Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 – 2021 vừa được Bộ TN&MT công bố được đánh giá là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển.
Khai thác sử dụng nước tăng cả số lượng và chất lượng
Báo cáo nêu rõ quá trình phát triển kinh tế – xã hội dẫn đến nhu cầu khai thác sử dụng nước tăng cả về mặt số lượng và chất lượng, trong khi nguồn nước là hữu hạn, khả năng phát triển tài nguyên nước còn hạn chế, các yếu tố không bền vững về tài nguyên nước không suy giảm mà có nguy cơ gia tăng trong thời gian gần đây.
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu về nước cho các mục đích kinh tế – xã hội và dân sinh sẽ là khoảng 122 tỷ m3/năm, tăng 1,5 lần so với hiện nay. Tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, khan hiếm nước diễn ra ở nhiều nơi, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tài nguyên nước của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”. Bên cạnh đó, vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Mã, Cả, Vu Gia – Thu Bồn, Đồng Nai và Cửu Long với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó, diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong khi đó, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại 1.070 vị trí (gồm 7 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt quốc gia và 1.063 vị trí quan trắc từ 38 tỉnh, thành phố gửi báo cáo), chủ yếu quan trắc các chỉ tiêu DO, TSS, COD, BOD5… cho thấy, giai đoạn 2016 – 2021, chất lượng nước tại các điểm quan trắc trên các lưu vực sông nhiều vị trí vượt quy chuẩn QCVN08 cột A2 (dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp hoặc các mục đích sử dụng như loại B1, B2) tập trung chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu; ô nhiễm cục bộ xảy ra ở các đoạn sông chảy qua các khu vực tập trung đông dân cư, khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.
Kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất giai đoạn 2016 – 2021 tại 412 vị trí (802 giếng, 24.944 mẫu) quan trắc tài nguyên nước quốc gia, đánh giá các chỉ tiêu TDS, Mn, Fe, NO3-… theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT trên các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL (vùng Đông Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ hiện chưa có trạm quan trắc) đều cho kết quả ô nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau.
Trên cơ sở hiện trạng tài nguyên nước quốc gia, những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước giai đoạn 2016 – 2021 và để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý về tài nguyên nước trong những năm tới, cần phải tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, thách thức như: Thiếu thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý; nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp.
Cùng với đó là áp lực phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu nước gia tăng, mâu thuẫn khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương còn phổ biến; Ô nhiễm nguồn nước gia tăng; Khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn chưa cao; Duy trì và phát triển diện tích rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy; Tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro do nước gây ra.
Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 – 2021 bao gồm 5 Chương: Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Hiện trạng tài nguyên nước; Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Ô nhiễm, suy thoái, cạn kệt nguồn nước; Quản lý tài nguyên nước. |
Cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ
Để giải quyết các vấn đề tồn tại, thách thức về tài nguyên nước nêu trên, báo cáo nhấn mạnh, thời gian tới, cần có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và tập trung vào một số giải pháp sau: Tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, bảo vệ, phát triển, điều hòa phân bổ tài nguyên nước, đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất.
Chủ động kế hoạch sử dụng nước trên sông xuyên biên giới trên cơ sở giám sát, hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước trong việc chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, vận hành khai thác nguồn nước; Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước, chủ động nguồn nước cho các ngành, lĩnh vực: sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, giao thông và các ngành sử dụng nước khác; Nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao chỉ tiêu đảm bảo an ninh tài nguyên nước trong thu gom, xử lý nước thải và thoát nước; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ; Xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia.