Người đàn ông nặng nghĩa với rừng

Trong khi bạn bè bỏ rừng về quê xây nhà cao cửa rộng thì anh Phong vẫn kiên trì ở lại với rừng, bởi anh nghĩ, làm giàu từ rừng là bền vững nhất.

Vận may từ một bao đất

Anh Hồ Hồng Phong sinh năm 1968 ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) trước đây cha mẹ ở xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn. Là con thứ bảy trong gia đình có tám anh em, nhà nghèo nên anh chỉ học hết cấp 2 thì phải nghỉ để lên rừng chặt củi, đốn gỗ kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Năm 1992, phong trào đào đá đỏ Quỳ Châu đang đà rộ lên. Người tứ xứ đổ về đây tấp nập. Thấy người ta trúng mánh nhiều, nên Phong cũng lập một nhóm bạn 4 người khăn gói ngược Châu Bình, rồi đi vào đồi Tỷ. Suốt cả tuần cật lực chui hầm moi đất, đào đãi nhưng chẳng được gì, đến khi hết gạo, Phong vay mượn được 50 ngìn đồng để làm lộ phí về quê. Tuy nhiên anh bạn đi cùng lại bảo dùng tiền đó đi mua một bì đất ở đồi Tỷ.

Anh Hồ Hồng Phong bên rừng keo của mình tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An. Ảnh: Hồ Quang.

May mắn đến, trong bì đất ấy họ đem đi đãi được một viên đá đỏ. Luồn rừng trở về, viên đá đỏ chỉ bằng hạt đậu xanh ấy cả nhóm bán được tới 36 triệu đồng, chia ra mỗi người được chín triệu đồng. Số tiền này, hồi đó người nông dân lam lũ có nằm mơ cũng không thể thấy. Vậy là các bạn liền mua mỗi người một xe máy để sánh vai cùng với các đại gia. Riêng Phong thì khác hẳn, anh quyết định vào với rừng.

“Người nhà ai cũng bảo tôi mua một cái xe máy mà đi, sau rồi thì cứ túc tắc làm ăn, chứ thua bạn một ly là họ cười cho. Trằn trọc suy nghĩ mấy đêm liền, tôi quyết định phải sống với nghề rừng thì mới đi lên bền vững được. Với số tiền bán được từ đá đỏ, tôi dùng làm vốn rồi khăn gói tư trang vào thung lũng Bình Bung, cũng thuộc xã Châu Bình để khai hoang lập trại. Hơn một năm sau, vợ tôi ở quê thấy chồng quá vất vả ngày đêm quần quật với rừng cây, đào đất, lật đá để trồng keo, bạch đàn và ngô, đậu, nên đã gửi hai con nhỏ cho các anh chị nuôi rồi cũng lên gắn bó phụ giúp với chồng”, ông Phong kể.

5 năm sau, vợ chồng anh Phong đã khai khẩn được gần 10ha đất hoang hóa toàn là sim, mua, lau lách và cây dại. Trong đó, anh dành một nửa số diện tích trồng cây ngắn ngày để lo cái ăn hàng ngày và phục vụ chăn nuôi. Số còn lại, anh đầu tư vào trồng cây keo. Mấy năm sau, khi Nhà máy đường Nghệ An Tate &Lyle đi vào hoạt động, anh chuyển diện tích cây ngắn ngày sang trồng mía nguyên liệu. Thấy làm ăn ngày càng khấm khá, đất đai hoang hóa thì còn bạt ngàn nên anh về quê bàn bạc với 8 gia đình cùng lên Bình Bung lập trại.

Nghe theo anh Phong và thấy được viễn cảnh tương lai nên các gia đình đã khăn gói lên đường. Cộng với sự cần cù một nắng hai sương của những người lập trại nơi đây, chỉ vài năm họ đã có của ăn của để. Thêm vào nữa, những chính sách kích cầu cởi mở của Nhà máy đường Nghệ An như đầu tư phân bón, thuốc BVTV, mở rộng đường giao thông, cho dân vay vốn không lấy lãi… đã làm người dân phấn chấn, ngày đêm phát triển thêm vùng nguyên liệu mía.

 

Sáng ngời bản mới Bình Quang

Thung lũng Bình Bung trước đây mịt mù quanh năm mây phủ, thế nhưng chỉ mấy năm đã trở thành một vùng kinh tế điển hình của huyện. Cái tên Bình Bung đã được xóa bỏ, thay vào đó là tên bản mới Bình Quang sáng bừng lên kể từ dạo đó. Năm nối năm, dân Bình Quang nhà nào cũng đổi mới đi lên từ cây mía. Nhà anh Phong nhiều đất nên thu hoạch từ mía và cây keo mỗi năm cũng có lãi hơn 100 triệu đồng.

Có tiền, anh về xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp mua đất làm nhà ở ngay mặt tiền QL 48, rồi xây dựng ki ốt cho vợ mở cửa hàng xay xát lúa, ngô và làm đại lý bán buôn hàng nông sản. Năm 2018, một sự kiện lớn đến với đất Bình Quang. Ấy là Bình Quang nằm trong vùng giải phóng mặt bằng để nhà nước lấy đất thi công công trình thủy lợi bản Mồng. Hàng trăm hộ dân đã phải di dời. Đổi lại, tất cả những hộ dân lập trại ở đây đã được đền bù, mỗi nhà 2 – 3 tỷ đồng trở lên.

Căn nhà sàn của anh Phong ở để quản lý 21ha rừng keo của mình tại lâm phần xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Hồ Quang.

Sự kiện này phải nói là còn hơn muôn phần đào được đá đỏ rubi ngày xưa. Các gia đình đi lập trại theo anh Phong đã nhận tiền đền bù rồi về quê xây nhà cao cửa rộng, mua sắm ô tô, thế mà nhiều nhà vẫn còn dư tiền để gửi ngân hàng. Đối với anh Phong, diện tích phải giải tỏa mới chỉ có một nửa, nhưng tiền đền bù đã đến 3 tỷ đồng.

Anh Phong kể: “Nhận tiền đền bù xong, tôi có thể mua ô tô đẹp và phá nhà cũ cấp 4 để lên tầng. Chi phí hai khoản này có cao thì cũng chỉ hết 2 tỷ đồng, như vậy vốn vẫn còn 1 tỷ đồng gửi ngân hàng để sinh lãi. Cơ nghiệp của tôi lúc đó còn có đất rừng trồng keo ở xã Châu Bình, nhà cửa tuy cấp 4 nhưng vị thế đắc địa, bán buôn rất thuận lợi. Nhưng tôi lại luôn thích nghi với cuộc sống ở rừng. Khi nào cũng nghĩ tới rừng. Nghĩ mãi, băn khoăn trăn trở mãi, tôi quyết định dùng tất cả số tiền đền bù ở xã Châu Bình đến huyện Như Xuân, Thanh Hóa để mua đất trồng rừng…”.

Nghe anh Phong say sưa kể về những vất vả gian truân trong cảnh mênh mông của núi rừng Thanh Hóa, mấy hôm sau tôi tìm đến doanh trại của anh thì mới biết được ý chí của anh quả thật phi thường. Doanh trại của anh Phong ở là căn nhà sàn một gian hai chái đơn sơ nằm trên lâm phần của xã Xuân Hòa của huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Cạnh bên là một cái ao do ông thuê đào lên để thả cá. Xung quanh có đủ các dàn mướp, bầu bí và rau xanh các loại.

Đứng trên đồi cao, anh Phong đưa tay vẽ một cung tròn rồi hớn hở: “Đây là khu rừng 21ha mà tôi đã bỏ vốn ra mua từ tháng 5/2019. Khi đó, khu đất này toàn là sim, mua, lau lách và bụi rậm, lác đác cũng có vài ba vạt đất người ta đã trồng keo, nhưng cây rất còi cọc. Nghĩ đất không thể phụ công người, nên kể từ khi mua đất cho đến gần một năm sau, tôi đã cùng 10 nhân công ngày đêm phát dọn, đào hố và đổ cả trăm tấn phân chuồng hữu cơ vào đây để trồng keo.

Kết quả đến nay, cả một khu đồi hoang hóa trọc lóc trước kia ở xã Xuân Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa), nay đã được phủ kín một màu xanh bát ngát. Anh Phong bảo cuối năm ngoái, có mấy khách vào đây đòi mua 10 tỷ đồng. “Tính ra cũng lời to đấy, nhưng tôi đâu có bán, đơn giản bởi cuộc đời tôi luôn nặng nghĩa với rừng. Ở rừng rất vui và khỏe, bởi không khí trong lành, thiên nhiên hùng vĩ, suốt ngày chim hót líu lo. Còn tính về hiệu ích kinh tế thì 21ha keo này, mỗi lần thu hoạch (5 năm một lần), ít ra tôi cũng thu lãi được hơn 2 tỷ đồng. Nghĩa là trồng rừng luôn giàu một cách bền vững.