Đó là kết quả khảo sát liên ngành Y tế và Thú y tại Việt Nam, được công bố tại Diễn đàn cao cấp thường niên năm 2022 trong khuôn khổ Khung đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025. Diễn đàn trực tuyến do Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ TN-MT phối hợp tổ chức. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham dự tại điểm cầu Đồng Nai.
Cũng theo báo cáo tại diễn đàn, các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, có trên 60% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và trên 70% trong số này có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Khu vực châu Á được xác định là 1 trong 5 “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người, bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi và động vật hoang dã.
Để giảm thiểu sự xâm nhập và tác động của dịch bệnh từ động vật sang người cần sự phối hợp liên ngành ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, Một sức khỏe (One Health) hiện đang là hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp và hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường.
Hiện nay, có 5 bệnh ưu tiên phối hợp liên ngành gồm: Bệnh Cúm A (H5N1), bệnh Dại, bệnh Liên cầu khuẩn lợn, bệnh than (nhiệt thán), bệnh Xoắn khuẩn vàng da (leptospirosis).
Tháng 3-2021, Bộ NN-PTNT ký thỏa thuận khung Đối tác Một sức khỏe phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người giai đoạn 2021-2025.Mục tiêu chung là giảm thiểu nguy cơ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật và môi trường sang người và kháng kháng sinh thông qua tăng cường phối hợp đa ngành một sức khỏe.