Sau kế hoạch đưa voi ma mút lông xoăn trở lại, công ty kỹ thuật di truyền Colossal đang tìm cách hồi sinh một loài động vật đã tuyệt chủng khác: Hổ Tasmania.
Dự án tham vọng
Gần 100 năm sau khi tuyệt chủng, hổ Tasmania có thể sống lại một lần nữa. Các nhà khoa học muốn hồi sinh loài thú ăn thịt có tên gọi chính thức là thylacine, từng sinh sống ở vùng rừng cây bụi ở Australia.
Dự án đầy tham vọng này sẽ khai thác những tiến bộ trong di truyền học, phục hồi ADN cổ đại và sinh sản nhân tạo để đưa loài thú ăn thịt này trở lại.
Giáo sư Andrew Pask, Đại học Melbourne, lãnh đạo Thylacine Integrated Genetic Restoration Research Lab – người dẫn dắt sáng kiến – cho hay, công nghệ này có thể áp dụng trong những trường hợp đặc biệt khi các loài nền tảng đã bị mất.
Dự án được thực hiện thông qua hợp tác với Colossal Biosciences của doanh nhân công nghệ Ben Lamm và nhà di truyền học George Church của Trường Y Harvard. Colossal Biosciences trước đó thực hiện dự án 15 triệu USD đầy tham vọng nhằm đưa voi ma mút lông xoăn trở lại.
Hổ Tasmania có kích thước như chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ. Loài động vật này biến mất cách đây khoảng 2.000 năm ở hầu khắp mọi nơi trên Trái đất, ngoại trừ đảo Tasmania của Australia. Là động vật ăn thịt đầu bảng có túi duy nhất sống ở thời hiện đại, hổ Tasmania đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà nó tồn tại.
Tuy nhiên, những người định cư Châu Âu trên đảo vào những năm 1800 cho rằng hổ Tasmania gây thiệt hại cho gia súc và săn bắt những con hổ Tasmania có đặc tính nhút nhát, thường kiếm ăn vào đêm đến mức tuyệt chủng.
Con hổ Tasmania cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt, tên là Benjamin, chết năm 1936 tại vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania. Việc con hổ Tasmania cuối cùng chết diễn ra chỉ ít lâu sau khi hổ Tasmania được đưa vào tình trạng bảo vệ, nhưng động thái đó đã quá muộn để cứu loài động vật này.
Bản kế hoạch di truyền
Dự án bao gồm một số bước phức tạp kết hợp khoa học và công nghệ tiên tiến, như chỉnh sửa gene và tạo tử cung nhân tạo.
Trước tiên, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng một bộ gene chi tiết của loài động vật đã tuyệt chủng và so sánh với bộ gene của họ hàng gần nhất còn sống – một loài thú có túi ăn thịt có kích thước bằng chuột được gọi là chuột dunnart đuôi béo – để xác định sự khác biệt.
“Sau đó, chúng tôi lấy các tế bào sống từ dunnart và chỉnh sửa ADN của chúng ở những điểm khác với thylacine. Về cơ bản, chúng tôi đang thiết kế tế bào dunnart trở thành tế bào hổ Tasmania” – chuyên gia Pask giải thích.
Khi nhóm lập trình thành công một tế bào, ông Pask cho biết, tế bào gốc và các kỹ thuật sinh sản liên quan đến chuột dunnar làm vật thay thế sẽ “biến tế bào đó trở lại thành động vật sống”.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi với công nghệ này là khôi phục những loài đó về tự nhiên, nơi chúng đóng vai trò hoàn toàn thiết yếu trong hệ sinh thái. Hy vọng cuối cùng của chúng tôi là một ngày nào đó bạn sẽ được nhìn thấy chúng ở vùng Tasmania một lần nữa” – ông nói.
Chuột dunnart nhỏ hơn nhiều so với hổ Tasmania trưởng thành, nhưng chuyên gia Pask nói rằng tất cả các loài thú có túi đều sinh con nhỏ, đôi khi nhỏ bằng hạt gạo. Điều này có nghĩa là ngay cả một loài thú có túi cỡ con chuột cũng có thể làm mẹ thay thế cho một động vật trưởng thành lớn hơn nhiều như thylacine, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Ông Pask nói thêm, việc đưa thylacine trở lại môi trường sống cũ phải được thực hiện rất thận trọng, với yêu cầu nghiên cứu về loài động vật và sự tương tác của chúng trong hệ sinh thái qua nhiều mùa và ở những khu vực rộng lớn.
Nhóm nghiên cứu chưa đặt ra mốc thời gian cho dự án, nhưng chuyên gia Lamm cho rằng tiến độ sẽ nhanh hơn nỗ lực đưa voi ma mút lông xoăn trở lại.
Kỹ thuật này cũng có thể giúp các loài động vật còn sống, như quỷ Tasmania, tránh được số phận của loài thylacine.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thiếu công nghệ để lấy mô đó – mô tạo ra các tế bào gốc của thú có túi – và sau đó biến những tế bào đó thành một động vật sống. Đó là công nghệ mà chúng tôi sẽ phát triển trong dự án này” – ông Pask cho hay.