Từng bị tàn phá bởi du lịch quá tải, Vịnh Maya – vịnh thiên đường của Thái Lan đã được hồi sinh ấn tượng. Chính phủ Thái Lan đã có bước xử lý thế nào để cứu lấy một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới này?
Một buổi sáng tháng 2 năm nay, chỉ vài tuần sau khi chính quyền Thái Lan mở lại vịnh Maya, một trong những điểm hấp dẫn du khách nhất thế giới sau lần đóng cửa đầu tiên vào tháng 6/2018 theo một chương trình khôi phục hệ sinh thái đầy tham vọng, đã có 1 lượng nhỏ du khách được lên đảo.
Một du khách rảo bước bên bờ biển, một bên là những khối đá vôi muôn hình dáng như đang nổi trên mặt nước trong vắt. Xa hơn, những con cá mập đầu đen đang bơi lượn trong vịnh, vây của chúng vỗ mặt nước như gương. Maya sở hữu một vẻ đẹp siêu thực.
Vài giờ sau đó, lượng khách đến chậm rãi nhưng đều đặn khiến hòn đảo trong vịnh trở nên đông đúc hơn khi hàng chục du khách bước trên lối đi lát ván mới được dựng lên, tìm đường đến bãi biển cát trắng nổi tiếng với điện thoại trong tay để nhanh chóng ghi lại những bức hình.
Một vài trong số đó đánh liều bước xa hơn xuống biển, lập tức gặp tiếng còi cảnh báo của bảo vệ công viên đang quan sát bãi biển từ tháp cứu hộ nép mình trong đám cây gần bãi cát. Không được phép bơi mặc dù du khách có thể lội nước một chút sát bờ.
Nhưng một số du khách dường như không thể cưỡng lại được làn nước xanh trong vắt như ngọc của Maya và cố gắng vượt qua các ranh giới. Một du khách Pháp đã bị phạt 5.000 baht (khoảng 137USD) vì liên tục phớt lờ quy định của ban quản lý vịnh.
Trên lối đi lát ván, một người phụ nữ lớn tuổi đang hút thuốc gần lối vào bãi biển – khu vực nghiêm cấm hút thuốc.
Những điều này khiến du khách cảm thấy không thoải mái, nhưng đó là một sự cải thiện lớn so với những gì du khách đã từng trải qua ở đây.
Vịnh thiên đường “được yêu đến chết”
Nằm trong Công viên Quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu Ko Phi Phi của Thái Lan, vịnh Maya là một phần của cụm đảo Phi Phi Leh, thuộc tỉnh Krabi.
Đối với chính quyền Thái Lan, việc cân bằng giữa nhu cầu của du khách với lời kêu gọi khẩn cấp bảo vệ các nguồn tài nguyên quý giá của công viên quốc gia là một thách thức hiện hữu khi mà du lịch đóng góp tới 20% GDP.
“Phương án tối ưu là không có ai tới khu vực này”, nhà sinh vật biển kiêm Giáo sư, Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat nói.
“Nếu bạn hỏi tôi với tư cách một nhà khoa học, câu trả lời là hãy giữ vịnh Maya cho những con cá mập. Nhưng như chúng ta biết đấy, vịnh này là một điểm du lịch nổi tiếng. Vì thế chúng tôi phải thỏa hiệp”.
Giáo sư, Tiến sĩ Thon được biết tới là người đã thuyết phục Chính quyền Thái Lan đóng cửa ngay vịnh Maya trong 4 năm – một quyết định gây tranh cãi vào thời điểm năm 2018.
Đứng đầu một nhóm các nhà hải dương học, ông làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một đối tác tư nhân là Công ty phát triển bất động sản Singha Estates, một công ty luôn ưu tiên sự phát triển bền vững trong các hoạt động kinh doanh – trong một dự án khổng lồ hồi sinh vịnh khi không có sự hiện diện của du khách.
Giáo sư, Tiến sĩ Thon kể lại: “Khoảng 40 năm trước, vịnh Maya đã là một điểm du lịch, nhưng phần lớn chỉ có khách Thái Lan – và lượng khách không nhiều bởi vào thời điểm đó chưa có tàu cao tốc”.
“Ngày càng nhiều người đến. Và sau đó là bộ phim của Hollywood”.
“Bộ phim đó” tất nhiên là “The Beach”, có ngôi sao Leonardo DiCaprio thủ vai chính. Được phát hành vào năm 2000, nội dung của bộ phim tập trung vào một nhóm khách du lịch bụi muốn tạo ra một không gian riêng tư của riêng họ trên một hòn đảo xinh đẹp đến khó tin ở Thái Lan.
Khi mức độ nổi tiếng của bộ phim ngày càng tăng, thì khách du lịch cũng mong muốn được đến thăm địa điểm mà phần lớn bộ phim được quay – Vịnh Maya.
Trong nhiều năm, số lượng khách du lịch tăng từ dưới 1.000 lên đến 7.000 hoặc 8.000 du khách mỗi ngày. Trong số đó có nhiều khách đi trong ngày đến từ Phuket gần đó. Trung bình có khoảng 5.000 người vào vịnh mỗi ngày.
“Có rất nhiều thuyền đến”, ông Thon nhớ lại. “Tôi đã từng dùng máy bay không người lái để kiểm tra và tôi đã thấy có gần 100 chiếc thuyền cùng một lúc (trong vịnh)”.
Chân vịt của những con thuyền hất cát lên san hô, những mỏ neo của chúng đập mạnh xuống đáy biển mỏng manh. Các du khách cũng đi bộ trên rạn san hô, hầu hết không nhận thức được thiệt hại mà họ đang gây ra.
Giáo sư Thon kể lần đầu tiên ông kiểm tra san hô trong vịnh là vào khoảng 30 năm trước. Khi ấy, 70-80% rạn san hô của vịnh còn nguyên vẹn.
Nhiều năm sau đó, mức độ nguyên vẹn của san hô còn ít hơn 8%. |
Bên cạnh những mối quan ngại sâu sắc về hệ sinh thái, trải nghiệm du lịch cũng không mấy tích cực. Cảnh quan xinh đẹp của khu vịnh đã bị chắn bởi hàng dài tàu thuyền neo đậu ven bờ.
Đóng cửa để hồi sinh
Kể từ khi đóng cửa vịnh vào năm 2018, Thon và một nhóm chuyên gia biển và tình nguyện viên đã trồng lại hơn 30.000 mảnh san hô, phần lớn trong số đó mọc ở ngoài khơi của một hòn đảo gần đó, đảo Yung.
Khoảng 50% san hô được trồng lại vẫn sống sót dù có một số lần chúng bị tẩy trắng. Hiện nay, chúng bắt đầu phát triển và tự lan rộng. Như Thon nói, “mẹ thiên nhiên đang thực hiện công việc”.
Giáo sư Thon cho hay, nếu không có quá trình cấy ghép, sẽ mất 30-50 năm để rạn san hô tái tạo tự nhiên.
an hô hồi sinh khiến hệ động vật hoang dã cũng trở lại và phát triển mạnh. Trong số các loài động vật hiện đang sinh sống ở vịnh có cá hề, tôm hùm và cá mập đầu đen, loài động vật vô hại đối với con người.
“Khi chúng tôi đóng cửa vịnh, chỉ sau 3 tháng, cá mập đầu đen quay trở lại, chúng tiếp tục giao phối, một số trong đó sinh con … Vì vậy có rất nhiều điều xảy ra ở vịnh Maya, không chỉ rạn san hô”, ông Thon nói.
Hiện, chỉ 7 tháng kể từ khi mở cửa trở lại, chính quyền Thái Lan đang đóng cửa Vịnh Maya một lần nữa.
Tuy nhiên, lần này, việc đóng cửa sẽ chỉ kéo dài 2 tháng, từ ngày 1/8 đến hết ngày 30/9, trong mùa gió mùa.
Các nhà chức trách nói với CNN rằng họ muốn cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng của hòn đảo và tạo điều kiện cho khu bảo tồn tách khỏi lượng khách du lịch đã quay trở lại bờ biển tuyệt đẹp.
Việc đóng cửa như một lời nhắc nhở rằng cần phải dồn nhiều lực để phục hồi điểm đến này, và các nhà chức trách muốn bảo đảm rằng những nỗ lực đã được thực hiện không bị vô ích. |
Ông Suthep Chaikaow, Giám đốc hiện tại của vườn quốc gia vịnh Maya, nhớ lại bầu không khí trước khi công viên đóng cửa vào năm 2018.
“Tất cả những gì tôi có thể nói là nó thật khủng khiếp”, ông nói với CNN. “Trước đây, khi khách du lịch cố gắng chụp ảnh, tất cả những gì họ có thể nhìn thấy là một khu vịnh ngập thuyền neo đậu. Cảnh quan không đẹp. Và bãi biển cũng chật kín khách du lịch”.
Để khắc phục tình trạng quá tải đó, Cơ quan Bảo tồn Thực vật Động vật hoang dã và Công viên quốc gia Thái Lan (DNP) đã giới hạn số lượng du khách không quá 4.125 người mỗi ngày, được phân bổ vào các khung giờ cách nhau mỗi tiếng để giãn số lượng khách. Khung giờ đầu tiên vào lúc 7 giờ sáng và mỗi lần không được vượt quá 375 khách.
Tàu thuyền cũng không được phép vào vịnh. Thay vào đó, các lái tàu phải đưa hành khách xuống một cầu tàu được dựng ở phía sau hòn đảo, cách xa vịnh nhỏ nổi tiếng. Tất cả là một phần của chương trình phục hồi được thiết kế để tránh vấn đề quá tải gây hại môi trường vịnh Maya đã từng xảy ra trong quá khứ.
Một lối đi bộ lát ván mới dẫn từ bến tàu cắt xuyên qua khu rừng, mất khoảng 5 phút đi bộ qua khu rừng để đến bãi biển ở phía bên kia của hòn đảo hẹp.
Giám đốc công viên cho biết lý do để ban hành lệnh cấm du khách bơi trong vịnh là để bảo vệ những con cá mập. Thêm vào đó, một số du khách bơi không giỏi có thể dẫm lên san hô mà các nhà khoa học đã tốn nhiều công sức để nuôi trồng lại.
Ông nói: “Các san hô có thể bị phá vỡ, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta có thể biến mất một lần nữa”.
Ông Suthep kể rằng, cách đây 4 năm, việc đóng cửa vịnh Maya đã vấp phải rất nhiều chỉ trích, phần lớn đến từ các công ty lữ hành đưa khách tới khu vực này do lệnh cấm đánh thẳng vào nguồn thu của họ. Nhưng thái độ của các công ty đã thay đổi khi chứng kiến sự thay đổi của khu vực này sau lệnh đóng cửa.
“Họ đã vô cùng ngạc nhiên. Họ nói nếu biết sự mọi điều sẽ diễn ra theo cách này, lẽ ra chúng tôi đã làm từ lâu. Và các công ty đã hợp tác”, ông Suthep nói.
Bảo vệ thông qua giáo dục
Chỉ cách vịnh Maya trên đảo Phi Phi Don gần đó 15 phút đi tàu cao tốc là Khu nghỉ dưỡng Saii Phi Phi Island Village Resort.
Thuộc sở hữu của Singha Estates, các nhà khoa học biển của tập đoàn này đã làm việc chặt chẽ với Thon trong dự án khôi phục Vịnh Maya – tất cả đều là một phần của mục tiêu rộng lớn hơn là mở ra một kỷ nguyên du lịch bền vững mới ở Thái Lan.
Trong số đó có nhà sinh vật học biển Kullawit Limchularat, Giám đốc phát triển bền vững của Singha Estates. Ông nói rằng Dự án vịnh Maya là phần rõ ràng nhất trong nỗ lực của họ để bảo vệ và hồi sinh cuộc sống dưới nước quý giá của toàn bộ khu vực, nhưng họ cũng đầu tư vào các công trình quan trọng khác để cải thiện khu vực.
Một trong những dự án được ông say mê nhất là chương trình nhân giống cá mập tre dải nâu của khu nghỉ mát, được gọi là “SOS (Save Our Sharks – Hãy cứu lấy những con cá mập của chúng ta)”, do Trung tâm Khám phá Biển của khu nghỉ mát quản lý. Trung tâm này là một cơ sở lớn, được quy hoạch tốt, được thiết kế để giáo dục khách du lịch cũng như cư dân từ các cộng đồng lân cận về sinh vật biển và hệ sinh thái trong vườn quốc gia, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ông Kuallawit cho hay, cộng đồng địa phương là những người sống ở đây và họ cần biết họ đã có những gì và tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng.
Là một phần của chương trình SOS, nhân viên quản lý mọi giai đoạn phát triển của cá mập tre.
Đầu tiên, phôi cá mập tre được đưa về trung tâm từ Trung tâm Sinh vật biển Phuket. Các phôi mất khoảng 90 ngày để nở.
Khi chúng đạt khoảng 30 cm, chúng được chuyển đến bể cá mập lớn hơn, nơi chúng sẽ sống trong 3 tháng nữa trước khi được thả ra đại dương.
Cá mập tre rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của các rạn san hô ở Thái Lan, nhưng quần thể loài này đã giảm trong những năm gần đây. Do đó, chương trình nhân giống và bảo tồn loài cá này được thúc đẩy trên đảo Phi Phi.
Trung tâm này cũng nhân giống và thả loài cá hề, hay đơn giản là “cá Nemo” như hầu hết người Thái gọi chúng một cách thông tục nhờ sự nổi tiếng của bộ phim “Đi tìm Nemo” của Disney.
Ông Kullawit cho biết cá hề được nuôi trong các bể của trung tâm sẽ được thả ra biển nếu quần thể này ở vịnh bị cạn kiệt.
Theo luật của Thái Lan, cá mập tre không được thả trong vùng nước của công viên biển quốc gia vì chúng đã được nuôi trồng. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu phải mất vài giờ đi đến vùng biển bên ngoài khu vực được bảo vệ để đến một mỏm đá nhỏ, được gọi là Koh Mah – hay Đảo Chó.
Nhà hải dương học Kullawit cho biết: “Chúng tôi nhận thấy xung quanh khu vực này có rất nhiều san hô và đây là nơi lý tưởng cho cá mập tre, vì loài cá mập này là loài sống ở rạn san hô, nhưng chúng ở dưới đáy”.
Kullawit cho biết thêm: “Cá mập tre là một loài nhỏ. Chúng không hung dữ và đóng vai trò quan trọng đối với môi trường vì chúng là loài săn mồi. Chúng sẽ khống chế những con mồi yếu ớt như bạch tuộc yếu, cá nhỏ yếu … điều này sẽ giúp các rạn san hô mạnh hơn.”
Số lượng cá mập tre đã giảm trong những năm gần đây do các hoạt động đánh bắt cá và môi trường sống bị phá hủy, khiến các rạn san hô như thế này gặp nguy hiểm.
“Nếu chúng tôi không có cá mập tre, hệ sinh thái của rạn san hô sẽ bị phá hủy. Khi chúng tôi thả những con cá mập này ra vịnh, chúng tôi cảm thấy như mình đang trả lại một cái gì đó cho tự nhiên”, ông Kullawit nói.
Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan dự kiến sẽ đạt 24 triệu người, tức khoảng 60% mức trước đại dịch, vào năm 2024.
Khi lượng khách du lịch toàn cầu quay trở lại ở mức trước đại dịch, đó sẽ là phép thử của cam kết về tính bền vững của dự án hồi sinh vịnh Maya.
Nhưng Giáo sư Thon tự tin vào thành công của dự án này. Ông tin tưởng, sự thành công của vịnh Maya có thể đóng vai trò như một hình mẫu cho các điểm du lịch khác đang gặp rủi ro. “Chúng tôi muốn cứu vùng biển của mình. Nếu chúng tôi có thể làm tại điểm du lịch biển đông đúc nhất Thái Lan, chúng tôi có thể làm ở mọi nơi. Dự án vịnh Maya là một trong những dự án lớn nhất trong cuộc đời của tôi. Vì vậy, miễn là tôi còn sống, tôi sẽ để mắt đến vịnh Maya. “