Tái tạo các môi trường sống tự nhiên là giải pháp tối ưu nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu.
Lớp trầm tích của các khu rừng ngập mặn, đầm lầy và thảm cỏ biển rất giàu carbon hữu cơ qua quá trình hình thành hàng trăm năm. Để đền bù việc phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide (CO₂), các doanh nghiệp và tiểu bang ở Anh đang hỗ trợ khôi phục các môi trường sống “carbon xanh” này.
Nhiều học giả và các nhóm tư nhân ủng hộ ý tưởng này. Họ cho rằng có thể dự đoán chính xác tốc độ các hệ sinh thái này có thể loại bỏ CO₂ khỏi bầu khí quyển trong tương lai.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh vật biển, hóa học và khí hậu, sau khi xem xét quá trình trao đổi khí CO₂ của các môi trường sống ven biển đã tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả làm giảm tác động đến biến đổi khí hậu của việc khôi phục các môi trường sống ven biển.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc tìm ra một con số đáng tin cậy về sự tích tụ carbon của các hệ sinh thái ven biển trong điều kiện hiện tại là vô cùng khó khăn. Vì vậy, rất khó để có một cơ sở tính toán mức bù đắp carbon trong tương lai mà các dự án phục hồi có thể cung cấp trong 50 đến 100 năm tới.
Nguyên nhân của sự bất định
Các ước tính về tốc độ môi trường sống “carbon xanh” loại bỏ CO₂ khỏi khí quyển rất khác nhau. Với hàng trăm nghiên cứu khoa học, đã có sự chênh lệch gấp 600 lần giữa ước tính cao nhất và thấp nhất đối với việc chôn lấp carbon ở các đầm lầy ngập mặn, chênh lệch 76 lần đối với thảm cỏ biển và chênh lệch 19 lần đối với rừng ngập mặn.
Áp dụng giá trị trung bình của tất cả các nghiên cứu này cho một môi trường sống cụ thể là cách đơn giản nhất để ước tính lượng carbon hấp thụ khả thi từ một dự án phục hồi mới. Nhưng việc xuất hiện sai số đồng nghĩa với lượng carbon bù đắp dự kiến có thể sai khác nghiêm trọng. Nhiều giá trị thấp xuất hiện, chỉ có một vài giá trị rất cao, nên có nhiều khả năng lợi ích mang lại cho khí hậu không nhiều.
Cần có nhiều phép đo bổ sung để tính toán lượng carbon tin cậy. Tuy nhiên, những phép đo này tốn thời gian và công sức, làm tăng chi phí của các dự án phục hồi.
Vấn đề còn sâu xa hơn thế. Tỷ lệ chôn lấp carbon báo cáo trong các nghiên cứu thường được xác định gián tiếp bằng cách lấy mẫu trầm tích ở các độ sâu khác nhau để ước tính tuổi trầm tích. Các sinh vật đào bới làm xáo trộn, trộn lẫn các lớp trầm tích trẻ và già. Điều này gây ra sai sót trong quá trình xác định niên đại do nhiều trầm tích sẽ có vẻ trẻ hơn và tỷ lệ chôn lấp carbon lớn hơn so với thực tế.
Phần lớn carbon chôn vùi trong trầm tích ven biển đến từ nơi khác, còn gọi là sa bồi. Sa bồi là đất đá do sông cuốn đến từ đất liền lắng đọng lại. Tỷ lệ carbon có trong sa bồi ít nhất là 10% hoặc nhiều nhất là 90%. Lượng carbon này nên bị loại trừ khỏi các ước tính để tính ra lượng carbon được chôn lấp để khôi phục môi trường sống và lượng carbon cần chôn lấp.
Tuy nhiên, carbon trong sa bồi có khả năng chống phân hủy tốt hơn. Theo một nghiên cứu trên một đầm lầy mặn, tỷ lệ 50% carbon trong sa bồi gần bề mặt trầm tích đã tăng lên 80% ở các tầng sâu hơn. Giá trị ở tầng sâu hơn thể hiện tỷ lệ chôn lấp carbon lâu dài của môi trường sống, vì vậy, việc chôn lấp carbon để phục hồi môi trường sống không đóng góp nhiều lợi ích cho khí hậu.
Các quá trình khác đem lại nhiều lợi ích cho khí hậu từ việc khôi phục môi trường sống carbon xanh, song các quá trình này rất khó định lượng. Nếu các mảnh vụn thực vật từ môi trường sống ven biển bị trôi ra biển thay vì tích tụ trong lớp trầm tích thì nó vẫn có thể được lưu trữ lâu dài ở nơi khác. Ví dụ, nó có thể chìm xuống vùng nước rất sâu trong đại dương. Nhưng các nhà khoa học chưa thể định lượng carbon trong các quá trình như vậy.
Chuyển đổi rừng trồng cọ dầu thành rừng ngập mặn hoặc làm ngập vùng ven biển thành đầm lầy ngập mặn sẽ giúp đất tích tụ carbon. Nhưng chính vùng đất đó cũng có thể thải ra nhiều khí metan và nitơ ôxít – đều là khí nhà kính mạnh và không mang lại lợi ích ròng về khí hậu. Những khí này được hình thành khi không có đủ oxy trong đất hoặc trầm tích.
Động vật và thực vật sau đó vôi hóa và phát triển trong những môi trường sống này, đặc biệt là những thảm cỏ biển. Lá cỏ biển thường được bao phủ bởi một lớp vỏ trắng bao gồm vỏ giun và tảo coralline. Khi những sinh vật này tạo ra lớp vỏ bọc canxi cacbonat sẽ tạo ra CO₂.
Tại Florida, lượng CO₂ của một thảm cỏ biển thải ra còn nhiều hơn là lượng CO₂ được loại bỏ. Ở những nơi khác, điều kiện môi trường có thể tạo thuận lợi cho các phản ứng hóa học giữa CO₂ và cacbonat hòa tan trong trầm tích, dẫn đến hấp thụ thêm carbon. Cần có các phép đo phức tạp tại mỗi địa điểm để phân loại tầm quan trọng của những tác động này.
Còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét. Liệu các hệ sinh thái ven biển sau khi được phục hồi có chịu được sức tàn phá của biến đổi khí hậu như các đợt sóng nhiệt, bão và nước biển dâng? Và liệu chúng có được quản lý tốt để tránh khỏi sự xâm lấn của nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, công nghiệp và các hoạt động khác – những tác nhân có thể đã làm biến mất môi trường sống này ngay từ đầu không?
Mọi nỗ lực vẫn cần được thực hiện để ngăn chặn quá trình suy giảm thảm thực vật ven biển trên toàn thế giới. Xét cho cùng, các môi trường sống “carbon xanh” không chỉ là bể chứa carbon mà còn bảo vệ cộng đồng trước những trận bão, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn thủy sản và góp phần cải thiện chất lượng nước.
Nếu nhiệt độ toàn cầu vượt quá ngưỡng 2,3 ° C đến 3,7 ° C, các kho dự trữ carbon mới tích lũy có nguy cơ bị trả lại bầu khí quyển khi thảm thực vật không thể tồn tại để ngăn chặn sự xói mòn của trầm tích. Vì quy mô của việc loại bỏ và lưu trữ carbon là dài hạn và các môi trường sống “carbon xanh” không chắc chắn nên việc tiếp tục sử dụng nó như một phương tiện bù đắp lượng khí thải là quá rủi ro. Do đó, cần ưu tiên giảm gấp đôi lượng phát thải bằng cách sử dụng các phương pháp loại bỏ carbon tin cậy để giúp đạt được phát thải ròng bằng 0.
Thùy Dung (Theo theconversation.com)