Không phải là kinh kệ với tụng niệm. Không dùng kích điện, không bắt chim non, không phá cây rừng, không dùng thuốc độc hại… chính là phóng sinh.
Hành động này ở ta thường gắn với tinh thần và ứng xử của nhà Phật, mục đích là để thể hiện lòng thương yêu muôn loài do tôn trọng sinh mệnh của chúng.
Theo giáo lý luân hồi của Phật giáo, tất cả chúng sinh đều là cha mẹ, là anh chị em của ta, vì mọi sinh linh đều trôi lăn trong vòng tử sinh, chết đi và đầu thai từ vô lượng kiếp đến nay; vì thế phóng sinh là một cách để thể hiện các mối quan hệ thiêng liêng trong đời sống.
Phóng sinh không chỉ là một hành động bố thí ban ơn. Sâu xa hơn, nó thể hiện tinh thần bình đẳng trong một tư tưởng nhân văn tiến bộ. Hơn thế nữa, phóng sinh có mục đích tự thân là nuôi nấng và trưởng dưỡng tính thiện trong mỗi người. Như vậy để hiểu, trước hết đó là một hành động “tu tâm” nhằm hoàn thiện bản thân mình.
Tuy ý nghĩa tốt đẹp là thế, nhưng vì hiểu sai hoặc chịu sự dẫn dắt của lòng tham và sự vô minh tăm tối mà ngày nay không ít người đang thực hiện việc phóng sinh một cách sai trái và lầm lạc. Khi con vật bị giam nhốt hay có nguy cơ bị giết chết thì phóng sinh tức là cứu sống bằng cách thả cho về với môi trường sống quen thuộc của chúng. Chim đang bay lượn tự do trên bầu trời, bỗng nhiên bị người bắt nhốt vào lồng và mang kinh kệ tới tụng niệm rồi mới thả ra!
Lũ chim được một phen hồn xiêu phách lạc, không ít con phải chết oan uổng – đó là chưa kể đến việc những con chim non có thể chết đói tự bao giờ trong tổ do cha mẹ chúng trên đường đi kiếm ăn đã vướng phải bẫy rập. Những hành động như thế là đang làm việc ác chứ hoàn toàn không hề có thiện tâm. Đáng buồn thay, hiện tượng này ngày càng phổ biến.
Nhà Phật có quan niệm “tùy duyên”, nghĩa là làm việc tốt nhưng không miễn cưỡng, tùy theo hoàn cảnh, thuận theo tự nhiên rồi vui vẻ mà làm. Nhìn thấy con vật chẳng may bị sa xuống hố thì cứu nó lên; thấy con cá mắc cạn trên bãi cát thì cúi xuống mà nhặt lấy thả về biển; nếu anh có dư tiền của, khi ra chợ mà tình cờ thấy những con vật đang sống khỏe mạnh nhưng sẽ bị giết nay mai thì khởi lòng thương mà mua và thả chúng về với đời sống tự nhiên.
Những con vật sắp chết, dù có thả ra cũng chết thì không nên miễn cưỡng thả đi, vì vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường lại làm ảnh hưởng đến nhu cầu thực phẩm chính đáng của mọi người. Tóm lại, làm việc tốt cũng phải thực hiện thế nào cho hiệu quả và đúng đắn; không nên cảm tính mà nhắm mắt làm bừa.
Nay, không những thế, chim cá đang sống thái bình bỗng đâu tai họa từ một nhóm người nhân danh lòng tốt ập tới: thất kinh, chết chóc, chia lìa… Phải hiểu rằng, phóng sinh thuộc vào bố thí vô úy, tức mang tới cho nhau sự bình an – không sợ hãi. Từ ý nghĩa này, việc không dùng kích điện, không bắt chim non, không phá cây rừng, không dùng thuốc trừ sâu…, chính là phóng sinh. Không những không gây hại mà còn ra sức bảo vệ môi trường sống cho muôn loài, đó mới là chân thật phóng sinh. Và họ làm việc ấy mỗi ngày, thường trực trong ý nghĩ và thường xuyên trong sinh hoạt; chứ không phải mỗi năm đợi đến một ngày lễ mới ồ ạt ra diễn một vở hoành tráng, rồi 364 ngày còn lại thì quên béng – như cách chúng ta đang làm!
Mọi hành động cực đoan đều có thể gây khổ cho mình và cho người. Các nước phương Tây ăn thịt rất nhiều nhưng ý thức bảo vệ môi trường và động vật của họ thì cao tột. Họ phản đối mặc áo lông thú, tẩy chay cà-phê chồn, họ biểu tình chống lại nền công nghiệp sữa phi nhân đạo; việc giết chóc tàn nhẫn và dã man bị pháp luật cấm đoán… Họ không hề nói gì tới phóng sinh, những họ đang thực hành trách nhiệm và tình yêu với muốn loài một cách chân thật nhất. Chúng ta nhân danh lòng từ bi nhưng lại chuộng hình thức và thiếu hiểu biết, không những không giúp gì được cho động vật mà còn góp phần tàn sát và gây kinh sợ khắp nơi.
Cần một cái nhìn thực tiễn và những hành động thực tiễn, đặt mình vào vị trí bình đẳng và ôn hòa, khởi lên tinh thần vô tư mà chung sống cùng muôn loài. Khi con người yêu thương vạn vật thì đó là phần thưởng cho chính con người trước hết, phần thưởng của sự bình an, niềm vui thích và hạnh phúc sâu xa.