụng trong nhiều năm”.
Đối với TS Perry N. Halkitis, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, Hiệu trưởng của trường Y tế Công cộng Rutgers, cuộc tranh luận xung quanh cái tên bệnh đậu mùa khỉ khơi dậy ký ức đau buồn về loại virus khác lây lan từ nước ngoài vào Mỹ.
Vào mùa hè năm 1981, virus HIV lần đầu tiên xuất hiện qua vết u màu tím trên cơ thể của những người đồng tính nam. Các nhà nghiên cứu gọi căn bệnh này là GRID, hoặc bệnh thiếu hụt miễn dịch liên quan đến người đồng tính nam.
Dù cái tên này chưa bao giờ được công nhận chính thức, nó đã thu hút sự chú ý. Những năm sau đó, hàng nghìn người đồng tính nam thiệt mạng, nhiều người chết trong cô độc sau khi bị gia đình xa lánh.
Tiến sĩ Halkitis, người đã mất nhiều bạn bè trong những năm đầu của đại dịch AIDS, chia sẻ: “Lời nói chứa sức nặng, lời nói mang giá trị. Vấn đề của những thuật ngữ là chúng khiến nhiều điều khác bị gán ghép tội lỗi. Khi chúng ta gán tội, chúng ta sẽ tạo ra sự kỳ thị. Điều này tạo nên sự thù ghét và hủy hoại hạnh phúc của con người”.