Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) mới đây cảnh báo, thiệt hại kinh tế từ những đợt nắng nóng và hạn hán ở châu Âu có thể còn lớn hơn nhiều so với tác động của khủng hoảng năng lượng. Đây cũng là một trong những nhân tố gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế của châu lục.
Những đợt nắng nóng kéo theo cháy rừng tràn lan đang là thách thức lớn với châu Âu. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 57.200 ha rừng tại Pháp đã bị “giặc lửa” thiêu rụi, nhiều gấp 6 lần mức trung bình cả năm từ trước tới nay. Nước Pháp đã ghi nhận tháng 7 là tháng khô hạn nhất trong hơn 60 năm qua, với lượng mưa chỉ 9,7 mm.
Tại Tây Ban Nha, khô hạn kéo dài cũng khiến tháng 7 trở thành tháng nóng nhất kể từ năm 1961. Theo Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua cũng là thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận, với trữ lượng nước ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Chính phủ Hà Lan cũng chính thức tuyên bố tình trạng thiếu nước vào ngày 3/8 vừa qua. Anh phải ban bố cảnh báo nắng nóng màu hổ phách, tức là “nắng nóng cực đoan” sau khi nhiệt độ lên tới 40oC.
Điều kiện thời tiết khô hạn dẫn đến các vụ cháy rừng gia tăng, với diện tích rừng bị cháy lớn chưa từng có, đặc biệt là ở Địa Trung Hải. Một khu vực có diện tích gấp đôi thủ đô Rome của Italia đã bị lửa thiêu rụi chỉ trong tháng 7 vừa qua. Mặc dù mùa hè ở châu Âu chưa kết thúc, nhưng năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục về các vụ cháy rừng, với gần 660.000ha rừng bị tàn phá, mức cao nhất kể từ năm 2006.
Nắng nóng, cháy rừng tác động nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế của châu Âu. Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu chung thuộc Liên minh châu Âu (EU), nắng nóng và hạn hán có thể khiến sản lượng ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở châu Âu giảm từ 8 đến 9%.
Đối phó nắng nóng kỷ lục, Pháp đã công bố các quy định hạn chế sử dụng nước chưa từng có, như cấm người dân tưới cỏ, rửa xe… Giao thông đường sông cũng bị ảnh hưởng do mực nước tiếp tục giảm. Điểm đo tại Kaub trên sông Rhine, tuyến đường vận tải thủy quan trọng nhất ở châu Âu, đã giảm xuống 49cm vào ngày 7/8. Nếu mực nước giảm thêm 9cm, toàn tuyến đường thủy này sẽ không thể hoạt động.
Theo ESA, các đợt nắng nóng liên tiếp và thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất năng lượng hạt nhân, thủy điện và năng lượng gió ở châu Âu. Sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng ngừng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân Pháp, thời tiết nắng nóng và hạn hán đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Hạn hán kết hợp với nắng nóng khắc nghiệt có khả năng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các turbine gió, các công trình thủy điện, các nhà máy nhiệt điện than và lò phản ứng hạt nhân. Công suất của các nhà máy thủy điện buộc phải giảm do ảnh hưởng của hạn hán, trong khi gió yếu cũng gây khó khăn cho sản xuất điện gió.
Giới chuyên gia cho rằng, sự kết hợp của các yếu tố này có thể khiến các nước châu Âu chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn để bảo đảm nguồn cung điện, từ đó đẩy giá năng lượng tăng cao.
Nắng nóng còn tác động tới ngành du lịch của châu Âu, vốn vẫn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Mặc dù mùa hè này được đánh giá là mùa du lịch lớn nhất châu Âu kể từ năm 2019, song thời tiết nắng nóng đang cản trở nhiều kế hoạch của du khách. Nhiều du khách đã phải trì hoãn chuyến đi hoặc thay đổi điểm đến.
Rõ ràng, thời tiết khắc nghiệt đang tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, là một yếu tố cản trở đà phục hồi của nền kinh tế châu Âu.