Đợt nắng nóng kỷ lục đang gây ra tình trạng khô hạn diện rộng ở Trung Quốc, gây tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống cũng như hoạt động sản xuất của quốc gia tỷ dân này.
Hãng tin AFP ngày 25-8 cho biết, hạn hán nghiêm trọng do nắng nóng đã lan ra gần một nửa diện tích Trung Quốc, bao gồm cả cao nguyên Tây Tạng vốn thường xuyên lạnh giá. Thậm chí nhiệt độ cao được dự báo còn tiếp diễn đối với hàng trăm triệu người dân. Gần đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phải hứng chịu các đợt nắng nóng, lũ quét và hạn hán. Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết này sẽ diễn ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn do biến đổi khí hậu.
Căn cứ vào biểu đồ do Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc (NCC) công bố ngày 24-8, miền Nam nước này chứng kiến quãng thời gian ghi nhận nhiệt độ cao liên tục dài nhất, kể từ khi các cơ quan chức năng bắt đầu theo dõi (thập niên 1960). Nhiều địa phương đang trải qua các điều kiện hạn hán nghiêm trọng và bất thường. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Dương Tử, hay còn gọi là sông Trường Giang, trải dài từ duyên hải thành phố Thượng Hải đến tỉnh Tứ Xuyên ở phía Tây Nam. Đơn cử, mức nhiệt 43,9 độ C được ghi nhận vào chiều 24-8 là kỷ lục mới tại Tứ Xuyên. Ngoài ra, NCC dự báo thời tiết trên 40 độ C vẫn duy trì trong vài ngày tới tại thành phố Trùng Khánh cũng như các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây và Chiết Giang. Dựa trên cường độ, phạm vi và thời gian, đợt nắng nóng này có thể coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử toàn cầu.
Cùng lúc, hạn hán và nắng nóng còn gây ra nhiều đám cháy rừng tại các khu vực miền núi của Trung Quốc. Những ngày qua, hàng nghìn nhân viên cứu hộ gồm lính cứu hỏa, các lực lượng vũ trang và đội cứu hộ chuyên nghiệp cũng như nhiều máy bay trực thăng đã được huy động để dập tắt các đám cháy.
Đáng lưu ý, mực nước trên các sông và hệ thống hồ chứa tại Trung Quốc đang giảm đáng kể. Đặc biệt, nước này vừa cảnh báo tình trạng khô hạn dọc sông Dương Tử có thể kéo dài đến tháng 9 năm nay. Mực nước cạn kiệt tại sông Dương Tử còn tác động đến việc phát điện tại nhiều nhà máy thủy điện quan trọng. Theo Bloomberg, sản lượng điện từ đập Tam Hiệp-đập thủy điện lớn nhất thế giới-nằm trên sông Dương Tử đã giảm khoảng 40% so với năm ngoái. Đã vậy, đập Tam Hiệp còn phải tăng xả nước xuống hạ lưu để cứu cây trồng sắp đến giai đoạn thu hoạch. Tứ Xuyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi tỉnh này phụ thuộc tới 80% vào thủy điện. Một số nơi buộc phải cắt điện luân phiên, tắt bớt đèn, thang cuốn và giảm bớt sử dụng điều hòa nhiệt độ. Nhiều công ty và nhà máy sản xuất phải đóng cửa.
Nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân canh tác, Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 24-8 đã công bố trợ cấp 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,45 tỷ USD). Trước đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết hạn hán đang đe dọa nghiêm trọng vụ thu hoạch mùa thu năm nay và chính quyền các địa phương đã được chỉ thị làm mọi việc có thể để tăng nguồn cung nước và bảo vệ vụ mùa. Bộ này cũng thông báo sẽ triển khai phương án tăng lượng mưa bằng cách gieo mây tạo mưa, triển khai phun hóa chất giữ nước trên đồng ruộng để hạn chế bốc hơi. Theo AFP, Trung Quốc sản xuất hơn 95% gạo, lúa mì và ngô cho nhu cầu tiêu thụ, nhưng nếu vụ mùa kém sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gia tăng, qua đó tăng áp lực thêm cho nguồn cung toàn cầu vốn đang gián đoạn bởi cuộc xung đột ở Ukraine.
Tình trạng hạn hán kéo dài như thời gian qua có nguy cơ làm tăng thêm những thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt sau khi cùng lúc bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19 và sự sụp đổ của ngành bất động sản.