Thiếu nhân lực khiến lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai gồng gánh nhiều việc, cộng thêm áp lực tâm lý khiến công tác bảo vệ rừng gặp khó.
Thiếu lực lượng chiến đấu giữ rừng
Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thuộc Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu người dân tại TP.HCM và các tinh miền Đông Nam bộ.
Rừng Đồng Nai còn là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam, với số lượng khoảng 16-21 con, trong tổng số 50-100 con voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam, cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm như bò tót, hồng hoàng… và đặc biệt là tạo ra nguồn tài nguyên dự trữ cho tương lai.
Việc bảo vệ, quản lý cũng như khôi phục rừng luôn được UBND tỉnh Đồng Nai, Khu Bảo tồn chú trọng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, thực tế nhiều nhân lực tại các khu bảo tồn, rừng phòng hộ, trạm kiểm lâm xin nghỉ do không đảm bảo được đời sống khiến cho việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Khu Bảo tồn hiện nay được UBND tỉnh Đồng Nai giao quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp và hồ thủy điện Trị An với diện tích hơn 100.000 hecta, trong đó gần 68.000 hecta là diện tích rừng, hơn 32.000 hecta là diện tích đất mặt nước hồ Trị An.
Hiện Khu bảo tồn phân bổ 18 trạm kiểm lâm để quản lý các diện tích đất được giao. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, Khu Bảo tồn còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quản lý rừng, quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hồ Trị An.
“Cán bộ kiểm lâm nói riêng và cán bộ Khu Bảo tồn nói chung rất quyết tâm, cố gắng cùng với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết giữ cánh rừng còn sót lại của tỉnh. Trước giờ công tác rất tốt, nhưng thời gian gần đây về mặt bằng chung của lương, mấy năm rồi nhà nước chưa có điều kiện nâng lương, cơ chế chính sách thay đổi. Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn phải chuyển thành lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của hồ Trị An”, anh Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ (Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho biết.
Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai từ 200 kiểm lâm, đến nay nhiều lực lượng trẻ có trình độ đại học đã nghỉ việc. Hiện Khu Bảo tồn thiếu khoảng 50 biên chế so với chỉ tiêu được giao. Đợt 1 năm 2022, đơn vị này đăng ký tuyển dụng 46 vị trí nhưng chỉ có 23 người nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng và chỉ có 19 người đến phỏng vấn.
“Cần có cơ chế để anh em an tâm công tác giữ rừng”
Theo anh Nam, cán bộ kiểm lâm còn ở lại phải gồng gánh nhiều việc, cộng thêm áp lực tâm lý rất nhiều thứ. “Mặc dù lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Khu Bảo tồn rất quan tâm sâu sát nhưng vướng những cơ chế chính sách như vậy. Hy vọng thời gian sắp tới, các cấp chính quyền có hướng, có thể cải thiện thu nhập của cán bộ những người làm công tác bảo tồn, đặc biệt những anh em kiểm lâm ở khu bảo tồn, cũng như có hướng cơ chế để cho anh em an tâm công tác, chứ như thế này thì rất khó khăn”, ông Nam kỳ vọng.
Là người gắn bó với công tác kiểm lâm 20 năm, anh Phạm Ngọc Vũ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Di tích TW Cục Miền Nam – Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho rằng, Nghị định 01 được Chính phủ ban hành còn nhiều bất cập, khiến cho lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn bị dao động tư tưởng. “Số lượng nghỉ vẫn đang tiếp tục tăng. Khu Bảo tồn đang thiếu lực lượng chiến đấu giữ rừng. Nếu Nghị Định 01 triển khai chuyển lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thành bảo vệ rừng thì rừng ở đây khó đảm bảo giữ nguyên”, anh Vũ nói.
Anh Vũ cho rằng, kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc ban quản lý, trực tiếp là người chiến đấu giữ rừng, chiến đấu với lâm tặc để bảo vệ rừng. Nhưng bây giờ, theo Nghị định 01, kiểm lâm rừng đặc dụng sẽ phải giải thể chuyển thành bảo vệ rừng chuyên trách, từ đó phát sinh nhiều bất cập như không có quyền thực thi pháp luật, không được sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ.
“Kiểm lâm Khu bảo tồn chuyển thành bảo vệ rừng sức mạnh trấn áp lâm tặc sẽ yếu, công tác giữ rừng không hiệu quả, thậm chí không có tác dụng và rừng có nguy cơ bị xâm hại rất lớn, vì các tỉnh bao quanh khu bảo tồn này đã hết rừng. Mặt khác, bình quân anh em kiểm lâm rừng đặc dụng có phụ cấp 2 triệu đồng/tháng, nếu chuyển thành bảo vệ thì mất phụ cấp này.
Hiện tại, các tổ chức thế giới như ZICA của Nhật Bản cũng đang có ý kiến giữ nguyên kiểm lâm rừng đặc dụng. Mong rằng, Chính phủ, Bộ NN-PTNT quan tâm giữ nguyên lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng để công tác quản lý rừng hiệu quả hơn, nếu chỉ giữ kiểm lâm quản lý hành chính cấp huyện thì công tác chiến đấu giữ rừng tại gốc sẽ mất tác dụng”, anh Vũ nói.
Trạm Kiểm lâm Di tích TW Cục Miền Nam – Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai có đặc thù là quản lý di tích Trung Ương Cục Miền Nam giai đoạn 1961-1962, đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trạm có 6 biên chế, trong đó 1 biên chế là quản lý di tích, còn 5 biên chế quản lý 2.076 hecta rừng, bình quân là 500 hecta/1 kiểm lâm.
Địa bàn của Trạm giáp ranh với xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có chiều dài hơn 10 km, giáp suối Mã Đà, rất khó khăn. “Rừng tự nhiên ở đây là mảng rừng xanh cuối cùng của miền Đông Nam bộ và của cả miền Nam. Hệ sinh thái ở đây rất đa dạng, có khoảng 1.558 loài thực vật và hơn 2.277 loài động vật đa dạng sinh học rất cao”, anh Vũ cho biết.
Để bảo vệ rừng, hàng năm, Hạt kiểm lâm tham mưu trực tiếp Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Trên cơ sở đó, các trạm kiểm lâm lập kế hoạch bảo vệ rừng hàng tháng, tổ chức lực lượng kiểm lâm tuần tra cả ngày lẫn đêm những khu vực trọng yếu và có nguy cơ xâm hại. Từ đó, góp phần hiệu quả ngăn chặn người và phương tiện xâm nhập trái phép ra vào rừng. Bằng chứng là rừng ở đây được giữ vững.
“Mặc dù có lời ra tiếng vào nói kiểm lâm rừng đặc dụng không hiệu quả, nhưng thực tế đã chứng minh là gần 68.000 hecta rừng và đất lâm nghiệp được giữ vững”, anh Vũ nói.
Năm 2011, UNESCO đã điều tra kỹ lưỡng và công nhận Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam và là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới.
Được tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo quan tâm, kiểm lâm Khu Bảo tồn đã thực hiện rất thuận lợi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa Chiến Khu D rất hiệu quả.