Theo giới chuyên gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Tuy nguồn lực còn hạn chế nhưng Việt Nam đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hàng loạt nhiệm vụ, chính sách của các ngành, lĩnh vực đã được cập nhật, sửa đổi và ban hành trong thời gian gần đây đã cho thấy Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh với 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể hướng tới 04 mục tiêu quan trọng là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Đối với việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh định hướng: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch;
Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia”. Đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Theo giới chuyên gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Tuy nguồn lực còn hạn chế nhưng Việt Nam đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là rất quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững.
Theo đó, cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trong sử dụng năng lượng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và cần tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương về vấn đề này. Quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty/tập đoàn lớn của thế giới.
Về lộ trình thực hiện chuyển dịch năng lượng, các chuyên gia cho rằng cần phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm/đối tượng trong xã hội. Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần có quyết tâm chính trị lớn; sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Để thúc đẩy năng lượng phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo là định hướng nhất quán của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh sự tham gia của Chính phủ và cơ quan chức năng, để chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững thành công cần có quyết tâm chính trị lớn của các cấp, ngành, đặc biệt cần có sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan; sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. |