Các nhà khoa học cho biết loài cá nàng tiên (còn gọi là bò biển, cá nược) đã tuyệt chủng về chức năng ở Trung Quốc, do môi trường sống bị hủy hoại trên diện rộng và nạn săn bắt.
Theo giáo sư Samuel Turvey, thuộc Viện Động vật học ZSL, nạn đánh bắt và đâm tàu vào các động vật biển là một trong những lý do khiến cá nàng tiên dần biến mất ở Trung Quốc.
Ông là một trong những tác giả của nghiên cứu về sự hiện diện của cá nàng tiên ở Trung Quốc, được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science.
“Nghiên cứu mới của chúng tôi cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về sự biến mất của một loài động vật có vú sống dưới nước khác ở Trung Quốc. Thật đáng buồn, một lần nữa, điều này xuất phát từ hoạt động không bền vững của con người”, Guardian dẫn lời ông Turvey.
Các loài cá nàng tiên đặc biệt phụ thuộc vào cỏ biển – một sinh cảnh biển đang bị suy giảm nhanh chóng do ô nhiễm nguồn nước và tác động của con người ở ven biển.
Ông Turvey cho biết các thảm cỏ biển cũng dễ bị tổn thương bởi quá trình “phú dưỡng” – khi tảo nở hoa hình thành nhờ nguồn dinh dưỡng trong nước tăng cao do hoạt động của con người, chẳng hạn từ nước thải.
Điều này “làm giảm khả năng ánh sáng xuyên qua nước biển, do đó ngăn cản quá trình quang hợp của cỏ biển”, ông lý giải.
Giáo sư Turvey mô tả những phát hiện này là “lời cảnh tỉnh”, kêu gọi ưu tiên các nỗ lực bảo tồn ở Trung Quốc.
Kể từ năm 1988, Trung Quốc đã xếp cá nàng tiên vào loài động vật trọng điểm quốc gia cấp một cần được bảo vệ. Đây là cấp độ bảo vệ cao nhất. Tuy nhiên, kể từ năm 2008, không có tài liệu nào cho thấy sự hiện diện của cá nàng tiên ở Trung Quốc.