Bẫy thú – Loại sát thủ động vật hoang dã quý hiếm

Vào một buổi sáng sớm tháng 1 năm 2013, các nhân viên kiểm lâm tuần tra Vườn Quốc gia Kahuzi-Biéga, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đã phát hiện một con khỉ đột Grauer cái nhỏ tuổi đang bị một sợi dây thừng quấn chặt quanh tay. Nó được các kiểm lâm biết đến với cái tên Iragi, có nghĩa là “may mắn” trong tiếng Congo. Tuy vậy lúc bấy giờ, nó không thể di chuyển, và có thể sẽ chết nếu không được cứu.

Các loại bẫy thú có thể gây chết động vật hoang dã. Thực tế, đây cũng chính là vấn đề. Những kẻ săn trộm trên khắp thế giới sử dụng dây thừng, dây điện hoặc dây cáp phanh để làm những chiếc bẫy giống như thòng lọng, công nghệ thấp và đơn giản. Chúng được đặt trong rừng để bẫy các loài động vật.

Mục tiêu chủ yếu của thợ săn là linh dương và các loài thú nhỏ hơn để ăn hoặc bán làm thịt, nhưng bẫy thú thì không quan tâm đến điều đó. Chúng không ưu tiên loài nào hơn loài nào, và thường giết những con vật không phải mục tiêu của thợ săn như voi, sư tử, hổ, hươu cao cổ, hay một con khỉ đột Grauer non nớt và cực kỳ nguy cấp như Iragi.

Ảnh: Gorilla Doctors.

Khi các nhân viên kiểm lâm phát hiện ra tình trạng của Iragi, họ đã báo cho Gorilla Doctors, một tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y ở Rwanda, Uganda và Congo về những con khỉ đột đã quen với sự hiện diện của con người. Thời gian vô cùng khẩn cấp. Gorilla Doctors đã cử đội tại Congo của mình đến hiện trường ngay lập tức.

Ảnh: Gorilla Doctors

Kirsten Gilardi, giám đốc điều hành kiêm giám đốc thú y của Gorilla Doctors cho biết: “Đây là những loài động vật hoang dã, vì vậy chúng tôi muốn càng không can dự càng tốt. Chúng tôi chỉ can thiệp để cung cấp dịch vụ chăm sóc thú y khi có bệnh tật hoặc thương tích nguy hiểm đến tính mạng.”

Đó là lý do tại sao các tổ chức phi chính phủ hầu như luôn can thiệp vào các trường hợp động vật bị sập bẫy.

“Bản chất của những chiếc bẫy khiến chúng gần như không thể bị loại bỏ: con vật càng vùng vẫy thì bẫy càng chặt. Vì vậy, những con khỉ đột không thể thoát khỏi cái bẫy đó.” Gilardi giải thích.

Ảnh: Gorilla Doctors

Những cái bẫy đó được gỡ ra càng sớm càng tốt..  Gilardi cho biết thêm: “Bẫy ở trên chân của con vật càng lâu thì càng có nhiều nguy cơ bị thương nặng” vì bẫy có thể cắt qua da và mô của một con vật đang vùng vẫy và gây nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Các nhân viên kiểm lâm tuần tra của Kahuzi-Biéga luôn tìm kiếm để loại bỏ những cái bẫy. Vì các khu vực xung quanh vườn quốc gia đó có mật độ dân cư đông đúc, nên có con người tạo ra rất nhiều áp lực đối với động vật hoang dã ở đó, và việc tìm ra bẫy là điều thường xuyên xảy ra.

Gilardi chia sẻ: “Chúng tôi nhờ vào nhân viên vườn quốc gia để phát hiện,” và cũng lưu ý rằng Gorilla Doctors chuyên cung cấp khóa đào tạo để phát hiện những con vật bị thương do bẫy. Ví dụ, một con khỉ đột bị mắc bẫy có thể đang đi khập khiễng hoặc ít sử dụng tay hoặc chân. Một nhân viên kiểm lâm cũng có thể nhận biết một con vượn cáo đang ngửi hoặc liếm phần cơ thể bị thương, hoặc dùng tay để cố gắng gỡ bỏ dây điện. Hoặc một con khỉ đột con có thể khóc vì đau đớn. Gilardi nói: “Bộ lông của chúng dày đến kinh ngạc, vì vậy nếu chiếc bẫy siết chặt hoặc không có phần đuôi dài lủng lẳng, chúng ta có thể phát hiện ra chúng.”

Để giúp đỡ Iragi, Trưởng bác sĩ thú y Congo thuộc Gorilla Doctors, Eddy Kambale Syaluha, thường được gọi là tiến sĩ Eddy, đã mang theo một “túi” vật tư y tế và đi bộ đến địa điểm với một đội kiểm lâm và theo dõi. Chẳng bao lâu, họ xác định được vị trí của con khỉ đột bị thương, nó đang nghỉ ngơi gần một con gorilla lưng bạc già. Các ngón tay của nó cứng và sưng lên, nhưng dây bẫy vẫn chưa cắt qua da của nó.

Các nhân viên kiểm lâm và những người theo dõi đảm bảo những con khỉ đột khác ở khoảng cách an toàn. Nhân lúc đó, tiến sĩ Eddy đã gây mê cho Iragi và cắt đứt chiếc bẫy, cứu sống nó.

Tất tần tật về những chiếc bẫy: Dễ, rẻ, chết người

Iragi quả thực đã rất may mắn. Mỗi năm, hàng triệu con vật vô danh đã bị mắc kẹt và chết vì bẫy ở khắp châu Phi, châu Á và các nơi khác để nuôi sống các hộ gia đình nông thôn và cung cấp thịt cho các thị trường đô thị đang bùng nổ.

Peter Lindsey, giám đốc của Quỹ Phục hồi Sư tử, đồng thời là người chuyên đầu tư vào các dự án trên khắp châu Phi để giúp sư tử và khôi phục môi trường sống của chúng, giải thích: “Mọi người thường đặt bẫy để kiếm thức ăn, hoặc để bán. Một thách thức lớn đó là săn bắt thịt rừng đã có thời xa xưa, nhưng số người [làm việc này] đã tăng lên đáng kể trong khi nguồn tài nguyên động vật hoang dã lại suy giảm nghiêm trọng – vì vậy nhu cầu về thịt rừng lớn hơn nhiều so với nguồn cung. Do đó, việc săn bắt thịt rừng gần như luôn thiếu bền vững, trừ khi tuân theo những mức hạn ngạch thiết thực.”

Bẫy là một phương pháp phổ biến được sử dụng để săn thịt rừng, với nhiều lý do khiến chúng được sử dụng rộng rãi. Đáng chú ý, việc dùng bẫy đánh trúng bộ ba tiêu chí trong săn mồi: Chúng rẻ, hiệu quả và được làm từ các vật liệu dễ kiếm, như dây thừng, dây điện hoặc cáp phanh.

Thomas Gray, trưởng nhóm phục hồi và cảnh quan hổ của WWF và là đồng tác giả của một số nghiên cứu về bẫy mang tính đột phá, bao gồm nghiên cứu Bảo tồn và Đa dạng sinh học năm 2018 mô tả tình trạng khẩn cấp về bẫy thú hoang dã ở Đông Nam Á, cũng như báo cáo năm 2020 của WWF “Sự im lặng của bẫy thú: Cuộc khủng hoảng săn mồi ở Đông Nam Á.” Thomas giải thích, những chiếc bẫy công nghệ thấp phổ biến này không chỉ rẻ tiền và dễ đặt, mà chúng còn “hiệu quả và đòi hỏi ít kỹ năng hơn so với việc theo dõi một con vật bằng súng.”

Jan Kamler, cộng sự nghiên cứu của Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Đại học Oxford ở Anh, người đã nghiên cứu báo hoa mai, sói lửa và các động vật Đông Nam Á khác, đồng tình. “Đó là một phương pháp rất rẻ. Bạn không cần phải mua súng và đạn.”

Kamler đã chứng kiến nhiều phương pháp bẫy khác nhau được sử dụng ở Châu Á. Ví dụ, bẫy chân là một loại bẫy phổ biến. Chúng được tạo ra bằng cách đào một cái lỗ, đặt một vòng dây xung quanh nó và gắn nó vào một cái cây uốn cong. Bẫy sẽ được kích hoạt khi một con vật bước vào đó. Cái hố được che bởi những dải tre và đất. Những người thợ săn sử dụng bẫy chân bởi vì lợn rừng – mục tiêu chính của họ – sẽ sống sót được nhiều ngày sau khi chân mắc vào bẫy. Điều đó có nghĩa là thịt của nó vẫn tươi. Một loại khác là bẫy điện được thiết lập xung quanh các hố nước. Một sợi dây được buộc giữa các trụ được kết nối với một nguồn pin điện, có thể gây điện giật cho bất kỳ con vật nào đến uống nước.

Ở một số nơi sử dụng bẫy chăn, tức là có rất nhiều bẫy giăng ra một khu vực lớn mà bất kỳ con vật nào đi ngang qua cũng không thể tránh được. Các loài động vật nhỏ, như cầy hương, sẽ không mắc phải những cái bẫy này. Nhưng bất cứ con gì nặng hơn khoảng 5kg sẽ trở thành nạn nhân. Kamler nói rằng bẫy chăn là mối đe dọa lớn nhất đối với động vật. “Bẫy chăn không được [sử dụng] ở khắp mọi nơi, nhưng số lượng bẫy lại đang tăng lên.” Điều đó làm Kamler cảm thấy lo lắng.

Kamler giải thích, việc này bắt đầu ở Việt Nam, “khi các loài động vật [ở đó] trở nên hiếm hơn, các thợ săn đặt nhiều bẫy hơn để duy trì số lượng động vật bị giết.” Chẳng bao lâu, việc đặt bẫy đã phổ biến đến các khu vực biên giới, nơi những người khác đã học hỏi và áp dụng kỹ thuật này. Kamler nói: “Bẫy chăn [bây giờ] đã lan sang Lào và Campuchia. Và tôi không biết làn sóng này còn lan đến đâu nữa.”

Ở châu Phi, những kẻ săn trộm cũng giăng ra những đường dây bẫy nơi động vật thường tụ tập. Peter Lindsey, làm việc tại Quỹ Phục hồi Sư tử cho biết: “Những cái bẫy thường được đặt ở những khu vực tập trung nhiều động vật hoang dã, ví dụ như dọc theo những con đường mòn dẫn đến nguồn nước, hoặc tại những nơi động vật hoang dã luồn lách qua những con đường hẹp.”

Nhà bảo tồn hà mã Karen Paolillo, đồng thời là người sáng lập Turgwe Hippo Trust và là tác giả của A Hippo Love Story, đã mô tả những gì cô ấy đã chứng kiến. Thông thường, hà mã ra vào sông tại cùng một vị trí. Đó là nơi những kẻ săn trộm giăng bẫy. Karen cho biết, từ năm 2001 đến năm 2007, điều đó thường xuyên xảy ra ở phần phía nam của Khu bảo tồn Thung lũng Savé tại Zimbabwe, một khu bảo tồn thú săn tư nhân. “Các dây bẫy khổng lồ được đặt trong bụi rậm với lên đến 100 bẫy chỉ trong một hàng.”

Mỗi ngày, Paolillo và chồng cô đều đi vào các bụi rậm nơi những con hà mã thường gặm cỏ để tìm bẫy. Mặc dù mảnh đất mà họ quan sát được là tương đối nhỏ – chỉ 32km vuông, nhưng mỗi năm họ đã loại bỏ tới 1.000 bẫy. “Chúng tôi thường sẽ tìm thấy những cái bẫy trên mọi lối ra vào sông của hà mã”

Kể từ đó, tình hình đã được cải thiện. Karen cho biết, nhờ các cuộc tuần tra hàng ngày đều đặn, tình trạng động vật mắc bẫy đã giảm đáng kể. Bây giờ, mỗi năm họ loại bỏ khoảng 250 cái bẫy trong khu bảo tồn nhỏ của họ.

Ảnh: Thomas Gray

Những cái bẫy cung ứng cho thị trường thịt rừng 

Kamler nói rằng, “Đặt bẫy là một phương pháp hiệu quả để săn được số lượng lớn thịt rừng,” và thịt rừng thường được dành cho các thị trường thành thị.

“Người ta thường cho rằng những cái bẫy chủ yếu được đặt bởi những kẻ săn mồi,” Grey lưu ý. “Nhưng điều này vẫn chưa được chứng minh.” Grey đề cập đến các cuộc trò chuyện với những người thợ săn, người trung gian và chủ nhà hàng trên khắp Campuchia – những người chứng minh rằng thịt thú rừng bị bẫy được vận chuyển nhanh chóng từ các khu vực tỉnh lẻ đến các chợ và nhà hàng ở thị trấn và các thành phố lớn nhất gần nhất, thậm chí đến cả thủ đô Phnom Penh.

Grey cho biết, số lượng lớn động vật được tiêu thụ ở các trung tâm đô thị này là những loài đã bị mắc bẫy trong các khu rừng cấm. Và những khu rừng cấm này là nguồn duy nhất có thể cung cấp các loại thịt đó.

Theo Chris Shepherd, người sáng lập và giám đốc điều hành của Tổ chức Nghiên cứu Bảo tồn Monitor – một tổ chức phi chính phủ tập trung vào các loài ít được biết đến và buôn bán động vật hoang dã, Myanmar cũng đang trải qua tình trạng tương tự. Shepherd chỉ ra rằng: “Rõ ràng [từ các bằng chứng cho thấy], bẫy thú được sử dụng để phục vụ cho thị trường thịt rừng ở Myanmar.”

Các nhà bảo tồn lưu ý rằng đặt bẫy là một trong những cách săn mồi tàn nhẫn nhất. Theo báo cáo “Sự im lặng của những chiếc bẫy” của WWF, “Các con vật mắc bẫy có thể chết mòn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần vì bị thương, mất nước hoặc vì đói”. Và ngay cả khi chúng cố gắng trốn thoát, “chúng thường sẽ chết sau đó vì vết thương bị nhiễm trùng, hoặc chết đói do vết thương đã hạn chế khả năng đi lại, kiếm ăn hoặc đi săn của chúng.”

“Ngoài vấn đề về tính bền vững, những thách thức khác được chỉ ra đó là việc những cái bẫy không bao giờ chọn lọc và thường giết chết các loài không phải mục tiêu của chúng, gây ra vết thương nghiêm trọng mà không giết được nạn nhân, và thường bị bỏ đi vì những kẻ săn trộm không phải lúc nào cũng kiểm tra bẫy thường xuyên,” Lindsey chia sẻ.

Kamler báo cáo về một vấn đề tương tự đang diễn ra trên khắp Đông Nam Á. “Một người có thể đặt hàng ngàn chiếc bẫy. Nhưng họ chỉ kiểm tra một tuần một lần.” Vào cuối mùa khô – thời điểm săn bắt chính, thợ săn hiếm khi thu dọn bẫy vì dây bẫy rất rẻ. “Bất cứ loài động vật nào bị bắt đều bị bỏ mặc để chết dần trong nắng nóng. Đó là một cách tàn nhẫn để săn trộm động vật. Và có lẽ đó là cách hầu hết các loài động vật bị giết ở Đông Nam Á.”

Những chiếc lưới trôi dạt trên cạn

Quy mô toàn cầu của việc giăng bẫy có thể khiến bạn kinh ngạc. Báo cáo “Sự im lặng của những chiếc bẫy” của WWF ước tính, đang có 12 triệu cái bẫy ở khắp các khu bảo tồn của Campuchia, Lào và Việt Nam, và con số có thể lớn hơn nhiều nếu tính trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Con số đó dẫn đến một số lượng lớn thương vong ngoài ý muốn của động vật.

Báo cáo của WWF cho thấy: “Những cái bẫy có thể bắt gọn tất cả các loài động vật không may mắc vào chúng. Chúng cũng giống với những tấm lưới ma dưới đại dương đã tàn phá đa dạng sinh học dưới biển và ở vùng nước ngọt.”

Kết quả là “hội chứng rừng trọc” và sự gia tăng nhanh chóng của “sự đào thải – hoặc sự loại bỏ các loài động vật ra khỏi các hệ sinh thái” ở Đông Nam Á.

Ảnh: Dr. Raju Kasambe via Wikimedia Commons (CC BY-SA 4.0)

Các loài quý hiếm thường bị ảnh hưởng nặng nề

“Các loài động vật móng guốc có nguy cơ tuyệt chủng như bò banteng và sao la không phải là mục tiêu của những kẻ săn mồi. Nhưng chúng, một cách tình cờ, vẫn trở thành nạn nhân, ”Gray nói.

Hổ cũng bị đe dọa bởi bẫy theo như báo cáo của WWF gọi bẫy là “mối đe dọa lớn nhất đối với sự hiện diện lâu dài của hổ ở Đông Nam Á.” Thật vậy, loài mèo lớn có nguy cơ tuyệt chủng này phải đối mặt với nguy cơ kép: bẫy không chỉ giết chúng, mà còn tác động đến các con mồi của chúng.

Kamler cho biết: “Trước tiên, những cái bẫy sẽ săn các kẻ săn mồi đơn độc như hổ.” Sau đó, “bẫy sẽ bắt đầu tàn sát những con vật nhỏ hơn,” như sói lửa hoặc chó hoang châu Á – những loài sống theo bầy đàn và cần những khu vực rộng lớn để săn mồi. Chỉ còn khoảng 2.500 cá thể sói lửa trong tự nhiên, khiến chúng còn bị đe dọa nhiều hơn cả hổ.

Grey giải thích: “Sói lửa gặp rất nhiều bẫy vì chúng hoạt động trên những khu vực rộng lớn. Và chúng có thể gặp bất hạnh khi xuất hiện ở nơi có những loài khác” mà thợ săn đang tìm kiếm.

“Nếu một vài con tách ra từ một đàn bị mắc kẹt, thì đàn đó vẫn có thể hoạt động. Vì vậy, chúng có thể sẽ có khả năng sống sót khi gặp bẫy hơn các loài ăn thịt khác,” Kamler nói. “Nhưng cuối cùng bẫy cũng sẽ tóm được chúng.”

Gray cũng có những nỗi lo tương tự. Ông nói: “Các con sói lửa đang lặng lẽ biến mất, phần lớn là do chúng bị mắc bẫy.” Sói lửa không có giá trị như thịt rừng hay thuốc cổ truyền, vì vậy những người thợ săn thường để chúng dần thối rữa trong bẫy.

Sao la, một loài động vật móng guốc cực kỳ nguy cấp, là một loài động vật khác mà các nhà bảo tồn lo ngại có thể bị xóa sổ vì bẫy thú. Sao la, còn được mệnh danh là “kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú có vú lớn ít được biết đến nhất trên thế giới, bởi từ năm 2013 chưa có cá thể sao la sống nào được phát hiện. Chúng chỉ sống ở dãy Trường Sơn giữa Lào và Việt Nam. Tổ chức Sao la cho rằng phạm vi hoạt động lớn của chúng sẽ làm tăng khả năng mắc phải dây bẫy. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế lưu ý rằng, ngay cả khi chúng không phải là mục tiêu của những chiếc bẫy, “mối đe dọa lớn nhất đối với sao la đến từ hoạt động săn bắn, đặc biệt là từ bẫy không chọn lọc.”

Không có giải pháp dễ dàng cho cuộc khủng hoảng bẫy lan rộng thâm căn cố đế 

Nhiều nỗ lực cứu sao la đã tập trung vào việc gỡ bẫy. Ví dụ, chương trình của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Lào đã loại bỏ hơn 7.800 dây bẫy tại Khu bảo tồn các loài nguy cấp ở Phou Sithone (ESCA) từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2014 để bảo vệ sao la.

Kamler hồi tưởng lại một chương trình khác ở Lào đã trả cho người dân địa phương 1 đô la cho mỗi lần gỡ bẫy. Tuy nhiên, ông kết luận, “giải pháp này không hiệu quả vì đơn giản, bẫy có thể được đặt lại.”

Đây “giống như một trò chơi trốn tìm”, nhà bảo tồn Việt Nam Minh Nguyễn viết trên blog của Quỹ Sao la. “Lực lượng kiểm lâm luôn khẩn trương tháo dỡ các đường dây bẫy trộm ngay cả khi những kẻ săn trộm đang đặt lại bẫy ở các địa điểm khác. Bẫy rất khó phát hiện; Tốc độ đặt bẫy có thể nhanh hơn tốc độ kiểm lâm có thể tìm thấy chúng, và ngay cả những nỗ lực quyết liệt nhất của các đội tuần tra cũng không đủ hiệu quả để giảm nguy cơ đối với các động vật có vú như Sao la và Mang Vũ Quang, những loài rất dễ mắc phải kỹ thuật đặt bẫy này.”

Gray khẳng định: “Đó là một trận chiến không bao giờ kết thúc. Ngay cả những kiểm lâm được đào tạo chuyên loại bỏ số lượng lớn bẫy cũng nói rằng họ bỏ sót rất nhiều bẫy do chúng được ngụy trang rất cẩn thận. Bạn có thể chỉ đang loại bỏ một trong số rất nhiều cái bẫy, vì vậy bạn sẽ không thay đổi được động lực của thợ săn. Ngoài ra, việc đặt lại bẫy cũng rất dễ dàng. Vì vậy, việc loại bỏ bẫy không có tác dụng răn đe.”

Cũng rất khó để bắt quả tang ai đó đang thực hiện hành vi giăng bẫy – đó là lý do tại sao những nỗ lực khác đang nhằm ngăn chặn mọi người đặt bẫy ngay từ đầu. Điều đó có thể được thực hiện thông qua sự kết hợp của nhiều phương pháp.

Gray đề cập đến Malaysia như một ví dụ có thể được áp dụng ở những nơi khác. Quốc gia Đông Nam Á này kết hợp việc tuần tra tình báo tại các điểm tiếp cận khu vực được bảo vệ, nơi luật pháp cho phép bắt giữ những người đi vào các khu bảo tồn mang theo vật liệu cho thấy có ý định giăng bẫy (chẳng hạn như 50 dây cáp xe máy).

Những người đang cố gắng giải quyết vấn đề bẫy cũng cần tập trung nhiều vào việc thay đổi hành vi, đặc biệt là giảm nhu cầu về thịt rừng của khách tại thành thị. “Xét cho cùng, đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta cần phải làm,” Gray nói. “Nhưng cần có thời gian [để thay đổi thói quen ăn uống đã ăn sâu của mọi người] và giải pháp này cần được kết hợp với việc thực thi pháp luật tình báo trong các khu vực cấm.”

Cho đến khi giải pháp này được thực hiện, việc gỡ bẫy và giúp động vật bị mắc kẹt vẫn là một phần quan trọng của giải pháp.

Mỗi chiếc bẫy được gỡ bỏ đồng nghĩa với một mạng sống được cứu sống – câu chuyện này tiếp nối câu chuyện khác đã chứng minh điều này.

Vào tháng 6 năm nay, Sheldrick Wildlife Trust và Đơn vị thú y di động Tsavo của Kenya Wildlife Service đã giải cứu một con hươu cao cổ bị sa bẫy của một kẻ săn trộm. Sheldrick Wildlife Trust chia sẻ: “Nếu được cứu muộn hơn, con hươu cao cổ này có thể bị mất tứ chi – và tính mạng của nó.”

Nhưng nhờ sự can thiệp nhanh chóng, con hươu cao cổ đã được giải thoát và nhanh chóng có thể hoạt động lại chân của mình. Nó có thể sẽ phục hồi hoàn toàn.

Trước đó một tuần, một chú voi con mắc vào bẫy cáp đã được cứu và chữa trị; bây giờ đã đứng lại được trên đôi chân của mình, và nó được đánh giá với một tiên lượng tích cực. “Nếu không có sự can thiệp,” Sheldrick Wildlife Trust viết, “chiếc bẫy có thể đã cướp đi mạng sống của nó.”

Trong cùng tuần đó, một con voi 3 tuổi cũng được cứu thoát khỏi bẫy. “Con voi con này vốn có cả một cuộc đời ở phía trước,” tổ chức chia sẻ. “Nhưng chỉ một vòng dây đã đe dọa tước đi tất cả những điều đó. Giờ đây, con vật vẫn có hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn ”.

Gorilla Doctors đã làm điều tương tự cho Iragi. Gần một thập kỷ trôi qua, Iragi là một cá thể trưởng thành khỏe mạnh. Và Iragi đã có hai đứa con. Con đầu tiên của Iragi đã chết, những con thứ hai, một con đực 11 tháng tuổi, vẫn đang phát triển mạnh. Sự ra đời của nó chứng tỏ rõ ràng việc loại bỏ một chiếc bẫy ảnh hưởng đến không chỉ một cá thể mà là cả các thế hệ sau này.

Trúc Mai (Theo Mongabay)

Nguồn: