Doanh nghiệp không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn chung tay chống biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
Thay đổi trước khi quá muộn
Một chú cá voi con đã chết trên biển Philippines do đã nuốt 40kg rác thải nhựa. Một chú rùa biển trôi dạt ở Thái Lan và được cứu sống khi nuốt phải túi nilon dài 30 cm. Đây là những minh chứng rõ nét nhất về việc ô nhiễm môi trường đang xảy ra ngày càng trầm trọng.
Theo báo cáo môi trường của Cơ quan Điều tra Môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh (EIA), đến năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa sẽ vượt xa trọng lượng của tất cả các loài cá tôm ở mọi đại dương trong những thập kỷ tới.
Còn theo Liên Hợp quốc, trái đất đang gánh chịu sức tàn phá của con người với 40% diện tích đất bị thoái hóa. Với tốc độ suy thoái tiếp tục như hiện nay thì đến năm 2050, diện tích đất bị thoái hóa sẽ bằng diện tích của Nam Mỹ.
Chính vì vậy, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững đang là mục tiêu của cả thế giới. Đây chính là lý do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đã tổ chức Buổi Lễ công bố chương trình Bình chọn Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2022 (Top 50 CSA 2022).
Trong chương trình, các diễn giả đã tham gia buổi Hội thảo “Vững kinh doanh- Xanh trái đất” để thảo luận về phát triển kinh tế bền vững.
Ông Tim Evans, Giám đốc Điều hành HSBC Việt Nam, cho biết năm 2021, thiên tai, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến 65 triệu người trên thế giới và gây thiệt hại khoảng 150 tỉ USD. Dù hoạt động kinh doanh sản xuất trên toàn cầu bị ngừng trệ do COVID-19 nhưng biến đổi khí hậu không dừng lại.
Theo ông Tim Evans, trong công việc, các tổ chức, doanh nghiệp luôn đưa ra nhiều phương án, kế hoạch khác nhau nhưng lại không có kế hoạch cho hành tinh và con cháu chúng ta sau này. Do đó, hàng loạt ngân hàng đã tham gia vào các chương trình phát triển xanh, rót vốn vào các dự án sản xuất xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trong năm 2021, 60% ngân hàng ở Việt Nam đã hỗ trợ vốn cho các dự án xanh.
“Phát triển xanh đem lại thách thức cho doanh nghiệp và người dân nhưng đồng thời là cơ hội để tạo lợi thế cạnh tranh nếu có kế hoạch kinh doanh đến cùng, hướng đến mục tiêu phát thải bằng 0 là một mục tiêu vô cùng ý nghĩa”, ông Tim Evans nói.
Năng lượng phải sạch
Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, cho rằng năng lượng chính là lý do lớn gây ra biến đổi khí hậu. Hiện nay, ngành năng lượng đang chiếm 80% lượng phát thải carbon của toàn cầu.
Chính vì vậy, cần có hệ thống quản lý năng lượng để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực. Số hóa việc quản lý năng lượng chính là “chìa khóa” để thấy được những thứ vô hình và trực quan hóa việc sử dụng năng lượng, đưa ra các giải pháp để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên môi trường. Đó là yếu tố chính để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo ông Lâm, mục tiêu hướng đến kết quả phát thải bằng 0 là một chiến lược cải tiến chuỗi giá trị cho doanh nghiệp và khách hàng. Dự kiến đến năm 2030, những chuỗi cung ứng phát thải bằng 0 và sử dụng điện năng từ năng lượng tái tạo sẽ xuất hiện trên thế giới. Đơn vị này cũng đang có dự án giúp 1.000 nhà máy cắt 25% lượng khí thải vào năm 2025.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển xanh thì rất cần những nguồn lực tài chính ngay từ khi bắt đầu. Do đó, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, doanh nghiệp phát triển xanh phải có sự đầu tư ban đầu và đây là những trở ngại khi thực hiện “con đường xanh”. Chính vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách vĩ mô để thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả đất nước. Các doanh nghiệp không thể phát triển xanh, bền vững nếu Chính phủ có định hướng khác, hoặc không có sự hỗ trợ cho những chính sách phát triển bền vững.
“Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về tài chính, thuế, đào tạo cho doanh nghiệp sẽ giúp các đơn vị tự tin trên con đường phát triển của mình”, ông Thinh nói.
Tại chương trình Bình chọn Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2022 (Top 50 CSA 2022), Ban tổ chức, Hội đồng thẩm định sẽ bình chọn những doanh nghiệp tiêu biểu cho cả 3 khối doanh nghiệp: vốn đầu tư nước ngoài (FDA), doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Top 50 CSA 2022 đã nhận được dữ liệu và tư vấn của Hội đồng thẩm định gồm đại diện Ngân hàng HSBC, Deloitte Việt Nam, FTI, Talentnet, Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế tuần hoàn và các chuyên gia kinh tế, kinh doanh hàng đầu từ Trường Kinh doanh Harvard nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học trong đánh giá.
Chương trình này nhằm góp phần thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững lan toả sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội Việt Nam. Qua đó, ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp đã góp phần vào việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và công bằng xã hội. Đồng thời, những doanh nghiệp tiêu biểu với nhiều sáng kiến về xã hội, môi trường cũng truyền cảm hứng cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững một cách thực chất và hiệu quả nhất.
Đó là các mục tiêu sinh thái của mô hình phát triển đô thị bền vững có thể thực hiện thông qua tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu và giảm thiểu lượng rác thải. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp trong nỗ lực định hướng nhu cầu của người tiêu dùng phù hợp với các mục tiêu tăng trưởng bền vững. Hay nỗ lực mở cánh cửa Net Zero thông qua thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp và năng lượng sạch.
Bình chọn Top 50 CSA 2022 xem xét các yếu tố quan trọng liên quan Cam kết phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam đưa ra tại COP 26 cùng các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Theo đó, Top 50 CSA 2022 doanh nghiệp phát triển bền vững năm nay được đánh giá dựa trên các cột trụ gồm: Chỉ số kinh doanh – sản xuất, Chiến lược phát triển bền vững, Quản trị doanh nghiệp, Bảo vệ môi trường, Trách nhiệm cộng đồng và xã hội.
Nhân dịp này, Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư cũng công bố dự án thành lập Hội đồng Tư vấn Phát triển bền vững tại Việt Nam. Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành của nhiều lĩnh vực sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong vai trò tư vấn, định hướng chiến lược trong thực hành phát triển bền vững về: chuyển đổi năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, đa dạng sinh học.