Việc hồi sinh các loài giống hổ Tasmania như mới được công bố gần đây khiến nhiều người lo âu.
Khi Hank Greely, một giáo sư luật tại Đại học Stanford, bước lên sân khấu tại hội nghị Hồi sinh loài TEDx năm 2013 ở Thủ đô Washington, Mỹ, ông đã đặt ra một câu hỏi đơn giản.
“Hồi sinh loài”, ông bắt đầu. “Sự ngạo mạn? Hay hy vọng?” Câu trả lời, ông bật ra cùng một tràng cười sảng khoái, là “Cả hai”.
Bài nói chuyện của Greely, mà bạn có thể xem trên YouTube, được nhắc lại khi công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Colossal của Mỹ thông báo vào ngày 16 tháng 8 rằng họ sẽ tài trợ cho một dự án nghiên cứu cực kỳ tham vọng nhằm hồi sinh loài thylacine hay còn gọi là hổ Tasmania.
Loài thú có túi giống chó, nguồn gốc từ Úc, đã bị săn đuổi đến mức tuyệt chủng vào đầu những năm 1900. Một số nhà khoa học tin rằng đến ngày nay, chúng ta đã có các công cụ kỹ thuật di truyền và sức mạnh xử lý tin sinh học để đưa nó – hoặc một cái gì đó tương tự – trở về từ cõi chết.
Gần một thập kỷ sau bài nói chuyện của Greely, ý tưởng về sự hồi sinh loài vẫn còn gây tranh cãi và tranh luận sôi nổi. Thời điểm này, ở bối cảnh hiện tại, thông báo về sự hồi sinh hổ Tasmania có lẽ còn gây tranh cãi hơn vì các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và khủng hoảng đa dạng sinh học đang còn tồi tệ hơn 10 năm trước.
Khoa học có thực sự hồi sinh loài được không?
Về ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thì có vẻ như có sự chia rẽ 50-50. Có những người tin rằng đó là một mục tiêu theo đuổi xứng đáng, một mục tiêu sẽ dẫn đến các công nghệ bảo tồn mới và nâng cao nhận thức của chúng ta về các loài còn sống để chúng ta có thể bảo vệ chúng tốt hơn.
Rồi lại có những người tin rằng hồi sinh loài chỉ đơn giản là một màn trình diễn; một mánh lới quảng cáo phi đạo đức, sai lầm. Một số người khẳng định các nhà khoa học liên quan đang làm tất cả vì “sự chú ý của giới truyền thông” và mô tả công việc này là bất khả thi về mặt kỹ thuật. Họ nói rằng tuyệt chủng là mãi mãi, và không gì có thể thay đổi được điều đó.
Họ nói đúng. Sự tuyệt chủng là mãi mãi.
“Hồi sinh loài” nghĩa là chúng ta có thể hoàn tác sự tuyệt chủng. Đảo ngược hậu quả đó. Nhưng thuật ngữ này gây hiểu lầm. Nó thiếu sắc thái. Và nó thậm chí còn là một vấn đề trong các tài liệu khoa học – các nhà khoa học chưa thống nhất được hồi sinh loài là gì.
Khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phát triển các hướng dẫn về việc hồi sinh các loài vào năm 2016, tổ chức này đã đặc biệt lưu ý rằng không có phương pháp hồi sinh loài nào sẽ tạo ra một “bản sao chuẩn”.
Chúng ta không thể hoàn tác sự tuyệt chủng. Trên thực tế, tài liệu hướng dẫn của IUCN thậm chí không sử dụng từ hồi sinh loài trong tiêu đề của nó. Nó được gọi là “Nguyên tắc hướng dẫn về việc tạo proxy của các loài đã tuyệt chủng vì lợi ích bảo tồn” và đề xuất rằng proxy (tạm dịch: các loài ủy nhiệm) là một cách tốt hơn nhiều để định nghĩa các loài mà chúng ta sẽ hồi sinh.
Các dự án được tài trợ đầy đủ của Colossal về hổ Tasmania và voi ma mút lông xoăn đều tuân theo ý tưởng này, ngay cả khi hoạt động marketing của họ nói khác. Công ty và các cộng tác viên sẽ không thể tạo ra một bản sao di truyền chính xác của các loài động vật từng ngao du trên Trái Đất. Dự án tương tự ở Revive & Restore cũng không làm việc để hồi sinh bồ câu viễn khách.
Xét theo hiểu biết hiện tại của nhân loại, không thể khôi phục lại các đặc điểm hành vi và sinh lý của một loài (bao gồm cả những thứ như hệ vi sinh vật của nó) chỉ bằng cách nghiên cứu DNA.
Tuy nhiên, có thể tạo ra những thay đổi đáng kể đối với DNA và công nghệ này đang được cải thiện theo cấp số mũ. Rất có thể các nhà khoa học sẽ có thể tạo ra một số loài “proxy” – một sinh vật giống hổ Tasmania chẳng hạn, hoặc một số loài lai giữa voi và voi ma mút – trong tương lai.
Tức là, bản sao không phải 100% nhưng cũng đủ để coi là một loài ủy nhiệm đại diện cho chúng.
Colossal và nhóm nghiên cứu của mình tại Đại học Melbourne cho rằng điều này có thể xảy ra trong khoảng 1 thập kỷ đối với hổ Tasmania, thậm chí có thể sớm hơn đối với voi ma mút. Những mốc thời gian đó có vẻ lạc quan quá mức với những rào cản kỹ thuật vẫn còn tồn tại, nhưng không phải bất khả thi.
Mục tiêu của Colossal là cuối cùng thả những con thú có túi giống hổ Tasmania họ tạo ra về đảo Tasmania và những con ma mút lai vào lãnh nguyên Bắc Cực. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc này sẽ mang lại lợi ích cho hệ sinh thái và hành tinh. Nhưng có rất nhiều câu hỏi cần trả lời trước khi chúng ta đạt được dấu mốc đó.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiếp tục quay lại cuộc nói chuyện “ngạo mạn hay hy vọng” của Greely. Trong đó, ông đưa ra cả những rủi ro tiềm ẩn và lợi ích của việc đưa các loài đã tuyệt chủng trở lại.
Chỉ trích về việc “đóng vai tạo hóa”
Ông cũng đề cập, hiện tại, nghiên cứu sẽ không được tài trợ bởi chính phủ hoặc các quỹ tài trợ nghiên cứu. Thay vào đó, nó sẽ được tài trợ bởi khu vực tư nhân và các nhà hảo tâm.
Sau khi tin tức về dự án hổ Tasmania nổ ra vào tuần trước, phóng viên CNET đã hỏi Greely rằng có điều gì ông sẽ thay đổi trong cuộc nói chuyện gần một thập kỷ trước không. Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ đang đi đúng hướng mà tôi mong đợi, và mong muốn – Hồi sinh loài vẫn là loại dự án nghiên cứu xa xỉ, không được chính phủ tài trợ hay có những sự phấn khích, nhưng vẫn cần được tiến hành cẩn thận”.
Hồi sinh để làm gì trong tình cảnh biến đổi khí hậu?
Lập luận phổ biến nhất chống lại hồi sinh loài từ dự án của Colossal là các nhà khoa học đang lãng phí tiền bạc và thời gian để cố gắng khôi phục các loài đã tuyệt chủng trong khi chúng ta đang sống giữa một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và khiến các sinh vật bị tuyệt chủng với tốc độ chưa từng có.
Đấy là chưa kể biến đổi khí hậu vẫn đang tàn phá hành tinh. Hồi sinh một loài đã chết làm gì khi nguy cơ tiếp tục tuyệt chủng của chúng cao như vậy?
Tốn tiền vô nghĩa
Một lập luận lớn khác được những người hoài nghi đưa ra là tại sao giới khoa học phải tốn cả đống tiền của, nguồn lực và nhân lực cho một dự án chưa biết có thành công không và bao giờ sẽ thành công.
Đáng ra, theo họ, số tiền và nguồn lực đó nên được dành cho việc bảo tồn 1 triệu loài đang trên bờ vực tuyệt chủng. Hồi sinh một loài đã tuyệt chủng từ quá khứ hàng thế kỷ, thậm chí nhiều niên đại trước đây liệu có ý nghĩa với hệ sinh thái bằng việc bảo tồn các loài đang thiết yếu với tình hình sinh thái hiện tại hay không?
Chẳng ai quan tâm đến tuyệt chủng nữa
Một lập luận phổ biến khác là nếu chúng ta có công nghệ để “hồi sinh” các loài, thì sự tuyệt chủng cũng chẳng phải vấn đề to tát – chẳng ai sợ tuyệt chủng nữa, thế thì cần gì bảo vệ các loài?
Đây là một rủi ro đạo đức phức tạp. Tuy nhiên lập luận này vẫn thiếu bằng chứng. Kể cả nếu nó đúng, chẳng lẽ chúng ta lại cứ thế ngừng cải tiến trong sinh học?
Những câu hỏi cần trả lời
CNET ví hồi sinh loài với các thí nghiệm địa kỹ thuật về mặt trời: một dự án có khả năng làm mờ ánh sáng mặt trời trên Trái Đất bằng các sol khí. Các nhà khoa học không muốn phải triển khai các biện pháp này, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tình hình trở nên tồi tệ đến mức chúng ta buộc phải làm?
Ít nhất thì loài người nên tiến hành các nghiên cứu cơ bản và các thí nghiệm khoa học để biết trước phòng trường hợp đó.
Có lẽ đã đến lúc việc hồi sinh loài cũng cần được nhìn nhận tương tự.
Theo CNET, vấn đề thực sự mà bất kỳ dự án hồi sinh loài nào nên làm, trước khi chúng ta ôm một con hổ Tasmania bé nhỏ trong tay, là thảo luận chính xác cách thức một dự án như vậy sẽ hoạt động với tất cả các bên liên quan chính, từ công chúng đến các nhà khoa học và ngành công nghiệp khác, cũng như với chính quyền địa phương.
Có những câu hỏi cần trả lời trước khi niềm vui hồi sinh một loài tương tự như hổ Tasmania thực sự diễn ra: Những sinh vật này có thể quay trở lại thế giới ở đâu và bằng cách nào. Chúng ta phải biết liệu công chúng có muốn điều đó hay không.
Người dân bản địa có ủng hộ ý tưởng này không? Liệu chúng có thể trải qua nỗi khổ như nào nếu được đưa trở lại vào thế giới ngày nay, một thế giới hoàn toàn khác với thế giới mà tổ tiên chúng đã rời đi? Ngoài ra, có những rủi ro nào với hệ sinh thái và môi trường?
Sau cùng, sự sống của một loài không chỉ là trò chơi “cố gắng đóng vai tạo hóa” của con người, mà nó còn quá nhiều biến số để chúng ta phải hết sức cẩn thận.