Phố cổ Hội An trải qua hơn 400 năm hình thành và phát triển đang chịu áp lực lớn về hạ tầng, du lịch. Người dân địa phương lo lắng điều này sẽ dần hủy hoại di sản thế giới.
Hơn 15 năm làm việc tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), ông Đức (37 tuổi, ở xã Cẩm Thanh) chứng kiến từng đổi thay của đô thị di sản văn hóa được UNESCO công nhận này. 15 năm qua, ngày nào ông cũng có mặt ở phố cổ để rảo quanh các con phố, giữ gìn nếp sống trật tự.
Theo ông, qua nhiều năm phố cổ đổi thay, lượng khách mỗi ngày một tăng khiến hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng xuống cấp, không gian phố cổ dần hẹp lại vì khách chật như nêm. Nét sống của người dân và sự phát triển nhanh chóng vì thế đã khiến Hội An thay đổi, nguy cơ hủy hoại đô thị cổ cũng ngày một hiện rõ.
Hạ tầng xuống cấp, không gian sinh hoạt hẹp dần
Lớn lên tại vùng lõi phố cổ Hội An, ông Tăng Hà Ái (59 tuổi, ở đường Bạch Đằng, phường Minh An) nhận ra sự khác biệt lớn từ khi nơi đây đón khách du lịch.
“Thời điểm năm 1999 khi UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới, nơi này chỉ toàn dân phố cổ với trên dưới 1.000 dân. Không gian sinh hoạt, vui chơi của người dân còn rộng. Từ năm 2004, khi phố cổ lác đác khách Tây, việc kinh doanh cũng dần nhen nhóm”, ông Ái cho hay.
Người đàn ông cho hay đến nay, khi lượng khách Tây và nội địa tăng lên, nhiều người dân ở phố cổ không đủ điều kiện tiếp tục kinh doanh đã bán nhà hoặc cho người từ nơi khác đến thuê.
“Đó là sự thay đổi về hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vùng lõi, rồi cách sống, nếp suy nghĩ, quan hệ ở khu phố cổ Hội An cũng đang có chiều hướng mai một. Mật độ dân số dần lấp đầy không gian sinh sống. Mỗi ngày Hội An đón khoảng 5.000-10.000 lượt khách, việc sinh hoạt, vui chơi tại phố cổ dần thay đổi”, ông Ái nói.
Ông cho hay từ năm 2019 về trước hoặc sau dịch Covid-19, khách nội địa rất đông. “Trong khu đô thị, khách đông thì người dân mừng thật, nhưng đông quá sinh ra cảnh chen chúc, không còn chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của phố cổ. Đặc biệt, thời điểm từ 17h đến 21h mỗi ngày là cao điểm khi hàng nghìn người tập trung khu vực chùa Cầu”, ông Ái nói.
Với lượng khách như vậy, ông cho rằng vấn đề kẹt xe, ùn tắc cục bộ là không tránh khỏi. Từ đó, áp lực hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường hiển hiện làm hạ tầng, di tích ở Hội An ngày càng xuống cấp.
Bên cạnh đó, đường sá ở Hội An rất nhỏ, chỗ nào rộng lắm thì 5 m, chật thì 3,5 m, chỉ cần 2 ôtô gặp nhau đã thấy đường chật rồi, chưa nói xe khách lớn đi vào khu trung tâm, khu quảng trường gây nên kẹt cục bộ, ùn tắc phương tiện.
Ông Trần Ấn, người dân phường Tân An, ngao ngán khi hàng ngày thường xuyên chứng kiến cảnh phương tiện tấp nập đưa khách vào khu phố cổ khiến việc lưu thông gặp khó khăn. “Tuy không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, người dân vẫn không thấy thoải mái vì thường xuyên ùn tắc cục bộ tại một số tuyến trung tâm. Việc đi lại vì thế ngày càng khó khăn”, ông Ấn nói.
Đô thị cổ Hội An đang dần bị hủy hoại
Theo ghi nhận của Zing, khu vực phường Minh An được xem là vùng lõi của đô thị cổ Hội An. Nơi đây tập trung các tuyến phố đi bộ và di tích như Chùa Cầu, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Triều Phát… Qua thời gian hơn 400 năm phát triển và ảnh hưởng bởi nhiều lý do như biến đổi khí hậu, thời tiết, nhiều di tích xuống cấp.
Tình trạng xuống cấp tại Chùa Cầu đã diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt hạng mục làm từ gỗ như mái chùa, cột chống đang cần tu bổ trước sức ép từ con người và thiên nhiên.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt khách qua lại tham quan Chùa Cầu, những ngày cao điểm có thể lên đến hơn 10.000 người nên việc sự xuống cấp là mối nguy đối với di tích này. Nhiều kết cấu ở phần cầu và phần chùa có độ tách rời; mái bị dột đã được tu bổ trong 7 lần trước đó.
Ông Đức, 37 tuổi, người dân xã Cẩm Thanh, cho rằng Hội An đang bị quá tải khi mỗi ngày đón từ 10.000 lượt khách. “Đó là áp lực quá lớn lên một đô thị được UNESCO công nhận. Tôi nghĩ điều đó sẽ làm hủy hoại Hội An về lâu dài”, ông nói.
Với 15 năm làm việc tại khu vực phố cổ, ông Đức chứng kiến nhiều đổi thay về hạ tầng giao thông, môi trường khi di tích Chùa Cầu, nhà cổ dần xuống cấp. Hội An là thành phố ở vùng thấp, nước biển dâng và nước thượng nguồn về nên mỗi mùa mưa bão, mới ở báo động 1, đường Bạch Đằng đã ngập. Ngoài ra, tác nhân con người trong hoạt động xây dựng cũng là nguy cơ lớn phá hủy đô thị di sản.
Ông Tăng Hà Ái cho rằng việc xuống cấp của di tích, trong đó có cả nhà ông, một phần do tác động của con người, phần còn lại do thời tiết và thời gian. Khi lượng người đổ về phố cổ đông, các khách sạn kín phòng thì lượng chất thải, rác thải đều ra sông Hoài.
Ông cũng là người từng yêu cầu chính quyền vào cuộc kiểm tra các khách sạn về việc xả thải để tránh ô nhiễm môi trường. Vào mùa hè, từ khu vực Chùa Cầu xuống nhà ông Ái (cách chừng 50 m) mùi hôi bốc lên khó chịu, không ai đứng để ngắm cảnh được.
“Từ những nguyên nhân đó, đô thị Hội An sẽ dần mất đi, không nhanh, nhưng nó sẽ từ từ bị hủy hoại, mỗi năm sẽ hư hại một ít và đến một lúc nào đó sẽ tự hủy từ nhà cửa, môi trường đến các di tích”, người đàn ông lo ngại.
Theo ông Ái, để giảm bớt áp lực về dân số, hư hại di tích, chính quyền cần mạnh dạn xử lý vấn đề môi trường. Việc thứ hai cần phải giải quyết việc lượng khách đông cục bộ trong khu phố cổ.
Cụ thể, có thể nới rộng phố cổ ra đến đường Phan Chu Trinh hoặc xa hơn vài tuyến phố; chợ đêm nên đưa đến khu vực lân cận để thêm không gian phố đi bộ. Đồng thời, xe phải có trung chuyển, đậu đỗ ngoài trung tâm chứ không thể tập trung ở Quảng trường sông Hoài.
“Cần mở rộng du lịch theo tuyến từ phố cổ rồi qua làng gốm Thanh Hà, nới luôn lên thị xã Điện Bàn rồi qua huyện Duy Xuyên, lên Khu đền tháp Mỹ Sơn. Dân phố cổ sẽ rất mừng khi du lịch được tổ chức thành tuyến, giúp giãn khách, giải tỏa áp lực cho phố cổ Hội An”, ông Ái nêu quan điểm.
Đô thị cổ Hội An có diện tích 60 km2, trong đó 15 km2 là hải đảo và được hình thành cách đây khoảng hơn 4 thế kỷ. Đến nay TP Hội An có mật độ xây dựng công trình và mật độ dân số khoảng 1.600 người/km2 tập trung trong khu vực vùng lõi (khi khu vực này chỉ rộng khoảng 1 km2) cao nhất cả tỉnh Quảng Nam. Vào giờ cao điểm, lượng khách du lịch tập trung có thể lên đến 5.000 người tại trung tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết do hình thành lâu cùng nhiều sự tác động của con người và thiên nhiên, rất nhiều công trình trong phố cổ hiện nay đã xuống cấp, hư hại và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, Hội An là vùng thấp trũng, vì vậy mỗi khi mùa mưa bão vấn đề ngập lụt, sạt lở bờ sông cũng gây nên sự hư hại cho các di tích. |