Lượng rác thải tăng trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp đang biến việc xử lý rác bằng phương pháp đốt thành một xu hướng trên thế giới. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà máy điện rác.
Mới có 01 nhà máy điện rác vận hành thử nghiệm
Ở Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, nhiều dự án điện rác đã được triển khai, song đến nay mới chỉ có 01 dự án hoàn thành và đi vào vận hành ở giai đoạn thử nghiệm.
Đó là dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu từ cuối năm 2017 với tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công tháng 9/2019. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý (Công ty Thiên Ý), Tổng thầu MCC (Trung Quốc). Theo kế hoạch, nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 10/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến ngày 25/7/2022, nhà máy mới vận hành giai đoạn 1, chính thức hòa lưới điện quốc gia.
Nhà máy có 5 lò đốt với 3 tổ máy phát. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ vận hành lò đốt số 3-4 (tổ máy 1), giai đoạn 2 vận hành lò đốt số 1-2 (tổ máy 2), giai đoạn 3 là lò đốt số 5 (tổ máy 3).
Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam. Dự kiến đến tháng 11/2022, nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn sẽ chạy đủ công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tiếp nhận mỗi ngày 5.500 tấn rác, hơn 78% lượng rác toàn thành phố. Khoảng 1.300 tấn rác/ngày vẫn xử lý chôn lấp ở khu xử lý Xuân Sơn. Lượng điện phát ra là 75 MW. Trong đó, lượng điện được tái sử dụng là 15 – 20%; còn lại nhà máy đã ký hợp đồng bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Ông Đỗ Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, nhà máy đã vận hành tổ máy số 1, công suất 15MW, xử lý 1.000 tấn rác tươi, đốt phát điện/ngày. Tổ máy số 2 đã hoàn thành tất cả bước hiệu chỉnh kỹ thuật, đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vận hành. Các lò đốt còn lại số 3, 4, 5 cũng đã được hiệu chỉnh thành công, có thể hoạt động khi được phép.
Theo Báo cáo của Công ty CP Năng lượng Thiên Ý Hà Nội, dự án đang trong giai đoạn vận hành chạy thử các hệ thống, đang dần hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu PCCC. Sau khi hạng mục PCCC được Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nghiệm thu, cũng như hoàn thành công tác chạy thử nghiệm các hệ thống đảm bảo đúng theo quy định pháp luật, Công ty sẽ mời Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành kiểm tra, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng giai đoạn I.
Cũng trong năm 2022, ngày 30/3, Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý Chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội được khởi công. Dự án Nhà máy điện rác Seraphin do Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin (thuộc Tập đoàn AMACCAO) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ Segher của Bỉ. Công suất phát điện là 37 MW (bao gồm 3 lò đốt (công suất mỗi lò là 500 tấn/ngày); 2 tổ máy, gồm: 1 tổ 25 MW, 1 tổ 12MW). Tiến độ thực hiện xây dựng dự kiến là 16 tháng.
Các nhà máy điện rác này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng hiệu suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt và sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc giảm nhu cầu bức thiết về xử lý rác thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội.
Cam kết xử lý triệt để vấn đề về môi trường
Về nguồn nguyên liệu cho các lò đốt, ông Đỗ Tiến Dũng cho hay, đầu mối cung cấp rác cho nhà máy là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội). Nguồn rác này đã được bên cung cấp cam kết sàng lọc theo các tiêu chuẩn cụ thể. Chẳng hạn như loại rác có lẫn rác thải xây dựng mà quá 10%, thì nhà máy sẽ không tiếp nhận.
“Về lâu dài, nếu nguồn rác của Hà Nội không đủ để vận hành, chúng tôi có thể tiếp nhận rác từ các nhà máy trong các khu công nghiệp lân cận” – ông Dũng chia sẻ.
Về công nghệ xử lý khí thải Nhà máy điện rác Sóc Sơn, ông Dũng cũng cho biết, quá trình ủ rác và quá trình cháy của rác trong buồng đốt sẽ sinh ra các chất khí thải ô nhiễm môi trường có các thành phần chủ yếu như mùi hôi, bụi, các gốc axit, furan, dioxin, kim loại nặng. Các thành phần này sẽ bay theo khói mà nếu thải ra ngoài môi trường sẽ gây ô nhiễm và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Vì thế, bắt buộc khói sẽ phải qua xử lý đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn về môi trường sau đó sẽ được quạt qua ống khói ra ngoài.
Các công nghệ hiện đại được sử dụng cho quá trình xử lý khói thải đảm bảo được quy định của nhà nước Việt Nam, và đặc biệt một số thông số quan trọng có ảnh hưởng lớn đến môi trường như hàm lượng furan, dioxin sẽ được vận hành theo tiêu chuẩn của EU.
Nhiều tiềm năng cho các dự án điện rác
Sản xuất điện từ chất thải được coi là một chiến lược đa dạng hóa năng lượng tiềm năng. Thị trường xử lý nhiệt và thu hồi năng lượng đối với chất thải rắn đang tăng trưởng liên tục. Lượng rác thải ra ngày càng tăng, không gian bãi chôn lấp thu hẹp theo các khối tích tụ và các tiêu chuẩn sinh thái cao hơn kích thích xu hướng phát triển này trên toàn thế giới.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường cung cấp năng lượng từ chất thải, trong khoảng 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay, ngoài dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn mới đưa vào vận hành, thì nhiều dự án khác đều đang triển khai rất chậm, hoặc ngừng triển khai.
Tại TP.HCM, lượng rác phát sinh khoảng 10.000 tấn/ngày, dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 12.500 tấn/ngày. Thành phố định hướng đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải phải được đốt phát điện và tái chế. Vì thế, tháng 8/2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Nhà máy đốt rác phát điện Vietstar đã được khởi công với kinh phí khoảng 400 triệu USD.
Tiếp đó, tháng 10/2019, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi), khởi công Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 40 MW với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Thời gian xây dựng nhà máy trong 18 tháng và 4 tháng hiệu chỉnh, vận hành thử. Nhưng, sau khi rầm rộ khởi công, cho đến nay, cả hai dự án này đều chưa hoàn thành.
Tại Hải Phòng, địa phương này tính toán đến năm 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn rác/ngày; giai đoạn 2026 – 2027 khảng 2.600 tấn rác/ngày; giai đoạn 2028 – 2030 khoảng 3.600 tấn rác/ngày. Trong khi đó, Hải Phòng chỉ có 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt với công suất xử lý từ 850 – 1.100 tấn rác thải/ngày.
Trước thực tế này, Hải Phòng cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, các nhà máy điện rác cũng như công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp.
Theo đó, UBND TP Hải Phòng đã có Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với trọng tâm là xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày. Dự kiến đến năm 2025 hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động nhà máy tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An).
Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày. Sau năm 2028, dây chuyền thứ 2 của nhà máy cùng Nhà máy đốt rác phát điện thứ 2 có thể được xây dựng tại Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để xử lý 4.000 tấn rác/ngày.
Tại Bắc Ninh cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng, với tổng mức đầu tư 58 triệu USD tại huyện Thuận Thành. Dự án có công suất xử lý tối đa chất thải rắn 500 tấn/ngđ; công suất phát điện từ 11 – 13 MW, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2023.
Theo lộ trình của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường giai đoạn 2019 – 2025, Bắc Ninh sẽ có 3 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao tại huyện Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài. Khi các nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao đi vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề rác thải tồn đọng ra môi trường.
Tiềm năng to lớn trong phát triển các nhà máy điện rác là một xu thế đã được minh chứng. Bởi, hiện có khoảng 2.500 nhà máy điện rác đang hoạt động trên toàn thế giới, với công suất xử lý hơn 420 triệu tấn rác mỗi năm. Năm 2020, có 104 nhà máy mới đã được lắp đặt với tổng công suất xử lý khoảng 34,8 triệu tấn/năm. Ước tính gần 3.000 nhà máy với công suất hơn 650 triệu tấn/năm sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030.
Ở Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp của Bộ TN&MT, trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó CTRSH đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày, CTRSH nông thôn phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày.
Khối lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 – 16% mỗi năm, tại một số đô thị tỷ lệ CTRSH phát sinh chiếm 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Lượng rác này chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Định hướng và mục tiêu các địa phương đặt ra rất phù hợp trong bối cảnh rác thải sinh hoạt không được xử lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhất thì không dám chắc các dự án nhà máy điện rác sau này có về đúng tiến độ. Vì trên thực tế hiện nay, công nghệ đốt rác phát điện tại Việt Nam còn khá mới và ít, trong khi nhà đầu tư cũng không có nhiều hoặc còn yếu.
Các nhà máy đốt rác ở Hà Nội chậm tiến độ
Theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 5083 ngày 19/3/2016 của UBND TP Hà Nội, dự án nhà máy đốt rác đặt tại Đông Anh có tổng mức đầu tư 768,4 tỷ đồng trên diện tích sử dụng 8,4 ha. Nhà máy sẽ áp dụng công nghệ đốt Plasma. Chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất thực hiện dự án trong 49 năm. Dự kiến đến tháng 4/2017 sẽ hoạt động với công suất xử lý 500 tấn rác thải/ngày, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang. Ngoài ra, Hà Nội còn có 02 dự án nhà máy đốt rác đã được phê duyệt 7 năm nay những chưa triển khai được là dự án Nhà máy rác thải Châu Can (Phú Xuyên) và Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong (Chương Mỹ). |