Để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như đất, cát, sỏi và nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn chưa thật chặt chẽ, các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra; Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chậm triển khai, trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, chưa tuân thủ đầy đủ các quy trình khai thác, chưa thực hiện nghiêm túc thời gian khai thác và công tác bảo vệ môi trường, chậm hoàn thổ, đóng cửa mỏ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, một phần do chính quyền địa phương còn thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn; sự phối hợp của một số ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản chưa đồng bộ, chưa thường xuyên; công tác kiểm tra, xử lý không kịp thời; các đơn vị khai thác khoáng sản nhận thức và chấp hành chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; rà soát và đề xuất UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản thay thế, bãi bỏ các văn bản trước đây có liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành.
Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, lựa chọn các điểm quy hoạch khoáng sản đáp ứng đủ các điều kiện để đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm nâng cao giá trị khoáng sản và lựa chọn các chủ đầu tư có đủ năng lực khai thác theo quy định; Tham mưu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng, báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động khoáng sản theo quy định.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác hằng năm do UBND cấp huyện lập, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; phối hợp với Cục Thuế tỉnh, UBND cấp huyện kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đối chiếu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế với sản lượng kê khai thuế để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường, các dự án hết thời hạn; các dự án không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (nợ tiền ký quỹ, cấp quyền, tiền thuế các loại…) và các dự án khai thác khoáng sản không triển khai hoạt động quá 12 tháng nhưng không có lý do chính đáng; đồng thời, không xem xét, đề xuất cấp phép khai thác khoáng sản, gia hạn giấy phép cho các trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác thẩm tra năng lực tài chính chủ đầu tư các dự án đầu tư khai thác khoáng sản trước khi tham mưu cấp giấy chứng nhận đầu tư và kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đầu tư; Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tích hợp Quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định vào Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Giao thông vận tải có trách phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng nội dung phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong quy hoạch tỉnh trên cơ sở quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; Chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra việc vận chuyển khoáng sản vượt tải trọng cho phép, gây ô nhiễm môi trường trên các tuyến đường tỉnh và phối hợp với địa phương đối với các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ công trình giao thông theo quy định.
Ngoài ra, đối với các Sở: Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội; Cục Thuế tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Cục Hải quan Ban; Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của ngành, lĩnh vực có trách nhiệm quản lý tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phải chỉ đạo kiểm tra trách nhiệm UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và các trường hợp cố tình kéo dài thời gian khai thác khi Giấy phép đã hết thời hạn.
Riêng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và an ninh trật tự tại địa phương; bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp phép, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản có ích và bảo vệ môi trường; thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường, đất đai sau khi kết thúc khai thác theo đúng quy pháp luật
Hằng năm báo cáo kết quả khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản cho Sở TN&MT theo đúng quy định; báo cáo sản lượng khai thác cho UBND cấp huyện nơi có hoạt động khai thác khoáng sản để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Hằng tháng, kê khai sản lượng khai thác kịp thời, chính xác cho cơ quan thuế để thực hiện các khoản ngân sách; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác số liệu kế khai.
Thực hiện việc đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 và quy định của UBND tỉnh; Công khai thông tin hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ để người dân biết và giám sát; Thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản (chế độ báo cáo, nộp tiền cấp quyền, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường…) và thực hiện nghĩa vụ đối với địa phương (bồi thường thiệt hại nếu hoạt động gây ra sự cố; sửa chữa nâng cấp hạ tầng giao thông…). Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.