Thời gian qua, các bệnh truyền lây từ động vật sang người ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam tích cực triển khai Chương trình đối tác Một sức khỏe ở các cấp độ khác nhau nhằm bảo vệ sức khỏe con người.
Vậy Chương trình Một sức khỏe có ý nghĩa như thế nào đối với việc kiểm soát dịch bệnh? Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y đã trao đổi với các cơ quan báo chí xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa ông, Chương trình đối tác Một sức khỏe (chương trình hợp tác đa ngành ở các cấp độ quốc gia, khu vực, toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động vật, môi trường) phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, Cục Thú y có vai trò như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Long: Cục Thú y được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao là đơn vị đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động liên quan về phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người; bảo đảm kiểm soát an toàn thực phẩm, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật; kiểm soát thuốc thú y, trong đó có kháng sinh để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Với 3 nhiệm vụ nòng cốt quan trọng như vậy, Cục Thú y có nhiệm vụ kịp thời tham mưu, báo cáo Bộ NN&PTNT để hoàn thiện cơ sở pháp lý. Ví như quy định về an toàn sinh học, an ninh sinh học trong Luật Thú y chưa có thì Cục Thú y tham mưu để đề nghị bổ sung.
Mặt khác, khi có quy định về pháp lý rồi thì phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể ở cấp quốc gia, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hành động ở các địa phương. Muốn làm được, phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các ngành: Y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương, lực lượng công an, quân đội, doanh nghiệp, người chăn nuôi liên quan trực tiếp đến dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người… Mặt khác, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế: OIE (Tổ chức Thú y Thế giới), FAO (Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc), WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên)… để quản lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam. Đây là thách thức lớn trong kiểm soát dịch bệnh.
PV: Vai trò của các địa phương sẽ như thế nào để ngăn chặn hiệu quả tình trạng truyền lây bệnh dịch từ động vật sang người, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Long: Điều quan trọng là các cấp chính quyền địa phương, người dân phải nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Chương trình Một sức khỏe; chú ý 3 trụ cột: Phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người; triển khai các hoạt động kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc thú y trong đó có vaccine để ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh.
Nhận thức phải rõ ràng từ các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý và cơ quan kỹ thuật. Căn cứ vào các quy định của pháp luật để địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực, kể cả việc kiện toàn hệ thống thú y cấp cơ sở, giúp hệ thống thú y cấp cơ sở có đủ năng lực triển khai hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc để kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, giúp công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Ông vừa nhắc đến lực lượng quân đội, công an trong việc thực hiện Chương trình Một sức khỏe ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh từ động vật sang người. Đề nghị ông cho biết cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Văn Long: Lực lượng quân đội, công an có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho ngành nông nghiệp, y tế, môi trường trong vấn đề thực hiện Chương trình Một sức khỏe, ngăn chặn các mối nguy từ bên ngoài vào nước ta. Các mầm bệnh thông qua buôn bán, vận chuyển động vật, trong đó có tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép từ nước ngoài vào nước ta vẫn còn diễn biến khá phức tạp.
Chính vì thế, lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an (kinh tế, môi trường) có vai trò giám sát, ngăn chặn việc nhập lậu động vật, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giao lực lượng công an lập các chuyên án điều tra về nhập lậu động vật, trong đó có vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, Bộ đội Biên phòng thành lập các tổ, đội kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng nhập lậu động vật và buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
Không chỉ là động vật nhập lậu, động vật hoang dã mà cả các loại thuốc thú y, các loại vaccine chưa qua kiểm duyệt có thể là mối nguy tiềm ẩn; lực lượng công an, quân đội có vai trò then chốt trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các mối nguy từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta.
PV: Đề nghị ông cho biết ý nghĩa của việc chúng ta thực hiện Chương trình đối tác Một sức khỏe?
Ông Nguyễn Văn Long: Ý nghĩa vô cùng quan trọng là bảo vệ cuộc sống con người, bảo vệ môi trường… Để làm sao chúng ta vừa phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm ổn định, phát triển bền vững, không làm hại sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!